Giờ đi ngủ và thức dậy khác các bạn cùng trang lứa là bí kíp giúp con gái Minh Tiệp cao lớn hơn

Thảo Hương, Theo Thể thao văn hóa 10:10 17/04/2023

Thói quen này không chỉ giúp con gái Minh Tiệp duy trì sức khoẻ tốt mà chiều cao của cô bé cũng được cải thiện đáng kể.

Con gái đầu lòng của vợ chồng Minh Tiệp và Thùy Dương có tên là Minh Thùy (biệt danh Cún). Hiện cô bé đang học lớp 6 của một trường công lập nổi tiếng. Chia sẻ về cô công chúa nhỏ, Thùy Dương cho biết con gái trổ mã, ngày một ra dáng thiếu nữ nhưng tính cách vẫn ngây thơ, trẻ con.

Một trong những điểm ở cô bé được nhiều người ngưỡng mộ đó là dù còn nhỏ tuổi nhưng Minh Thùy sở hữu chiều cao 1m64 đáng ngưỡng mộ. Không chỉ do gen, bé cao được như vậy một phần là do thời khóa biểu hợp lý mà bố mẹ đã sắp xếp cho con gái.

Cụ thể, từ nhỏ, vợ chồng Minh Tiệp đã rèn cho con gái thói quen đi ngủ vào lúc 9h tối và dậy vào lúc 5h30 sáng. Dù bố mẹ đi đâu, làm gì thì đúng 9h30 tối, Minh Thùy luôn tự động lên giường đi ngủ.

Về giờ giấc sinh hoạt của con, Minh Tiệp cũng nghiên cứu khá kỹ. Anh không khuyến khích con ngủ nhiều vì theo anh ở độ tuổi này, mỗi ngày chỉ cần ngủ 8-9 tiếng là đủ, buổi trưa cũng chỉ nên ngủ dưới 30 phút.

Ngủ từ 9h tối giúp bé phát triển chiều cao như thế nào?

Theo bác sĩ Nguyễn Việt Thanh - chuyên ngành Nhi khoa - bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Minh Hải tại TP. Cà Mau, thời gian ngủ đủ và đúng giờ có thể hỗ trợ sự phát triển chiều cao của trẻ em. Theo American Academy of Pediatrics (AAP), trẻ em từ 6 đến 12 tuổi cần ngủ khoảng 9-12 giờ mỗi đêm để đảm bảo sức khỏe và phát triển tối đa.

Vì vậy, nếu trẻ 12 tuổi ngủ đủ 9 giờ mỗi đêm, điều này có thể hỗ trợ sự tăng chiều cao của trẻ. Tuy nhiên, sự phát triển chiều cao của một người phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như di truyền, dinh dưỡng và tập luyện. Việc có đủ giấc ngủ và thói quen sinh hoạt lành mạnh chỉ là một phần của việc đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ.

Các nghiên cứu đã chỉ ra, việc tiết hormone tăng trưởng đạt đỉnh điểm vào khoảng thời gian từ 21h tới 1h sáng và từ 5h đến 7h sáng. Trong thời gian ngủ, các cơ quan cũng không ngừng tự hồi phục và phát triển. Nếu trẻ không ngủ sâu ở thời điểm này, hormone tăng trưởng sẽ không được tiết ra, ảnh hưởng trực tiếp đến chiều cao, trí não của trẻ.

Trẻ ngủ sớm sẽ hình thành thói quen tốt, những đứa trẻ ngủ trước 9h tối thường dễ quen giấc hơn, đến giờ là có thể ngủ ngay. Trẻ cũng ít trằn trọc và ngủ sâu hơn. Những trẻ hay thức khuya sẽ dễ bị mắc cảm lạnh và bệnh vặt thường xuyên hơn. Nguyên nhân là do trong giấc ngủ sâu, cơ thể sản xuất ra nhiều chất khác nhau, trong đó có protein cytokine, chủ yếu được sử dụng để ngăn ngừa nhiễm trùng và bệnh tật.

Qua những lý do trên, phụ huynh hoàn toàn nên cho trẻ đi ngủ sớm, tốt nhất là vào 9h tối để giúp con phát triển toàn diện.

