Gần 20 năm, ai có tăng giá thì tăng còn quán bánh đúc nhỏ này vẫn bán rẻ nhất Hà Nội

Thu Hường, Theo Trí Thức Trẻ 00:02 22/02/2017

Nằm trong một con ngõ nhỏ trên phố Minh Khai (Hà Nội), thật bất ngờ khi người ta vẫn tìm thấy hàng bánh đúc nóng có giá 7.000 đồng/bát. Nếu khách ăn ít, họ chỉ cần bỏ ra 3.000 đồng là có ngay một suất ăn đủ làm ấm bụng.

Gánh hàng nhỏ xíu truyền 2 thế hệ, chuyện tăng giá là điều bần cùng lắm mới phải làm

Nằm giữa phố Minh Khai, cách cầu Mai Động không xa (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), ngay đầu một con ngõ nhỏ có hàng bánh đúc bé xíu, tồn tại qua 2 thế hệ, đến nay đã ngót nghét gần 40 năm. Có những vị khách đến đây ăn bánh từ khi còn bé xíu. Bây giờ họ đã 45-50 tuổi, ngày ngày vẫn ra đây gọi món quen thuộc.

Năm tháng qua đi, có bao nhiêu thứ thay đổi vùn vụt. Ngay cả con ngõ nhỏ này hay phố Minh Khai ngoài kia cũng đều khoác lên mình diện mạo mới - vội vã, ồn ào và hiện đại hơn xưa gấp nhiều lần nhưng hình như chỉ có hàng bánh đúc này là vẫn thế, giữ nguyên vẻ giản dị, đặc biệt giá bán rất ít khi thay đổi.

Gần 20 năm, ai có tăng giá thì tăng còn quán bánh đúc nhỏ này vẫn bán rẻ nhất Hà Nội - Ảnh 1.

Bát bánh đúc của quán bà Hạnh đầy đặn như bao nơi khác nhưng giá bán chỉ bằng một nửa.

Gần 20 năm, ai có tăng giá thì tăng còn quán bánh đúc nhỏ này vẫn bán rẻ nhất Hà Nội - Ảnh 2.

Đã vậy suất ăn do bà Hạnh làm lại có rất nhiều nhân thịt băm.

20 năm trước, bà Hạnh (nay đã 54 tuổi) lấy chồng và khoảng 2 năm sau nối nghiệp làm bánh đúc của gia đình bên đó. Hàng bánh đúc hồi mới mở lại cũng thưa khách vì người ta bỏ đi ăn nơi khác nhiều và hoài nghi rằng, công thức cũ chuyển sang người khác không biết có còn được áp dụng đúng.

Mặc kệ lúc vắng khách hay ế ẩm, bà Hạnh mỗi ngày đều nấu đủ 4kg gạo tẻ, 4 kg nhân thịt băm, 4h chiều dọn hàng và 18h đóng cửa. Bát bánh đúc bà làm ra vẫn nóng hổi, thơm ngon như từ đời mẹ chồng truyền lại. Vì thế, chẳng mấy chốc, gánh hàng nhỏ của bà lại tấp nập khách ăn.

Gần 20 năm, ai có tăng giá thì tăng còn quán bánh đúc nhỏ này vẫn bán rẻ nhất Hà Nội - Ảnh 3.

Hàng ăn nhỏ lúc nào cũng kín khách.

Gần 20 năm, ai có tăng giá thì tăng còn quán bánh đúc nhỏ này vẫn bán rẻ nhất Hà Nội - Ảnh 4.

Ngoài bánh đúc, bà còn bán kèm thêm chè đậu đen và một số loại bánh chưng, tẻ, nếp...

So với nhiều hàng ăn khác, bánh đúc nóng ở đây không phải quá xuất sắc. Bột bánh không sánh mượt và trong. Nhưng bù lại, món nhân thịt băm xào hành tây rất thơm, gia giảm vừa miệng. Riêng nước dùng lại có sự hài hòa, hơi cay nhẹ một xíu, tạo cảm giác khá lạ.

Điểm đặc biệt nhất của quán là giá rẻ. Trong khi các hàng quán khác đều bán ít nhất 15.000/bát bánh đúc nóng thì hàng ăn này vẫn giữ được giá bán thấp hơn một nửa, chỉ 7.000 đồng. Đặc biệt, nếu thực khách ăn ít, họ hoàn toàn có thể gọi suất giá chỉ 2.000-3.000 đồng mà vẫn gồm đầy đủ mọi thứ: bánh, nhân thịt, rau thơm và nước dùng.

Gần 20 năm, ai có tăng giá thì tăng còn quán bánh đúc nhỏ này vẫn bán rẻ nhất Hà Nội - Ảnh 5.

Khách của quán hầu hết là sinh viên và người dân sống gần đó.

Gần 20 năm, ai có tăng giá thì tăng còn quán bánh đúc nhỏ này vẫn bán rẻ nhất Hà Nội - Ảnh 6.

Quán nhỏ nên ngoài ăn tại chỗ, rất nhiều người chỉ chờ mua mang về.

Nói về chuyện vì sao có thể duy trì giá bán rẻ như vậy, làm sao có thể bán một suất bánh đúc giá chỉ bằng một cốc trà đá, bà Hạnh chỉ cười xòa: "Mình ăn lãi ít đi một tí là được".

