Sơn Tùng M-TP: Những điều xa hơn câu chuyện phong cách

Hồng Lang, Theo Trí Thức Trẻ 01:46 06/04/2015

Sơn Tùng đã nói: "Tùng cũng không biết như thế nào là phong cách Việt Nam và làm như thế nào để có phong cách Việt Nam?". Đó phải chăng là câu hỏi đang chờ lời đáp từ tất cả những ai tham gia vào ngành công nghiệp thời trang và giải trí của chúng ta?

Những câu chuyện về Sơn Tùng M-TP dài miên man chưa bao giờ dứt. Ngày qua ngày, người hâm mộ lẫn anti-fan đều đón nhận hàng loạt bài báo xoay quanh cuộc sống, phong cách của cậu thanh niên 21 tuổi này với nhiều xúc cảm khác nhau: yêu thích, ngưỡng mộ, chê bai, căm ghét... hay thậm chí là thương xót cho Tùng bởi sức nặng của dư luận mà cậu phải chịu đựng từng giờ từng phút.

Điển hình cho một số ít những người thông cảm cho Sơn Tùng là một cô nàng lấy bút danh là Hồng Lang. Tự nhận rằng mình không hâm mộ mà chỉ thấy "tội nghiệp" cho Sơn Tùng bởi những mũi dùi chĩa vào cậu với nguyên do là đạo nhái, bắt chước, "học hỏi" thần tượng nhưng không thừa nhận... Hồng Lang đã thể hiện quan điểm của mình thông qua bài viết dài đến gần 4.000 từ, độ dài khiến nhiều người thấy nản ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nhưng đừng vội từ bỏ, bởi cho đến dòng chữ cuối cùng, có lẽ bạn sẽ hiểu được phần nào nguyên do vì sao Hồng Lang lên tiếng bảo vệ cho "Khuôn mặt đáng thương" này.

Sơn Tùng M-TP: Những điều xa hơn câu chuyện phong cách

Thời trang và Phong cách

Dường như sau mỗi một tiết mục biểu diễn, mỗi lần phát hành MV hay đôi khi đơn thuần là đăng tải một bức ảnh… Sơn Tùng M-TP lại tạo nên cơn bão tìm kiếm và so sánh xem anh chàng đã đạo nhái phong cách thời trang và ý tưởng ra sao. Cơn bão đầu tiên có lẽ là sự kiện chính các Kpop fan người Việt đăng tải 6 hình ảnh so sánh trang phục, kiểu tóc của Sơn Tùng và các thành viên nhóm Big Bang ( Top và G-Dragon) lên diễn đàn­­ quốc tế của Kpop fan mang tên All Kpop nhằm thoá mạ và kêu gọi thưa kiện anh chàng vào 6/2013.  

Dĩ nhiên là những Anti-fan đã cố tình chọn góc cắt ảnh để những bộ trang phục trông giống nhau nhất có thể. Đặt tiểu xảo đó sang một bên, thật ra dưới góc độ thời trang những bộ  quần áo này quá căn bản, không hề mang tính Fashion Statement ( Thời trang có tính tuyên ngôn) mà chỉ có tính nắm bắt trào lưu, nên chẳng có gì phải bàn đến chuyện phong cách. Nhưng thôi, cứ bàn một chút vậy.


Mái tóc xanh nước biển không phải là một hình ảnh mới lạ, Châu Du Dân đã có màu tóc xanh từ 2008, trước TOP (Big Bang), nhưng anh chắc chắn cũng chẳng phải là nghệ sĩ đầu tiên có màu tóc này. Tôi đoán có lẽ vấn đề nằm ở chỗ bạn có đủ đẹp trai để can đảm thử nghiệm màu tóc này hay không mà thôi (Hình trái). Bê nguyên si bộ trang phục của Thom Browne, điểm nhấn của G-Dragon nằm ở chiếc mũ lưỡi trai khiến phong cách hoài cổ của Thom Browne trở nên nghịch ngượm và trẻ trung. Trong khi đó bộ suit của SơnTùng lại phối hợp nhiều hoa văn dạng hình học (ở bộ này là kẻ ca-ro phối hợp với hoa văn quả trám), một xu hướng thịnh hành trong năm 2013. Điểm giống nhau của 2 bộ trang phục chắc là ở màu xám chăng? (Hình phải)


Sơn Tùng nên lấy làm vinh dự khi chiếc áo denim cậu chàng vẫn thường mặc đi học trong suốt 2 năm và kiểu đội mũ ngược đã thực hành từ năm lên 4 tuổi được so sánh với trang phục trong MV Who You của G-Dragon (Hình phải). Cũng trong năm 2013, trào lưu “It’s all denim” (kết hợp vải jean trên cả áo và quần/váy) đã quay trở lại. Cách phối hợp quần yếm denim với áo da sát nách của Sơn Tùng trông có phần ngộ nghĩnh nhưng có vẻ đây không phải là một chọn lựa tốt, nhất là khi đi cùng với một chiếc mũ nồi (?! )


The NewYork Times đã đăng bài “Culture-Hopping in Fedora” (01/05/2011) nói về sự khởi đầu của cơn sốt Fedora khi hãng Cole Haan sử dụng nó trong quảng cáo như một món phụ kiện thời trang. Tiếp theo đó là những nghệ sĩ như Theophilus London, Monila Jonevski tiên phong sử dụng, chiếc mũ của người Do Thái bỗng nhiên trở thành phụ kiện thời trang gây sốt giới trẻ toàn thế giới suốt 2012-2014. Tương tự, sơ mi thân dài cũng là một trong những món hàng cần phải có trong tủ áo của các tín đồ thời trang. Tôi thật sự không rõ lí do nào khiến Sơn Tùng thành kẻ bắt chước chứ không phải học hỏi khi sử dụng những món đồ này trong khi thậm chí Tùng có cách kết hợp không hề giống G-Dragon.



Không có gì khó hiểu khi Sơn Tùng M-TP đi theo phong cách thời trang có chút unisex và học hỏi từ những ngôi sao Hàn Quốc.Với vóc dáng nhỏ của mình, thật khó tưởng tượng nếu Sơn Tùng ăn mặc và biểu diễn vũ đạo như Usher (và nếu có cũng chả ai thấy Sơn Tùng giống Usher đâu). Prince có lẽ là một trong những ngôi sao đầu tiên theo phong cách Unisex, và vì thế không khó khăn gì để tìm được rất nhiều pha “đụng hàng” giữa Prince và Sơn Tùng M-TP.

Ý tưởng sáng tạo

Những bài viết đả kích ý tưởng dàn tượng của ekip Sơn Tùng M-TP bắt đầu xuất hiện từ khi anh chàng tham gia cuộc thi The Remix. Với câu chuyện thời trang và phong cách thì người chịu trách nhiệm chỉ là Sơn Tùng hay stylist, còn về ý tưởng dàn dựng, chúng ta đang nói về mô hôi, công sức của cả một ekip từ đạo diễn sân khấu, biên đạo múa, đạo diễn MV v.v... và tất cả đều trở thành những kẻ đạo nhái bởi vì họ làm việc với Sơn Tùng M-TP – "Khuôn mặt đáng thương" của showbiz Việt.


Ông vua nhạc Pop Michael Jackson có lẽ là ngôi sao đầu tiên đưa mình lên ngai vàng. Sau ông có lẽ 50% các ngôi sao nhạc Pop từng sắm cho mình một chiếc ngai, hình ảnh này còn kinh điển hơn cả hình ảnh vương miện hay đôi cánh mà những ngôi sao nhạc Pop đều yêu thích. Nhưng SơnTùng M-TP thì không được cấp phép sử dụng(?!). Mọi thứ ngày càng hài hước và phiến diện hơn khi báo mạng và các anti-fan dường như đang say cơn khát tìm kiếm ra một thứ gì đó để bắt bẻ ở Sơn Tùng. Và chúng ta có vụ án “đạo giọt nước mắt” của Kim Jaejoong.


Đỉnh điểm của sự quy chụp có lẽ là buổi biểu diễn cuối cùng của Sơn Tùng tại sân khấu The Remix 2015. Tôi thật sự không quan tâm lắm viên kẹo mút của Tùng là ngẫu hứng do viêm họng hay là một phần của ý tưởng dàn dựng. Tôi chỉ thấy ở đó sự duyên dáng, giải phóng năng lượng và chiếm lĩnh sân khấu mà không phải nghệ sĩ trẻ nào cũng có thể làm. So sánh hình ảnh ngậm kẹo vốn là điều khá bình thường trong bối cảnh MV ca nhạc với một màn diễn live tung tăng vừa ngậm kẹo vừa hát, dường như có gì đó khập khiễng.


Nếu như MV Lollipop (Lil’ Wayne) là của G-Dragon và MV Good Boy là của Sơn Tùng M-TP, Sơn Tùng sẽ phải chịu đựng sự công kích ra sao, có lẽ không khó để tưởng tượng, đúng không? Vụ nghi án trang phục na ná giữa bộ suit Cơn Mưa Ngang Qua của Sơn Tùng và một bộ trang phục rất “liên quan” của G-Dragon (trong tiết mục High High - Inkigoya 2010) phải chăng là minh chứng cho sự thiếu hụt kiến thức thời trang? Từ hoa văn, kiểu dáng đến ý tưởng chẳng có gì tương đồng thì ta vẫn có một nghi án đạo nhái. Những quy chụp ngớ ngẩn phủ nhận nỗ lực sáng tạo của stylist Châu Đặng - người đã tự tay thiết kế, in vải và may bộ trang phục rất riêng này.


Gần đây nhất, MV “Không phải dạng vừa đâu” vừa phát hành đã rơi vào nghi vấn đạo ý tưởng MV Crooked của G Dragon. Một cảnh quay từ phía quay lưng, một chiếc áo lông, xịt tóc, quậy phá được báo giới và fan của G-Dragon cho là một vụ đạo nhái. Lại nhớ khi ý tưởng của MV này được tái hiện trên sân khấu The Remix, Sơn Tùng M-TP vướng nghi án về bộ tóc giả nhái tóc giả của G-Dragon. Nhưng MV được ghi hình trước đó, Tùng lại có một bộ tóc giả khác (tìm được cái nào thì đội cái đó thôi!) . Một bộ tóc giả, một góc quay mặc áo lông từ sau lưng liệu có định hình được ý tưởng cũng như thủ pháp nghệ thuật của sản phẩm? MV “Không phải dạng vừa đâu” là một câu chuyện mà bản thân nó đã nguyên gốc tới mức chẳng thể nào nguyên gốc hơn: câu chuyện cuộc đời của chính Sơn Tùng M-TP.


Sự tương đồng ở 2 MV My Homies Still – Lil’Wayne (lại bạn này) và One of a Kind – G-Dragon, không chỉ đơn thuần nằm ở nhữngchi tiết nhỏ hay tạo hình như trường hợp của Sơn Tùng, mà là cả một chuỗi hình ảnh đầy tính biểu trưng độc đáo. Nếu Sơn Tùng M-TP đang đạo nhái vậy trường hợp này nên gọi là gì? May mắn cho thủ lĩnh nhóm Big Bang là fan nhạc US-UK cũng như báo giới phương Tây và Hàn Quốc có vẻ không có nhiều thời giờ. Cũng có vài bài viết nhắc đến sự tương đồng này nhưng bằng một thái độ ít hằn học và phỉ báng hơn rất nhiều.


Học tập hay Đạo nhái?

Tôi nghĩ có một chút gì đó hơi thiếu chính xác khi bất kì thứ gì sành điệu và thời trang hiện này đều được chúng ta gắn mác “phong cách Hàn Quốc”. Ngoài Juun.J, tôi chưa biết nhà thiết kế thời trang thông dụng nào khác được các ngôi sao nam của Hàn đặc biệt ưa chuộng. Những gì họ khoác lên người là đa phần sản phẩm của Thom Browne, Givenchy, Saint Laurent, Dolce&Gabbana, Chanel v.v…  Và dĩ nhiên là sao Hàn luôn nắm bắt trào lưu trước Sơn Tùng, không hẳn do gu thẩm mỹ tốt hơn mà họ luôn có trong tay trang phục của những nhà mốt danh tiếng sớm nhất. Ngoài những trang phục thiết kế riêng dành cho dịp đặc biệt, anh chàng nghệ sĩ trẻ đến từ tỉnh lẻ vẫn thuỷ chung với những shop thời trang trên đường Nguyễn Đình Chiểu, nơi bán những sản phẩm ăn theo phong cách những nhà mốt danh tiếng. Tùng không có chọn lựa nào khác vì giá thành 2 bộ trang phục của G-Dragon có lẽ đã ngang với giá sản xuất cái MV thu về 50 triệu lượt xem của cậu.


Trong talkshow Ghế Đỏ, khi MC Thùy Minh hỏi về chuyện đi theo phong cách thời trang Hàn Quốc, rất thành thật và sâu sắc, Sơn Tùng đã nói : “Tùng cũng không biết như thế nào là phong cách Việt Nam và làm như thế nào để có phong cách Việt Nam?”.  Đó phải chăng là câu hỏi đang chờ lời đáp từ tất cả những những ai tham gia vào ngành công nghiệp thời trang và giải trí của chúng ta? 

Nghệ thuật thật ra là quá trình “bắt chước” và sáng tạo nên cái mới dựa trên những gì đã có. Học hỏi hay đạo nhái đôi khi là ranh giới khá mong manh và mỗi người có quan niệm khác nhau. Với tôi điều để phân biệt không phải là dùng kính lúp để soi một động tác, một đạo cụ mà là sự tổng hoà, ý tưởng xuyên suốt của một màn biểu diễn hay một ca khúc. Có hàng trăm người từng vẽ giọt nước mắt trên đuôi mắt, nhưng đó không phải là bắt chước nếu như giọt nước mắt ấy gắn liền với hình ảnh trong bài hát. Chẳng lẽ chỉ vì đã có người từng làm, bạn phải từ bỏ điều phù hợp với chính mình? Có hàng trăm người từng đem ngai vàng lên sân khấu, sao bạn phải từ bỏ ý tưởng đó trong khi bài hát nói về cái Tôi? 


Bất kì nghệ sĩ trẻ nào cũng cần thời gian để định hình phong cách. Quá trình này không chỉ để người nghệ sĩ loại bỏ bớt sự ảnh hưởng bên ngoài và xây dựng bản sắc riêng biệt mà còn là quá trình để công chúng làm quen và nhận diện anh ta. Không có gì đáng ngạc nhiên khi chỉ với 1 tiết mục “Không phải dạng vừa đâu”, những Kpop fan thấy Sơn Tùng giống G-Dragon, fan của Bruno Marz thấy giống tiết mục Uptown Funk, những khán giả lớn tuổi nghĩ đến Michael Jackson và Psy v.v… Nếu như SơnTùng thật sự bắt chước 5 - 6 nghệ sĩ trong một tiết mục thì đó đã là sự sáng tạo nghệ thuật rồi!  

Đơn giản là chúng ta luôn liên tưởng một thứ mới với những vì chúng ta đã quen thuộc trong thế giới quan của bản thân và những ai có dịp tiếp cận nhiều dòng nghệ thuật hơn sẽ có cái nhìn đa chiều hơn. Với tôi, tôi nhớ Prince khi nhìn Sơn Tùng và nhớ đến Bjork khi nhìn G-Dragon. Và các anti-fan hãy cứ yên tâm, đến một lúc nào đó, hoặc là công chúng sẽ nhìn thấy một Sơn Tùng toàn vẹn hoặc là Tùng sẽ bị đào thải mà không cần đến sự lăng mạ của các bạn.


Sơn Tùng M-TP có chịu  ảnh hưởng từ những nghệ sĩ khác hay không? Như bất kì nghệ sĩ nào khác, dĩ nhiên là có. Tùng có rất nhiều bản cover những ca khúc của DBSK. Lần đầu tiên quay clip phỏng vấn cho một tờ báo, Tùng đã đàn bản Sứ Thanh Hoa của Châu Kiệt Luân. Lần đầu tiên được tham gia talkshow, anh chàng đã hí hửng hát Heart Breaker của G-Dragon và trả lời phỏng vấn trên báo rằng nếu được thử làm ai đó trong một ngày, thì đó là Justin Bieber. Đó là câu chuyện của cậu thanh niên 19 tuổi, chập chững vào nghề với Cơn Mưa Ngang Qua, Nắng Ấm Xa Dần… Khi cậu còn hồn nhiên và hồ hởi nói về tất cả những gì cậu yêu thích.  

Thế rồi sự nổi tiếng đến quá nhanh, một nghệ sĩ trẻ bị chất vấn liên tục về phong cách rất Kpop và chuyện bắt chước thần tượng. Dù bị dồn ép thế nào, Sơn Tùng vẫn luôn kiên trì câu trả lời rằng mình yêu thích và ngưỡng mộ nhiều nghệ sĩ nhưng không có thần tượng, bản thân chỉ học hỏi chứ không bắt chước. Thế là Tùng bị ghét bỏ. Có lẽ Sơn Tùng M-TP khi ấy chưa có sự chuẩn bị hay sự giúp đỡ nào để có kĩ năng trả lời khôn khéo nhưng tôi nghĩ lí do quan trọng hơn là Tùng có niềm tin về chính bản thân mình, niềm tin rằng Sơn Tùng M-TP có học hỏi thế nào đi nữa vẫn là một bản thể riêng biệt. Với những người thật sự theo dõi hoạt động nghệ thuật của Tùng, thật sự không khó để thấy sự trưởng thành và làm mới mình diễn ra liên tục ở chàng trai này.


Ở Sơn Tùng có nhiều thứ hơn là “bản sao lỗi” của một nghệ sĩ nào đó như cái cách Tùng bị thóa mạ. Hình ảnh của Tùng có một chút nổi loạn của G-Dragon, một chút đáng yêu kiểu thần tượng tuổi teen của Justin Bieber, lại có một chút khép kín và thi ca của Châu Kiệt Luân, một chút khó đoán và cái kiêu rất trẻ con của Prince, một chút buồn cười, nửa chững chạc nửa ngơ ngác mà tôi… chưa liên tưởng được với ai! Thật ra hình ảnh bên ngoài ấy cũng chẳng phải là yếu tố quyết định tình yêu của người nghe nhạc dành cho Sơn Tùng. Âm nhạc và khả năng chiếm lĩnh sân khấu của Tùng mới là yếu tố quyết định! Đó là Không phải dạng vừa đâu - một cái Tôi vừa ngông cuồng nhưng lại vừa rất thi ca và trong trẻo, rất khác với cách thể hiện cái Tôi ở những ngôi sao Kpop hay US-UK. Đó là những câu chuyện rất riêng về mùa xuân chỉ đến khi con nghe thấy tiếng xe của cha, hình như đây là lần đầu tiên có người lên sóng truyền hình hát về chuyện “chạy buôn Sơn La –Thái Bình”. Và Khuôn mặt đáng thương là bài hát thị trường đầu tiên có lời hát mang cấu trúc đăng đối, gieo vần chỉnh chu ở từng câu giống một bài dân ca.   

Có thể có một triệu người nhảy điệu Moon walk khi biểu diễn nhưng chúng ta chẳng bao giờ có một triệu Michael Jackson (MJ). Bởi MJ không phải chỉ là một điệu nhảy, là những ca khúc đi vào tim hàng triệu triệu người, là một giọng ca, là một kĩ năng sân khấu tuyệt vời. Sự lôi cuốn trên sân khấu không phải do vài cử chỉ giống nhau mà có thể tạo được, đó là nguồn năng lượng tự thân và sự rèn luyện ở mỗi một người nghệ sĩ, nhất là ở một người hát những ca khúc của chính mình như Sơn Tùng M-TP. Nếu Tùng chỉ là một bản sao, nếu Tùng chưa từng đặt cá tính của bản thân, sự thăng hoa của bản thân vào những màn biểu diễn đó, những giai điệu Tùng hát đã không được nhiều người yêu thích đến vậy.

Nghệ sĩ và Truyền thông

Thú thật tôi không quan tâm nhiều đến cuộc chiến của các fandom vì một nghệ sĩ hoàn hảo đến đâu thì vẫn có anti-fan. Điều tôi quan tâm là mối quan hệ của truyền thông và nghệ sĩ trong nền công nghiệp giải trí non trẻ của chúng ta.  

Dường như chẳng có ngày nào báo chí không đăng tải nhưng tin tức tiêu cực về Sơn Tùng M-TP. Sự tiêu cực không chỉ đơn thuần ở mức phê bình khách quan mà mang nhiều hằn học thậm chí là lăng mạ với những cụm từ như “Không có lòng tự trọng” , “Kẻ bắt chước gặp thời”, “Kẻ cắp chuyên nghiệp”; bất cứ thứ gì vớ được từ cộng đồng anti-fan đều được ngay lập tức đăng tải mà thường không cần qua bất cứ thao tác thẩm định thông tin nào cả.  