Thức dậy sớm có ảnh hưởng đến sức khoẻ, chiều cao của trẻ?

Cũng theo bác sĩ Thanh, dậy sớm vào buổi sáng không có tác động trực tiếp đến chiều cao của trẻ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc thay đổi thời gian ngủ, đặc biệt là thiếu ngủ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và cảm giác mệt mỏi trong ngày của trẻ.

Thời gian thức dậy của trẻ phụ thuộc nhiều vào thời gian đi ngủ từ đêm hôm trước. Nếu trẻ ngủ muộn thì sẽ thức dậy muộn hơn, ngược lại, nếu trẻ dậy sớm thì sẽ thức dậy sớm hơn.

- Đối với trẻ từ 1 đến 4 tuần tuổi: Đây là giai đoạn trẻ ngủ nhiều nhất. Mỗi ngày, trẻ cần ngủ khoảng 15 đến 18 tiếng. Tuy nhiên, giấc ngủ của trẻ chưa theo chu kỳ ngày đêm. Trẻ thường có nhiều giấc ngủ ngắn trong ngày và mỗi giấc ngủ có thể kéo dài từ 2 đến 4 tiếng. Một số trẻ sinh non thì thời gian ngủ có thể lâu hơn.

- Trẻ từ 1 đến 4 tháng tuổi: Ở độ tuổi này, mỗi ngày trẻ cần ngủ khoảng 14 đến 15 tiếng. Lúc này, thời gian mỗi giấc ngủ của trẻ có thể kéo dài hơn và trẻ sẽ ngủ nhiều hơn vào buổi tối.

- Trẻ từ 4 tháng đến 1 tuổi: Trẻ vẫn nên ngủ khoảng 15 tiếng mỗi ngày là tốt nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, trẻ em ở độ tuổi này chỉ ngủ khoảng 12 tiếng mỗi ngày. Lúc này, thể chất của trẻ đã phát triển hơn rất nhiều và trẻ có thể ngủ được qua đêm, chu kỳ ngủ của trẻ cũng gần giống với người lớn.

- Trẻ từ 1 đến 3 tuổi: Giai đoạn này, trẻ cần ngủ khoảng 12 đến 14 tiếng/ngày. Trẻ ở nhóm tuổi này rất ít khi ngủ vào buổi sáng và thường có một giấc ngủ ngắn từ 30 phút đến 1 tiếng vào buổi trưa. Vào buổi tối, trẻ thường ngủ vào khoảng 19h-21h và trẻ sẽ thức dậy vào lúc 6h-8h ngày hôm sau.

- Trẻ từ 3 đến 6 tuổi: Trong độ tuổi này, trẻ cần ngủ khoảng 10 đến 12 tiếng/ngày. Ở giai đoạn này, trẻ đã hình thành được thói quen ngủ khoa học hơn. Trẻ thường ngủ vào khoảng thời gian từ 19h-21h và thức dậy vào khoảng 6-8h sáng. Khoảng 5 đến 6 tuổi trẻ sẽ ít ngủ trưa hơn. Cha mẹ không nên cho con ngủ trưa quá lâu, giấc ngủ trưa khoảng 30 đến 60 phút sẽ tốt hơn cho trẻ.

- Trẻ từ 6 đến 12 tuổi: Trẻ em trong độ tuổi này cần ngủ ít nhất 9 tiếng mỗi ngày. Trẻ nên ngủ vào 21 giờ tối và thức dậy vào khoảng 7 giờ sáng.

- Trẻ từ 12 tuổi trở lên: Ở giai đoạn này, trẻ tham gia nhiều hoạt động ở nhà trường, gia đình và cộng đồng. Do đó, giấc ngủ rất quan trọng để giúp trẻ lấy lại năng lượng và đảm bảo có một sức khỏe tốt nhất. Trẻ cần ngủ khoảng 7 đến 10 tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên, một số trẻ thường ngủ ít do áp lực học hành. Trẻ có thể ngủ vào 9h-9h30 tối và thức dậy vào 5-6h sáng hôm sau.

Tổng hợp