Biến chứng nguy hiểm do thói lạm dụng thuốc nhỏ mũi

Bác sĩ Mèo, Theo Mask Online 12:00 13/03/2013

Không phải bệnh nào cũng tự chữa tại nhà được đâu các bạn nhé!

Biến chứng nguy hiểm do thói lạm dụng thuốc nhỏ mũi 1

Một tháng trước, vì thời tiết lạnh nên em bị sổ mũi rồi dẫn đến viêm cả ổ mũi. Mọi khi em vẫn dùng nước biển để xịt nhưng vì lâu có tác dụng nên em chuyển sang dùng thuốc nhỏ mũi kháng sinh. Tuy nhiên, sau khi hết sổ mũi thì em lại vướng phải chứng nghẹt mũi. Hầu như sáng nào em cũng phải thức dậy từ rất sớm vì không thở được. Cho đến nay, bệnh vẫn chưa khỏi hẳn mà chỉ đỡ sau mỗi lần nhỏ thuốc thôi. Mong bác sĩ giải đáp liệu có phải em đã bị viêm mũi mãn tính rồi không và cách chữa trị ra sao ạ? Em xin cảm ơn! (babygo...@gmail.com)
Biến chứng nguy hiểm do thói lạm dụng thuốc nhỏ mũi 2

Chào em,

Nước ta vốn có khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, khi chuyển mùa thì nóng lạnh thất thường nên hay gây ra viêm mũi họng. Khi mắc bệnh này, hầu như mọi người đều nghĩ bệnh đơn giản nên thường tự mua thuốc ở hiệu thuốc hoặc được bác sĩ kê đơn 1 lần rồi tự mua dùng những lần tiếp theo mà không chịu đi tái khám lần nữa. 

Tuy nhiên, họ không biết rằng mỗi loại thuốc nhỏ, xịt mũi chứa các thành phần khác nhau và cách dùng chúng trong trường hợp nào, kéo dài bao lâu thì tốt cho mũi mà vẫn an toàn phụ thuộc vào chính các thành phần trong đó.

Viêm mũi thường biểu hiện 3 triệu chứng chính là hắt hơi, chảy mũi và ngạt mũi. Dựa vào bản chất thành phần trong lọ thuốc xịt, nhỏ mũi thì trong hàng chục loại thuốc có trên thị trường chỉ nằm gọn trong 4 nhóm sau:

- Thuốc co mạch (ví dụ naphazoline, oxymethazoline, xylomethazoline): Đặc điểm chung của các thuốc này là có tính chất co mạch, qua đó làm giảm sung huyết các cuốn mũi, giúp thông mũi nhanh ngay sau khi dùng vài phút, tác dụng kéo dài từ 8 - 12 tiếng nên dùng 2 - 3 lần/ngày là đủ. Thuốc này chỉ làm thông mũi mà không có tác dụng đối với các triệu chứng khác của viêm mũi. Ngoài ra, các thuốc này đều có chung tác dụng phụ là làm mất tính đàn hồi niêm mạc mũi, gây phì đại cuốn mũi, nhất là khi dùng thường xuyên và kéo dài. Do đó, chỉ nên dùng khi thật sự ngạt mũi nhiều, ảnh hưởng đến sinh hoạt.

- Thuốc corticosteroid: chống viêm, chống dị ứng, do đó có tác dụng giảm cả 3 triệu chứng là hắt hơi, chảy mũi và ngạt mũi. Dòng thuốc này không có tác dụng ngay sau khi dùng, mà phải đợi sau 3 - 5 ngày.
 
Vì vậy, thuốc này có thể dùng kéo dài, thường được kê cho các loại viêm mũi mạn tính như viêm mũi dị ứng, viêm mũi vận mạch, polyp mũi... Tuy nhiên, thuốc vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ như rát mũi, khô mũi, chảy máu mũi, dùng lâu có thể nấm họng, với một số người nhạy cảm với các thành phần thuốc có thể gây buồn nôn và kích ứng dạ dày.

- Thuốc hỗn hợp: Thường do các hãng dược pha chế hỗn hợp thuốc corticosteroid, kháng sinh và co mạch với nhau. Các thuốc này ngoài tác dụng thông mũi thì còn chống viêm, chống dị ứng và kháng khuẩn. Tuy nhiên, thuốc cũng gây tác dụng phụ mất tính đàn hồi niêm mạc mũi, quá phát cuốn mũi khi dùng kéo dài.

- Nước muối sinh lý: Là các chế phẩm chứa nước muối ở nồng độ đẳng trương so với dịch cơ thể người, có thể là từ các nguồn thiên nhiên (nước biển sâu) hoặc do tổng hợp. Chế phẩm này có tác dụng làm sạch mũi, làm loãng dịch tiết trong mũi và chống khô mũi. Các dịch tiết và bụi bẩn sẽ được tống ra khỏi mũi thông qua việc xì mũi, hắt hơi hoặc hút rửa mũi. Trên lý thuyết thì các chế phẩm này không có tác dụng phụ.

Vì thế bác sĩ Mèo khuyên em nên đến bệnh viện chuyên khoa khám trực tiếp để nhận được chỉ định điều trị thích hợp chứ đừng nên tự ý sử dụng thuốc như hiện nay, nhằm tránh gặp phải những hậu quả đáng tiếc.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!
 

Biến chứng nguy hiểm do thói lạm dụng thuốc nhỏ mũi 3