Trong khoảng 1 tháng nay, bỗng nhiên em rất hay bị đau đầu. Lúc đầu, cơn đau chỉ xuất hiện phía trước trán một lúc rồi hết. Những ngày sau, em liên tục bị đau ở dọc bên trái mặt. Đôi lúc em cứ tưởng mình đau răng vì nó nhức cả ở vùng hàm, nhưng không phải vì một lúc sau lại thấy đau lan sang vùng tai rồi chuyển lên trên trán. Gần đây, em bị đau ở một nửa bên trái vào buổi sáng, đến buổi chiều lại chuyển sang bên phải. Nếu cứ tiếp tục bị như thế này thì thật sự rất khó chịu và mệt mỏi vì em đang trong quá trình ôn thi đại học. Mong bác sĩ giải đáp giúp liệu em đang mắc bệnh gì và cách chữa trị ra sao ạ? Em xin cảm ơn! (fuyu...@yahoo.com.vn) | |
Đau đầu có thể là triệu chứng của các bệnh mạch máu não, u não, viêm nhiễm vùng đầu - mặt - cổ, hội chứng giao cảm cổ sau, rối loạn thần kinh chức năng... Với mỗi căn nguyên lại có những biểu hiện và cách xử lý khác nhau: 1. Đau đầu do căng thẳng thần kinh (còn được gọi là đau đầu co cơ hay đau đầu tâm lý): thường xảy ra ở những người có tiền sử trầm cảm, lo âu. Triệu chứng cơ bản là đau hai bên đầu, đau thường xuyên và không có cảm giác đập theo mạch nẩy. Đôi lúc người bệnh thấy đầu như bị bó chặt lại từ hai thái dương hay vùng chẩm, vùng cổ. Cơn đau khởi phát từ từ, có thể kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần. |
2. Đau đầu từng chuỗi: một loại đau đầu do căn nguyên mạch máu. Hiện nay loại đau đầu này được coi là rối loạn thần kinh - hóa học có chu kỳ của cơ thể.
Cơn đau xuất hiện sau khi ngủ từ 1 đến 3 giờ, đến khi tỉnh dậy thì người bệnh đã thấy đau đầu nặng. Đau hay tái phát, trong 1 ngày có thể đau nhiều lần và kéo dài nhiều ngày hay nhiều tuần liền.
Cơn đau chỉ khu trú ở một nửa đầu, đau nhiều ở sau mắt lan ra trán và thái dương, cảm giác đau ở sâu và không đập theo nhịp mạch. Có thể kèm theo các triệu chứng như mặt nề, chảy nước mắt, ngạt mũi, chảy nước mũi, ra nhiều mồ hôi, sa mí mắt và co đồng tử cùng bên...
3. Đau nửa đầu: là một loại đau đầu do căn nguyên mạch máu, xuất hiện thành từng cơn và nguyên nhân vẫn chưa được biết rõ. Có hai dạng lớn:
- Đau nửa đầu không có triệu chứng báo trước: Thường xuất hiện vào buổi sáng khi mới ngủ dậy, có khi vào ban đêm, ít khi xảy ra vào ban ngày.
Cơn đau thường khởi phát từ từ và đạt đến đỉnh cao sau vài giờ. Lúc đầu, người bệnh chỉ đau ở một bên đầu (thường ở vùng thái dương - trán) rồi dần dần lan ra cả đầu; đau chủ yếu ở phần sọ, ít khi thấy đau ở phần mặt. Đau theo nhịp đập của mạch và nặng lên khi hoạt động. Triệu chứng kèm theo có thể là buồn nôn và nôn, mạch chậm, huyết áp cao và nhạy cảm với các mùi.
Cơn đau thường kéo dài từ vài giờ tới vài ngày và để lại cảm giác ê ẩm trong đầu sau đó.
- Đau nửa đầu có triệu chứng báo trước: Thường khởi đầu bằng những triệu chứng thần kinh khu trú ở vỏ não hoặc thùy não rồi phát triển dần dần trong 5 - 20 phút. Tiếp theo đó là đau đầu, buồn nôn và sợ ánh sáng; có thể rối loạn thị lực cùng bên đau, có cảm giác như kiến đốt, kim châm, yếu nửa người, nói khó hoặc mất ngôn ngữ.
Các triệu chứng chỉ kéo dài dưới 60 phút và bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn. Đây là điểm khác biệt lớn nhất để phân biệt với những chứng đau đầu khác.
Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đã bị đau nửa đầu do căng thẳng thần kinh với kỳ thi sắp tới. Bác sĩ khuyên em tốt nhất nên thực hiện những điều sau:
- Tránh xa chocolate, đồ ăn nhiều mỡ, mì chính, các gia vị cay nóng như ớt, hạt tiêu, tỏi...
- Việc sinh hoạt, ăn ngủ điều độ và tập thể dục hằng ngày có tác dụng rõ rệt trong việc điều hòa các căng thẳng thần kinh và giúp cho giấc ngủ thuận lợi hơn.
- Trước khi đi ngủ và sáng sớm lúc thức dậy, nên dùng bàn tay xoa bóp vùng trán, hai bên thái dương và quanh hai hố mắt, đỉnh đầu để hạn chế sự phát sinh của các cơn đau.
- Khi bị đau đầu, có thể chữa bằng cách bấm mạnh vào điểm giữa hai lông mày, day thành những vòng tròn nhỏ rồi đặt hai ngón tay trỏ vào góc ngoài của hai đuôi mắt và xoa vuốt ngược lên phía trên. Việc cử động, xoa bóp cổ gáy cũng có hiệu quả tương tự vì chúng làm giảm sự căng thẳng và co rút gây đau của các cơ ở vùng vai, gáy.
Tuy nhiên, nếu đã thực hiện những phương pháp trên mà các cơn đau vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm thì em nên đến bệnh viện chuyên khoa khám để xác định nguyên nhân và tìm cách chữa trị hiệu quả cho trường hợp của mình.
Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!