Những ý kiến trái chiều về No Poo - Phương pháp của cô nàng 6 năm không dùng dầu gội

Falabella, Theo Trí Thức Trẻ 00:04 11/03/2015

Có không ít ý kiến trái chiều về No Poo, cụ thể là phương pháp No Poo sử dụng baking soda và dấm táo. Đơn cử, một blogger người Na Uy đã nhận ra tóc mình bị hư tổn nặng nề sau 3 năm trung thành với phương pháp này.

Vừa qua, tâm sự của một nữ nhà báo trẻ người Mỹ có tên Sarah Theeboom về việc không sử dụng dầu gội trong suốt 6 năm đã thu hút sự chú ý rất lớn từ cộng đồng mạng. Trên thực tế, phương pháp có tên No Poo này đã xuất hiện từ khá lâu và được đông đảo các tín đồ làm đẹp, đa phần là phái nữ tham gia thử nghiệm. No Poo dựa trên nguyên lý làm sạch tóc bằng những nguyên liệu lành tính như nước hoặc baking soda (muối nở Natri Bicarbonat) và dấm táo - những nguyên liệu được cho là sẽ không gây kích ứng mạnh đối với da đầu và tóc như các loại dầu gội thông thường. Chính vì không để tóc phải tiếp xúc với những hóa chất tẩy rửa mạnh như trong dầu gội thông thường mà No Poo được tin là giúp làm sạch tóc và da đầu một cách nhẹ nhàng đồng thời không làm ảnh hưởng tiêu cực đến tuyến dầu tự nhiên trên tóc, từ đó mà tóc sẽ không còn bị nhờn, bết mà óng mượt, bồng bềnh và khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên, bên cạnh phe ủng hộ No Poo, cũng có rất nhiều phản ứng trái chiều đối với phương pháp này, cụ thể là với hình thức No Poo bằng baking soda và dấm táo.


Nữ nhà báo người Mỹ Sarah Theeboom, một trong số những fan của No Poo, người đã trung thành với phương pháp gội đầu này trong suốt 6 năm qua.

No Poo có thể làm hỏng tóc?

Như đã nói ở trên, phương pháp No Poo bao gồm hai hình thức khác nhau, thứ nhất là No Poo với nước và thứ hai là No Poo với baking soda cùng dấm táo. Trong khi Sarah Theeboom may mắn có những trải nghiệm tuyệt vời với No Poo bằng nước trong vòng 6 năm thì không ít người chia sẻ rằng, họ đã "nếm phải trái đắng" khi áp dụng No Poo. Sau khi nghe những lời truyền miệng bùi tai về sức mạnh kỳ diệu của phương pháp No Poo sử dụng baking soda cùng dấm táo, họ đã ngay lập tức áp dụng và nhanh chóng "ghiền" nó khi thấy những chuyển biến tích cực trên tóc mình. Tuy nhiên, phải sau một quãng thời gian khá dài trung thành với phương pháp này, họ mới nhận ra một điều kinh khủng: baking soda, nguyên liệu tưởng chừng vô hại đã tàn phá mái tóc của họ.

Trong số khá nhiều bài viết "lật tẩy" mặt trái của việc áp dụng No Poo với baking soda, bài viết từ một blog có tên Kanelstrand có vẻ như giành được nhiều sự chú ý hơn cả. Chủ nhân blog này là Sonya Kanelstrand, một nữ nhiếp ảnh gia mang quốc tịch Na Uy, người cho biết mình đã sử dụng baking soda để gội đầu trong suốt 3 năm liên tiếp. Trong bài viết của mình, Sonya tâm sự rằng suốt 3 năm đó, cô luôn nghĩ rằng mình có một mái tóc khỏe đẹp và hết sức tín nhiệm phương pháp No Poo. Cho đến tháng 1/2014, Sonya mới tá hỏa nhận ra những sợi tóc của mình yếu ớt, dễ gãy hơn trước rõ rệt, tóc rụng nhiều hơn đồng thời còn xuất hiện hiện tượng chẻ ngọn. Nữ nhiếp ảnh gia sau đó mới tìm hiểu kỹ hơn về đặc tính hóa học của baking soda, làm một thí nghiệm nhỏ và đi đến kết luận đây chính là thủ phạm trực tiếp "đầu độc" mái tóc của mình.


Chân dung nữ nhiếp ảnh gia Sonya Kanelstrand và mái tóc xơ xác của cô sau 3 năm áp dụng phương pháp No Poo với baking soda và dấm táo.

Vậy No Poo có lợi hay có hại?