Anh chàng họ Dân Cư tên Mạng có thể thoá mạ bất kì ai, với bất cứ lí do gì ,quy chụp mọi thứ theo lăng kính của anh ta (lăng kính mà đôi khi chỉ tồn tại hình ảnh về một vài Kpop idol). Thế nên cách tốt là trích đăng “có chọn lọc” những bình phẩm của cư dân mạng về một nghệ sĩ – một con người cụ thể - biết tổn thương. Nếu như một video trên youtube của Sơn Tùng M-TP có hơn 95% tỉ lệ nhấn Like  và dưới 5% nhấn Dislike, bình luận tích cực chiếm tỉ lệ lớn hơn tiêu cực rất nhiều thì chúng ta vẫn thấy những điều tiêu cực được trích đăng nhiều hơn trên mặt báo. Giới truyền thông có một câu khẩu quyết “The sicker the better”, nôm na nghĩa là tin càng tiêu cực thì càng ăn khách. Câu khẩu quyết này có lẽ sẽ chẳng bao giờ sai, nhất là khi có quá nhiều người cầm bút không cảm thấy họ cần có trách nhiệm với độc giả hay nhân vật của mình mà chỉ cần có trách nhiệm với lượt view và những mối quan hệ “thân tình”. Dĩ nhiên tôi không nói về toàn bộ báo giới, bởi dù thế nào đi nữa vẫn luôn có những nhà báo công tâm cả khi khen ngợi hay phê bình.


Sự xâm lăng văn hóa trong phong cách thời trang và xu hướng âm nhạc vốn không phải là điều nên ca ngợi hay khuyến khích nhưng đó lại điều tất yếu bởi bạn chẳng thể nào ngăn cản được trào lưu thế giới hay châu lục. Hơn thế, trước khi có thể trở thành kẻ dẫn dắt cuộc chơi, bạn phải học hỏi và cố gắng bắt kịp. Tôi nghĩ có một sự xâm lăng văn hóa nguy hại hơn rất nhiều, đó chính là sự xâm lấn văn hoá trong tư tưởng và tâm lí nhược tiểu. Nhược tiểu đến mức diễn đàn AllKpop của fan trở thành cơ quan báo chí của Hàn Quốc và fanpage của những nghệ sĩ nước ngoài do fan Việt mở ra lại có tiếng nói như phát biểu chính thức! Đến mức báo giới Đài Loan viết về Sơn Tùng một cách tích cực thì được miêu tả lại trên rất nhiều trang mạng Việt Nam một cách tiêu cực! Đến mức bất cứ thứ gì na ná cũng được xem là đạo nhái và chúng ta không tin rằng một nghệ sĩ Việt Nam và chuyên gia trang điểm của anh ta có thể tự nghĩ ra hình vẽ một giọt nước mắt!  
Thế nhưng nếu có một sản phẩm nước ngoài nào đó ra đời sau và “đụng hàng” với nghệ sĩ Việt, thay vì bảo vệ quyền lợi cho nghệ sĩ của mình thì chúng ta tin rằng đó là sự tình cờ, đúng không?  

Cái ngày Kpop còn non trẻ; họ có một Bi Rain chẳng khác gì Justin Timberlake hay Usher là bao, cả về phong cách, vũ đạo lẫn âm nhạc; họ có một BoA hát tiếng Nhật và xây dựng hình ảnh theo thị hiếu Nhật Bản. Những con người này, ngày hôm nay đã trở thành biểu tượng thế hệ tiên phong của Kpop.  Và tôi luôn tự hỏi nếu báo giới Hàn Quốc ngày ấy cũng đối xử với họ bằng sự thóa mạ và quy chụp, liệu có Kpop của ngày hôm nay? Truyền thông hơn ai hết cần hiểu mình đang nắm quyền lực và trách nhiệm không nhỏ trong việc thúc đẩy sự phát triển của văn hoá đại chúng. Và nếu không thể bao dung thì chí ít, hãy công bằng hơn.  

P.S: Dành riêng cho SơnTùng M-TP. Hãy cứ nỗ lực học hỏi và trao dồi để Tùng của ngày hôm này không bao giờ là Tùng của ngày hôm qua, hãy chứng minh tài năng và phẩm chất của Tùng bằng những sản phẩm tốt hơn nữa. Có một thứ không nghệ sĩ nào có thể “đạo nhái” và không một ai có thể quy chụp thành một “nghi án”, đó chính là những giọt mồ hôi!

Nguồn: SơnTùng M-TP Supporters fan page