Giáo viên tiếng Anh tiểu học: Thay vì giảm tiết hãy tăng lương!

THS NGUYỄN HỒ THỤY ANH, Theo Tuổi trẻ Online 20:13 04/09/2022

Về chuyện giáo viên tiếng Anh tăng cường ở TP.HCM dạy 23 tiết lương 3 triệu đồng/tháng, tôi tâm đắc với cách đặt vấn đề của Tuổi Trẻ Online.

Đó là: ''...Tại sao ngày xưa chương trình tiếng Anh tăng cường là chương trình riêng của TP.HCM mà lương giáo viên tiếng Anh được xem là lý tưởng, thu hút được người giỏi vào làm việc? Thì nay, tiếng Anh đã được cấp quốc gia xem là quan trọng mà giáo viên tiếng Anh lại không được xem trọng? Vì cơ chế, vì cách làm hay còn vì điều gì khác nữa? Đó là những câu hỏi cần câu trả lời".

Giáo viên tiếng Anh tiểu học: Thay vì giảm tiết hãy tăng lương! - Ảnh 1.

Khoảng 400 giáo viên dạy tiếng Anh tăng cường trong các trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM tham dự buổi tập huấn kỹ năng dạy tiếng Anh do Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM tổ chức thời điểm năm 2014 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online, tôi chia câu chuyện trả lương cho giáo viên tiếng Anh tiểu học tại TP.HCM thành ba cột mốc.

Thứ nhất, trả lương trong những năm đầu tiên khi chương trình mới vận hành.

TP.HCM là địa phương tiên phong cả nước trong việc đưa tiếng Anh vào giảng dạy cho học sinh lớp 1 vào năm 1997 - 1998. Việc dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học tại TP.HCM đi trước cả nước gần 20 năm.

Để duy trì hiệu quả của việc dạy và học tiếng Anh tiểu học và để thầy cô giáo yên tâm công tác, giáo viên tiếng Anh đã được tuyển dụng chính thức.

Học sinh theo học chương trình tiếng Anh tăng cường đóng phí 50.000 đồng/tháng. Đây là phí phục vụ hoạt động dạy và học tiếng Anh tăng cường. Khoản thu này được sử dụng để trả thêm lương cho giáo viên tiếng Anh và chi cho đồ dùng dạy học, các hoạt động bên ngoài lớp học nhằm xây dựng môi trường tiếng Anh cho học sinh.

Với khoản thu 50.000 đồng, ngoài lương biên chế, cứ một tiết dạy giáo viên tiếng Anh tăng cường được trả thêm 30.000 đồng. Đó là câu chuyện của 20 năm về trước.

Thứ hai, trả lương giai đoạn hoàng kim.

Giai đoạn trả lương hoàng kim của giáo viên tiếng Anh tiểu học được bắt đầu bằng văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM với một chi tiết cực kỳ quan trọng. Đó là 80% nguồn thu phí tiếng Anh tăng cường tiểu học phải được sử dụng để chi cho con người (giáo viên trực tiếp giảng dạy và cán bộ quản lý).

Ngoài lương biên chế, một tiết dạy tiếng Anh giáo viên được trả thêm từ 50.000 - 70.000 đồng. Học phí của chương trình tiếng Anh tăng cường từ 50.000 đồng/học sinh được tăng lên 100.000 đồng/học sinh.

Thứ ba, giai đoạn hiện nay.

Giáo viên tiếng Anh tiểu học được trả lương căn bản sau khi dạy 23 tiết. Tiết 24 sẽ được trả thêm từ nguồn thu phí của học sinh vì Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định số tiết tiêu chuẩn của giáo viên tiếng Anh tiểu học là 23.

''Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, tính đến nay toàn thành phố có trên 97,2% học sinh tiểu học được học môn tiếng Anh ở cả năm khối lớp. Tuy nhiên, việc tổ chức dạy tiếng Anh trên địa bàn TP vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thiếu giáo viên. Lý do thiếu giáo viên là do số tiết nghĩa vụ quá cao và lương thực lãnh quá thấp.

Do đó Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo giảm số tiết nghĩa vụ của giáo viên dạy tiếng Anh vì dạy tiếng Anh tiểu học 'rất cực', không thể dạy 23 tiết nghĩa vụ/tuần với số lương trên 3 triệu đồng/tháng. Sở kiến nghị số tiết nghĩa vụ nên là 18 tiết/tuần'' (theo bài Giáo viên tiếng Anh tiểu học TP.HCM không thể dạy 23 tiết/tuần, phải giảm!)

Trong một trường tiểu học tại TP.HCM có rất nhiều loại hình học tiếng Anh. Chẳng hạn học tiếng Anh (bốn tiết/tuần) học phí thu từ 100.000 - 120.000 đồng/học sinh; học tiếng Anh giao tiếp với giáo viên bản ngữ học phí 200.000 đồng/tháng/học sinh; học toán, khoa học bằng tiếng Anh với 500.000 đồng/tháng/học sinh. Ngoài lương biên chế, nếu tham gia trợ giảng hoặc đồng giảng các hoạt động này, giáo viên tiếng Anh có thể được trả từ 50.000 đồng/tiết.

Thiết nghĩ Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo giảm tiết tiêu chuẩn của giáo viên tiếng Anh tiểu học từ 23 tiết xuống 18 tiết là chưa thật sự đúng trọng tâm.

Thay vào đó, tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu sở ban hành văn bản hướng dẫn các trường trong việc sử dụng nguồn thu liên quan đến hoạt động dạy và học tiếng Anh trong trường để đảm bảo giữ chân được giáo viên giỏi, tâm huyết.

Văn bản phải được xây dựng dựa trên khối lượng công việc cụ thể của một giáo viên tiếng Anh, phải được dựa trên các thông số về thị trường tuyển dụng giáo viên tiếng Anh tiểu học tại TP.HCM.

Văn bản hướng dẫn ấy theo tôi là câu trả lời cho vấn đề mà Tuổi Trẻ Online đặt ra cho việc giảng dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học như đã nói ở phần đầu.