Bà kể hồi mới tiếp quản gánh hàng của mẹ chồng, giá bánh đúc lúc ấy rẻ lắm, chỉ 4-5 nghìn đồng/bát. "Mãi sau này tôi mới tăng lên 7.000 đồng, thế mà nhìn lại đã hơn chục năm giữ giá bán đó rồi đấy".

Không phải bà Hạnh không biết ngoài kia vật giá leo thang thế nào và mức giá bán chung của các hàng bánh đúc vỉa hè ra sao. Có điều, người phụ nữ này luôn gạt qua tất cả mọi thứ để suy nghĩ đơn giản hơn: ai tăng giá mặc họ, việc của mình là làm bánh ngon và giá ổn định.

"Giá bán rẻ thế này nhưng tôi không lỗ bao giờ, tôi cũng không có tham vọng gì, chỉ muốn giữ chân khách quen ở lại. Tăng thêm 1.000-2.000 đồng tưởng đơn giản nhưng ở đây có những vị khách nghèo, 1.000 với họ cũng quý lắm nên chuyện tăng giá với tôi, nếu có chỉ là điều bất đắc dĩ phải làm", bà Hạnh tâm sự.

Gánh hàng nhỏ gồng gánh cả gia đình, nuôi chồng và em bị liệt

Hàng bánh đúc nóng của bà Hạnh thực ra chỉ là một gánh hàng rong nhỏ nằm khuất trong ngõ. Nồi đựng bánh được lồng vào quang gánh. Đồ đạc đều phải hết sức tối giản. Quán chỉ có khoảng chục chiếc ghế nhựa thấp và khách lúc nào cũng vây kín. Thế nên ngồi ăn ở đây , người ta cũng phải chịu nhiều bất tiện.

Buôn bán gần 20 năm nhưng cơ ngơi của bà Hạnh năm này qua tháng khác vẫn không thay đổi. Gánh hàng vẫn nhỏ xíu và tuềnh toàng như thế. Có điều vì cuộc sống mưu sinh vất vả đã khiến đôi quang gánh của bà ngày một trĩu nặng. Không chỉ bán bánh đúc, bà còn bày thêm chè đậu đen, bánh tẻ, bánh nếp, bánh chưng để thực khách ăn lót dạ trước bữa cơm chiều. Giá mọi thứ đều rẻ, ngoài bánh đúc đắt nhất là 7.000 đồng, các món ăn khác đều đồng giá chỉ có 5.000 đồng.

Gần 20 năm, ai có tăng giá thì tăng còn quán bánh đúc nhỏ này vẫn bán rẻ nhất Hà Nội - Ảnh 7.

Nhiều khi trả thừa vài nghìn lẻ, khách thường tips luôn cho chủ quán.

Gần 20 năm, ai có tăng giá thì tăng còn quán bánh đúc nhỏ này vẫn bán rẻ nhất Hà Nội - Ảnh 8.

Quán ăn rất đắt hàng nên chỉ bán khoảng 2 tiếng buổi chiều là nghỉ.

Gần 20 năm, ai có tăng giá thì tăng còn quán bánh đúc nhỏ này vẫn bán rẻ nhất Hà Nội - Ảnh 9.

Vì bán rẻ nên gánh hàng này sinh lãi không nhiều. Vậy mà nó lại chứa đựng sức mạnh to lớn, là nguồn sống giúp bà Hạnh nuôi chồng và người em trai bị liệt. Chồng bà trước đây đi làm công nhân, sau đó về hưu, mấy năm nay vì bị tai biến nên mọi việc đều phụ thuộc vào sự chăm lo của bà. Người em trai ruột cũng không may bị bệnh, liệt không đi lại được, vợ chồng ly hôn, con cái đi theo mẹ nên chỉ còn chỗ dựa duy nhất là bà Hạnh.

"Nhà tôi có 2 cậu con trai nữa, nhưng một đi bộ đội, một bận đi làm nên việc lo cho sinh hoạt của chồng và em trai vẫn hầu như chỉ có tôi làm", bà Hạnh kể.

Gần 20 năm, ai có tăng giá thì tăng còn quán bánh đúc nhỏ này vẫn bán rẻ nhất Hà Nội - Ảnh 10.

Mỗi ngày bà Hạnh đều phải dậy từ 3h30 sáng làm bánh bán để lấy tiền nuôi chồng và em trai.

Ông Hùng, 60 tuổi, một người dân sống trên phố Minh Khai kể rằng, ở quanh con ngõ nhỏ này, mọi người hầu như đều biết hoàn cảnh của gia đình bà Hạnh. Vì thế, đi ăn ở đây, nhiều khi khách hàng thừa lại chút tiền lẻ, họ cũng thường tips luôn cho bà.

"Nói là bán hàng nhưng tiền lãi có khi không bằng tôi tiêu pha một ngày. Thế nên lắm khi đi ăn ở đây, trả tiền dư một tí tôi cũng không bao giờ lấy lại", ông Hùng tâm sự.

Gần 20 năm, ai có tăng giá thì tăng còn quán bánh đúc nhỏ này vẫn bán rẻ nhất Hà Nội - Ảnh 11.

Ông Hùng, một khách quen của quán nói về hoàn cảnh gia đình bà Hạnh.

Bà Hoa, một người dân sống cùng ngõ cùng chia sẻ: "Hàng ăn của chị ấy bán rẻ, tính chủ quán lại thật thà nên người dân cũng thương, thích ăn gì mà chị ấy bán đều ra mua ủng hộ, có khi thừa tiền cũng không lấy lại".

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày