Đừng dại bán lại túi Hermès, bạn sẽ nghèo đi còn người khác sẽ hốt bạc từ bạn

CafeBiz, Theo Trí Thức Trẻ 15:13 23/12/2015

Bạn không thể bán một bức tranh giá 30 triệu đô mà không mời chào vị khách đó suốt vài năm. Nhưng Hermès thì có thể!

Bạn có biết những chiếc túi được thu mua lại từ khách hàng lại là nguồn lợi nhuận khổng lồ của các hãng, mặc dù chúng đã qua tay vài đời chủ?

Mới đây, cả hai sàn đấu giá danh tiếng là Christie và Sotheby đều tổng kết những vật phẩm cao cấp được đấu giá trong năm nay. Trong tổng số 950 thì Hermès áp đảo khi chiếm 600 mặt hàng đủ loại, trong đó 400 chiếc túi được thổi bay trên sàn đấu giá online.

Nhà Christie cho biết, hơn 90% túi đấu giá đến từ những chiếc secondhand của Hermès, và giá trị tăng thêm của chúng gấp gần 3 lần so với giá mua vài năm về trước.

Một quý cô hàng hiệu cho biết: Nếu tôi mua một chiếc túi 100.000 USD (~ 2,2 tỉ VNĐ) và để nó “phủ bụi” trong chục năm thì rất thể tôi sẽ có tiền mua được thêm 3 chiếc nữa.

Đồng ý với chính sách thu mua lại giá cao của Hermès, nhưng chắc chắn khách hàng sẽ chỉ nhận được một số tiền gần tương đương hoặc thấp hơn 30% so với giá mua ban đầu.

Vậy mánh thu lợi khổng lồ từ những chiếc túi cũ này được Hermès phù phép như thế nào?

 Chiếc Kelly vàng hồng đính kim cương có giá 1.9 triệu USD (~ 42 tỉ VNĐ).

Vượt xa những tiêu chuẩn của một túi xách đẳng cấp, Hermès luôn biết chiều lòng các quý cô chơi ngông khi chẳng muốn đụng hàng với ai.

Những chiếc túi vàng hồng đính kim cương đá quý luôn được Hermès “nhá hàng” khiến các quý bà khao khát đứng ngồi không yên. Giá ban đầu cao không phải là mục đích cuối cùng của Hermès : Những chiếc túi sẽ leo lên bậc cao nhất của đẳng cấp và danh tiếng.

Thứ ảo ảnh mê muội khiến những người sẵn sàng chi trả triệu đô để được chạm vào nó. Nhưng hầu hết một thời gian sau, việc đổi chủ sẽ diễn ra và người cuối cùng sẽ là chính Hermès thu mua lại đứa con châu báu của mình.

Những chiếc túi Hermès không bao giờ lỗi thời và kim cương ngày càng đắt đỏ hơn chứ không đứng yên hoặc giảm nhiệt.

Thêm vào đó, Hermès luôn lan truyền thông điệp mỗi chiếc túi là một tác phẩm nghệ thuật vô giá dưới bàn tay của những nghệ nhân khâu túi. Nếu vậy, giá trị của chúng không còn dựa trên những tiêu chuẩn thông thường mà có khi còn vượt xa những tác phẩm hội họa thất truyền trên thế giới.

 Mỗi chiếc túi còn là một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo.

Tại sao Hermès bán lại được túi xách giá cao?

Thứ nhất, nhu cầu từ thị trường luôn vượt xa khả năng cung cấp của họ.

Thứ hai, để sở hữu được chiếc túi có khi bạn phải xếp hàng dài cả cổ vài năm và một số mẫu nhất định chỉ được bán cho các khách hàng VIP hoặc nữ nguyên thủ các nước.

Ngoài ra, nạn buôn bán túi giả đang hoành hành âm ỉ hết sức tinh vi trong thế giới ngầm khiến người tiêu dùng bất an hơn. Vì thế việc kháo nhau đến các sàn đấu giá như một sự đảm bảo nguồn gốc chính hãng của chúng.

Sân chơi thiệt thòi cho người tiêu dùng

Những vật phẩm cao cấp khi được đưa ra trên sàn đấu, giá bán của chúng không phụ thuộc vào giá trị nội tại của sản phẩm. Chính như cầu “ảo” và “thực” đan xen quyết liệt khiến giá của chúng tăng lên chóng mặt.

Điển hình là sàn đấu Christie tại Hongkong, luôn được coi là “bàn tay bẩn” thao túng thị trường đấu giá. Tháng sáu mới đây, một chiếc Birkin màu hồng đã được chốt giá xấp xỉ 223.000 USD tương đương 5 tỉ VNĐ, trong khi mức giá khởi điểm của nó chưa bằng phân nửa.

 Chiếc màu hồng này đã vượt qua cả kỷ lục chiếc Birkin đỏ đậm từng thiêu đốt sàn đấu Christie New York vào năm 2011 khi rốt giá 203.000 USD (~ 4,5 tỉ VNĐ).

Chỉ 3 năm sau thì thị trường mới nổi của các nước Châu Á lại khiến thế giới ngả mũ về độ chịu chơi , tuy nhiên, sàn Christie Hongkong lại không cho biết về danh tính người mua. Và sau nửa năm có chủ mới, vẫn chưa hề có tay săn ảnh nào lùng được bóng dáng của chiếc túi cũng như chủ nhân bí ẩn của nó.

Nhiều người cho rằng, nó được chính Hermès thu mua lại hoặc đã được lưu giữ lại trong kho để tung ra “thổi giá” trong lần tiếp theo.

Có thể quy chụp một chút khi nói chính Hermès là người thổi giá cho túi cưng của mình, nhưng rõ ràng: Khi giá cả không được niêm yết công khai thì việc dắt dìu nhau lên sàn đấu giá để mua đồ giống như “đốt tiền làm đuốc tìm tiền” của Công tử Bạc Liêu vậy.