Giải pháp giúp người dân không sập bẫy cuộc gọi mạo danh công an

Nguyễn Hoài, Theo Tiền Phong 21:03 06/09/2023

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, thời gian tới, các cuộc gọi đến từ cơ quan chức năng như tòa án, công an, viện kiểm sát sẽ được định danh để ngăn chặn tình trạng mạo danh các cơ quan này thực hiện cuộc gọi lừa đảo người dùng.

Thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 9 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, một trong những hình thức lừa đảo phổ biến thời gian qua là mạo danh cơ quan công an, tòa án, cảnh sát giao thông, ngân hàng, để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo.

Để hạn chế tình trạng này, Bộ Thông tin và Truyền thông đang hướng tới giải pháp, tất cả cuộc gọi của các cơ quan chức năng như công an, tòa án, viện kiểm sát đến công dân đều được định danh, ví dụ, cuộc gọi của công an thành phố Hà Nội hay tòa án quận Hai Bà Trưng sẽ hiện tên cơ quan gọi đến.

Khi đó, các cơ quan quản lý nhà nước liên hệ với người dân đều có định danh, bất cứ cuộc gọi nào không có định danh mà xưng tên là cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án… đều là cuộc gọi lừa đảo.

Thứ trưởng cho biết thêm, các nhà mạng đã sẵn sàng khâu kỹ thuật và thực hiện thí điểm. Thời gian tới sẽ làm việc với các cơ quan lý nhà nước để triển khai giải pháp trên.

Giải pháp giúp người dân không sập bẫy cuộc gọi mạo danh công an - Ảnh 1.

Nhiều giải pháp ngăn chặn cuộc gọi lừa đảo đang được Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai.

Một giải pháp nữa để hạn chế cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo là tất cả các doanh nghiệp thực hiện cuộc gọi quảng cáo phải có định danh cụ thể. Cơ quan quản lý sẽ tăng cường xử phạt vi phạm hành chính với các doanh nghiệp không thực hiện quy định này.

Liên quan đến vấn đề Sim chính chủ, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, sau khi có hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết liệt triển khai đối chiếu, rà soát thông tin thuê bao.

Cụ thể, đã đối soát được 19,6 triệu thuê bao, trong đó khoảng 7,15 triệu thuê bao cập nhật lại thông tin chính chủ. Khoảng 12,5 triệu thuê bao đang bị khoá 1 hoặc 2 chiều, hoặc thu hồi số do khách hàng không đến cập nhật lại thông tin, Sim không chính chủ…

Ngoài ra, mỗi tháng, nước ta có khoảng 1,5 triệu Sim ra thị trường. Trong đó, 3 nhà mạng lớn Viettel, VinaPhone, MobiFone chiếm 85% thuê bao phát triển mới. Các nhà mạng này đã kết nối trực tiếp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Vì vậy, khi phát triển thuê bao sẽ đối soát thông tin trực tiếp của khách hàng.

Giải pháp giúp người dân không sập bẫy cuộc gọi mạo danh công an - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long chia sẻ tại Họp báo chiều 6/9.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang chỉ đạo các nhà mạng chưa có cơ sở kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong tháng 9 này phải hoàn thiện vấn đề bảo mật để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trước mắt, hàng tháng, các nhà mạng này phải báo cáo số liệu về Bộ để đối chiếu, rà soát.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Đức Long cũng thừa nhận, tình trạng Sim không chính chủ vẫn còn do tình trạng đăng ký hộ thông tin thuê bao. Khi đối soát với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thông tin người mua Sim vẫn đầy đủ, chính xác nhưng người đó lại không sử dụng Sim.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo Thứ trưởng Long là do 80% Sim phát hành mới được thực hiện tại các đại lý. Trong khi kết quả thanh tra diện rộng cho thấy, hầu hết Sim rác xuất phát từ đây.

Vì vậy, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với các nhà mạng, yêu cầu chấn chỉnh, thậm chí chấm dứt hợp tác với các đại lý phát hành Sim không đúng quy định.

Dự kiến từ 10/9, các nhà mạng phải tự rà soát, đánh giá, xem xét dừng hợp tác với các đại lý thiếu uy tín để tập trung phát hành Sim bởi các kênh của doanh nghiệp và các kênh chuỗi có uy tín.