Xét trên phương diện khoa học, tóc và da chúng ta có độ pH tự nhiên trong khoảng 4,5 - 5,0 tức là thiên về tính acid. Chính tính acid này giúp bảo vệ tóc và da đầu khỏi các loại vi khuẩn có hại đồng thời giúp lớp biểu bì của tóc đóng chặt, nhờ đó mà tóc trở nên mượt mà, khỏe mạnh. Chính vì vậy, để đảm bảo tóc khỏe, chúng ta cần duy trì độ cân bằng pH bằng việc sử dụng những sản phẩm có độ pH gần với độ pH tự nhiên của tóc. 

Trong khi đó, baking soda lại được biết đến là một chất có tính kiềm mạnh với độ pH 9,5. Khi để tóc tiếp xúc với môi trường kiềm (ở đây là nước có pha baking soda), lớp biểu bì tóc sẽ mở ra và đó là nguyên nhân khiến sợi tóc trở nên khô, yếu và dễ gãy. Cũng chính vì lớp biểu bì tóc không thể tự đóng lại trong môi trường kiềm nên phương pháp No Poo mới đòi hỏi người thử phải xả lại tóc với dung dịch nước pha dấm táo (độ pH 3,0 - 4,0) - tức là cung cấp cho tóc một môi trường acid để lớp biểu bì có thể đóng lại giúp "bảo toàn" cho sợi tóc. Tuy nhiên, việc thúc ép biểu bì tóc đóng - mở một cách thiếu tự nhiên này không hề giúp tóc khỏe mạnh hơn. Chính việc đẩy tóc lên độ pH 9,5 (với baking soda) rồi buộc nó giảm xuống pH 4,5 - 5,0 (với dấm táo) chính là nguyên nhân khiến tóc ngày càng yếu và dễ bị hư tổn. 

Điều đó có nghĩa là thời gian đầu khi áp dụng No Poo với baking và dấm táo, bạn có thể thấy tóc mình mềm mượt hơn nhưng sự mềm mượt đó rất có thể đến từ việc sợi tóc bị bào mỏng đi do cấu trúc tóc bị phá hủy bởi môi trường kiềm (dung dịch baking soda và nước). Giờ thì hẳn bạn sẽ cho rằng nếu vậy, chỉ cần pha dung dịch baking soda và nước thật loãng với hàm lượng baking soda thật thấp là sẽ giải quyết được vấn đề. Rất tiếc là mọi việc không đơn giản như vậy bởi baking soda là một chất hóa học rất "cứng đầu". Thí nghiệm của Sonya Kanelstrand sẽ phần nào giúp bạn hình dung được tính kiềm "dữ dội" của baking soda.


Thí nghiệm về tính kiềm của baking soda do Sonya Kanelstrand thực hiện.

Trong thí nghiệm của mình, Sonya pha 1 thìa canh ~ 14g baking soda với 1 cốc ~ 236ml nước và đo được độ pH của dung dịch này là 9,5 (có tính kiềm mạnh). Sau đó, cô giữ nguyên lượng baking soda và lần lượt nâng lượng nước lên gấp 2, gấp 5 lần, kết quả pH đo được vẫn giữ nguyên là 9,5. Khi lượng nước được nâng lên gấp 10 và 20 lần, độ pH mới giảm chút ít nhưng vẫn ở mức kiềm mạnh 9,0. Cho đến khi pha 5ml của dung dịch cuối cùng (bao gồm 14g baking soda với 20 cốc ~ 4,7 lít nước) với 1 cốc ~ 236ml nước, độ pH mới giảm xuống 7,0 - điều này cho thấy dung dịch baking soda rất loãng này vẫn có tính kiềm và không thực sự phù hợp với tóc và da đầu.

Kết

Vậy là, chúng ta hiện có hai trường hợp đại diện cho tính đa chiều của No Poo: một bên là Sarah Theeboom với 6 năm áp dụng No Poo bằng nước và tóc vẫn khỏe mạnh, một bên là Sonya Kanelstrand với 3 năm No Poo bằng baking soda cùng dấm táo và kết quả là tóc bị hư tổn. Lý do đơn giản nhất dẫn đến sự khác biệt này có thể là do nước có độ pH trung tính và ít gây hại cho tóc hơn hẳn baking soda và dấm táo. Tuy nhiên, điều đó chưa đủ để kết luận rằng No Poo với nước hoàn toàn vô hại cũng như No Poo với baking soda và dấm táo là hoàn toàn có hại. Bởi chất tóc của mỗi người và thời gian áp dụng cũng quyết định rất nhiều đến kết quả. Xét một cách toàn diện, No Poo là một phương pháp làm đẹp hay và cũng có những lý lẽ thuyết phục riêng, nhưng sẽ khó có thể có một mẫu số chung cho tất cả mọi người khi thử nghiệm phương pháp này.