Gen Z mách nước 3 bí kíp “thoát pressing” khi thực tập quốc tế

Quang Vũ, Theo Phụ nữ số 13:30 23/09/2023

Với những thực tập sinh trong môi trường quốc tế, rào cản về ngôn ngữ, múi giờ, và phong cách làm việc đều có thể gây ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Làm sao để giải quyết nhanh gọn những vấn đề này? Cùng lắng nghe bí kíp xịn xò của các chủ nhân học bổng chương trình Thực tập Trực tuyến New Zealand 2023.

Vừa qua, 60 sinh viên Việt Nam đã xuất sắc được chọn tham gia chương trình Thực tập Trực tuyến New Zealand 2023 do Cơ quan Giáo dục New Zealand (Education New Zealand - ENZ) và Đại học Auckland (New Zealand) triển khai. Kỳ thực tập kéo dài ba tuần với các dự án thực tế tại các doanh nghiệp hàng đầu New Zealand. Với nhiều bạn trẻ, cơ hội lần đầu tiên được tiếp xúc với một môi trường làm việc quốc tế đầy năng động, sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh toàn thời gian và "thực chiến" ở những dự án đầy thách thức đã mang lại nhiều bí kíp, góp thêm hành trang cho hành trình phát triển sự nghiệp và bản thân.

Nói không với "tự bơi", nói có với mentor (người hướng dẫn)

Bài toán đầu tiên của các thực tập sinh tại các doanh nghiệp quốc tế là yêu cầu phải nắm bắt kiến thức về lĩnh vực hoạt động của công ty trong thời gian ngắn, cũng như nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc nhiều chữ "đa": đa nhiệm, đa múi giờ, đa văn hóa.

Trong môi trường lạ lẫm và không ít áp lực, Đỗ Trung Định (sinh viên năm cuối, ngành Ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay, chủ động nhờ mentor hỗ trợ là chìa khóa để tránh "tự bơi một ly, xa đề một dặm". Vào ngày đầu nhận dự án nghiên cứu của đơn vị thực tập là Đại học Auckland, về chủ đề "Quá trình sinh viên quốc tế quyết định điểm đến du học", dù đã có sẵn hướng dẫn sơ bộ nhưng Định và các bạn trong nhóm thực tập vẫn bỡ ngỡ trước vô vàn thuật ngữ của mảng giáo dục lẫn marketing. Để giải quyết vấn đề này, Định đề xuất cả nhóm liệt kê danh sách câu hỏi và nhờ mentor giải đáp một loạt ở buổi họp tiếp theo.

Gen Z mách nước 3 bí kíp “thoát pressing” khi thực tập quốc tế - Ảnh 1.

Với Trung Định, người hướng dẫn là một phần quan trọng trong quá trình thực hiện dự án

Gần như mỗi tuần, nhóm Định đều tổ chức buổi họp với mentor để cùng nhau thảo luận, góp ý và chỉnh sửa dự án. Cũng nhờ đó mà Định đã tích lũy các phương pháp nghiên cứu đắt giá. Trong đó, phân chia bố cục bài báo cáo và cách thiết kế bản câu hỏi khảo sát ngắn gọn mà vẫn đúng trọng tâm là hai kỹ năng Định tâm đắc nhất. Phong cách làm việc thân thiện, cởi mở và nhiệt tình của mentor cũng khiến Định càng ấn tượng hơn với môi trường làm việc quốc tế tại New Zealand - đất nước mà Định dự định thực hiện ước mơ du học.

Nói không với team tự phát, nói có với team leader (trưởng nhóm)

Một điểm tương đồng giữa làm việc nhóm cùng hội bạn Việt Nam và hội bạn quốc tế là ở đâu cũng cần một "đầu tàu". Đặc biệt, tại chương trình Thực tập Trực tuyến New Zealand, sinh viên Việt Nam sẽ lập nhóm làm việc với các đồng nghiệp đa dạng quốc tịch: Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Columbia… để hoàn thành dự án. Vai trò của trưởng nhóm lúc này càng quan trọng để dung hòa những thành viên cá tính, tài năng đến từ nhiều nền văn hóa để đưa cả nhóm hướng đến mục tiêu làm việc hiệu quả nhất.

Gen Z mách nước 3 bí kíp “thoát pressing” khi thực tập quốc tế - Ảnh 2.

Nhóm của Quỳnh Trang lựa chọn trưởng nhóm dựa vào bài test tính cách

Bạn Chử Lê Quỳnh Trang (sinh viên năm ba, ngành Kinh doanh số, ĐH Kinh tế Quốc dân), thực tập sinh tại Công ty dự báo năng lượng TESLA Forecasting Solutions chia sẻ, "Nhóm mình bầu chọn thành viên có tố chất lãnh đạo phù hợp như năng nổ, có khả năng dẫn dắt và thể hiện được hiểu biết về lĩnh vực mà công ty đang thực tập cho vai trò trưởng nhóm. Nhóm còn đặc biệt sử dụng bài trắc nghiệm tính cách nhằm xác định sở trường của mỗi thành viên, qua đó trưởng nhóm có thể phân chia công việc rõ ràng và hợp lý".

Nói không với solo, nói có với teamwork (làm việc nhóm)

Hoàng Dung Nhi (sinh viên năm cuối, ngành Quản trị Kinh doanh, ĐH Ngoại Thương Hà Nội), được phân thực tập sinh Oku - doanh nghiệp chuyên về sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ nguyên liệu tự nhiên của New Zealand - cùng với 5 thành viên đến từ các quốc gia Ấn Độ, Hàn Quốc, Colombia, Indonesia và Malaysia. Theo Nhi, kỹ năng phối hợp trong một nhóm có các thành viên đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau là vô cùng quan trọng.

Lấy ví dụ từ chính nhóm thực tập, Nhi cho hay các thành viên từ Ấn Độ, Hàn Quốc và Indonesia có kỹ năng quản lý dự án tốt, trong khi các thành viên từ Columbia và Malaysia luôn tràn đầy ý tưởng sáng tạo. Cân đối thời gian cũng là một vấn đề "đau đầu" khác khi múi giờ Colombia lệch với múi giờ chung đến 12 tiếng, còn múi giờ Ấn độ lại bắt đầu sớm hơn 6 tiếng.

"Quan trọng nhất là không ai bị bỏ lại phía sau", Nhi chia sẻ. Quan điểm này đã được nhóm của Nhi áp dụng vào phân chia công việc lẫn sắp xếp cuộc họp chung. Dựa trên giờ quốc tế UTC đã thống nhất từ ban đầu, nhóm đã sử dụng phần mềm Meeting Planner để xác định khung thời gian họp nhóm và nộp bài phù hợp nhất. Là một nhóm trưởng, Nhi cũng chủ động chia nhỏ đầu công việc và đề xuất theo phong cách làm việc, ngành học và nguyện vọng của thành viên trong nhóm. "Trường hợp hai bạn muốn làm cùng một đầu việc, mình sẽ hỏi cách các bạn dự định triển khai hạng mục ấy rồi mới quyết định". Nhi cũng bật mí nên sử dụng các thư mục chung như Google Docs hay Google Sheet để mọi người nắm bắt tiến độ dự án dễ dàng hơn.

Gen Z mách nước 3 bí kíp “thoát pressing” khi thực tập quốc tế - Ảnh 3.

"Tinh thần chủ động và tôn trọng sẽ giúp nhóm hoạt động hiệu quả hơn" - Dung Nhi (hàng đầu, ngoài cùng bên trái) cho hay. "Tinh thần chủ động và tôn trọng sẽ giúp nhóm hoạt động hiệu quả hơn" - Dung Nhi (hàng đầu, ngoài cùng bên trái) cho hay.

Kỳ thực tập chỉ kéo dài trong ba tuần nhưng đã mang đến những trải nghiệm vượt xa kỳ vọng cho sinh viên Việt Nam. Ngoài việc nâng cấp kỹ năng làm việc và mở rộng các mối quan hệ, các sinh viên tham gia chương trình Thực tập Trực tuyến New Zealand 2023 còn được tiếp thêm tự tin bước vào thị trường lao động với những kinh nghiệm thực tiễn đúc rút được từ kỳ thực tập quốc tế giá trị này. "Mình hy vọng ENZ sẽ tiếp tục tổ chức những chương trình ý nghĩa như vậy để sinh viên Việt Nam có cơ hội tích lũy kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng phục vụ cho công việc để sẵn sàng bước vào môi trường làm việc quốc tế", Trung Định chia sẻ.