Đừng trở thành kẻ vô duyên khi cố an ủi một người vừa bị cuộc đời "tát" vào mặt

Bài viết: Minh Minh, Theo Helino 10:53 06/01/2020

Nghệ thuật tiếp chuyện những kẻ vừa bị cuộc đời “tát” vào mặt được xây dựng dựa trên kinh nghiệm cá nhân và một vài bài học, luật lệ không đơn giản lắm mà bạn nên biết phòng trường hợp: một ai đó bạn quan tâm gặp chuyện không hay và bạn cần đưa bờ vai của mình ra cho họ tựa đầu.

An ủi người khác là một nghệ thuật, và an ủi một người vừa bị cuộc đời tát vào mặt vài cái lại là một thứ nghệ thuật cao cấp hơn. Hãy trở thành một người tinh tế và là "bến đỗ" an toàn của những trái tim tan vỡ với bài viết rất bổ ích này từ MXH Lotus.

Thật lòng mà nói thì chẳng ai trong chúng ta chưa từng bị cuộc đời "tát" cho nhiều phát vào mặt. 

Ví dụ như tôi nhé: Vào một ngày đẹp trời cách đây chừng 3-4 tháng, khách hàng của tôi gọi tôi lại và bảo rằng này giờ công việc mùa thấp điểm chị giảm lương em nhé đến mùa cao điểm chị lại tăng lương cho em. Em không đồng ý thì em nghỉ việc. Tim tôi đau nhói và suýt ngừng đập khi nghe khách hàng của mình thỏ thẻ điều đó. Trong suốt quãng thời gian 3 năm đi làm tư vấn của mình, chưa có tiền lệ như vậy xảy ra. Sốc quá mà. Bỗng chốc nghề nghiệp freelance sang chảnh giống chuyện đi mua mớ rau con cá ngoài chợ.

Hay như anh bạn tôi, cuộc sống thanh xuân tươi rói để một ngày khám sức khoẻ mới lộ ra một cục u chưa rõ danh tính đang nằm chềnh ềnh ở cổ. Ông em trai quý hoá còn chưa tốt nghiệp Đại học của tôi thì một ngày về nhà mếu máo dằn dỗi em đã nghỉ việc chỉ vì sếp chậm trả lương và ông em thì cứ nhằng nhẵng chúc người ta sáng vui vẻ tối ngủ ngon bằng cái tin: Chị chuyển tiền giúp em chưa?

Tất cả những câu chuyện to nhỏ, giời ơi đất hỡi đấy tôi đều xếp vào một hạng mục là "Những cú tát của cuộc đời". Chẳng ai muốn ăn tát liên tục chỉ vì cái tội là đang sống trên đời cả. Và chúng ta – những công dân nhiệt thành của thế hệ millenials vừa không muốn ăn tát và cũng chẳng thể chịu được khi những người thân yêu của mình bị ăn tát. 

Trong khuôn khổ dăm ba dòng tâm sự này, tôi sẽ không đề cập hay than vãn về những lần cuộc đời tát tôi đau điếng thế nào. Tôi sẽ chỉ cùng chia sẻ với bạn những nỗi khổ tâm của mình khi muốn an ủi những người xung quanh lúc họ vừa trải qua những cú tát bất chợt như vậy. Đừng nghĩ rằng chỉ cần nói "Không sao đâu", "Thôi chuyện đã qua rồi" là xong… Việc an ủi, vỗ về một kẻ vừa bị cuộc đời chơi một vố thực sự khó khăn: Bạn sẽ phải dè chừng, nghĩ trước xem nên nói gì hoặc làm gì để không khiến tình huống và cảm xúc của họ rớt thêm nhiều nhịp nữa. Bạn tôi ơi, nếu bạn đang lấn cấn giống như tôi đã từng khi đứng trước những tình huống như vậy thì có lẽ đây là những điều bạn cần khắc cốt ghi tâm khi muốn cất lời an ủi một ai đó:

Đọc vị tình huống trước khi mở miệng:

Nếu bạn thân bạn gặp vấn đề thì hẳn bạn thừa biết mình phải làm gì sau bao nhiêu năm trời chơi chung, ăn chung và chửi mắng nó trước những quyết định sai lầm của cuộc đời. Nhưng một vài người mà bạn muốn thể hiện sự quan tâm lại chẳng phải là bạn thân bạn. Tâm tư tình cảm và cách họ biểu đạt cảm xúc có thể rất khác. Trong trường hợp đó, bạn nên đánh tiếng trước bằng một câu hỏi rất đơn giản: Có sao không? Nếu họ bắt đầu tuôn trào với bạn những chuyện giời ơi đất hỡi họ đang gặp phải thì bạn hãy tiếp tục nhé. Còn nếu họ chỉ lắc đầu và nhếch mép cười lấy lệ kiểu Ừ thì thôi gió chiều nào xoay chiều đó họ nói chủ đề gì thì mình theo, không xoáy vào vấn đề kia.

Đừng trở thành kẻ vô duyên khi cố an ủi một người vừa bị cuộc đời tát vào mặt - Ảnh 2.

Lời khuyên của bạn chẳng có giá trị gì cả:

Tưởng tượng nhé, những lúc bạn buồn thảm, xót xa cho số phận của mình, bạn có thấy khó chịu với những lời khuyên bảo thuyết giảng dài hàng km từ mọi người không. Đấy. Nên tốt nhất khi gặp ai đang trong tâm trạng bực dọc, buồn bã, điều tốt nhất bạn có thể làm đó là không tỏ ra khôn ngoan và khuyên người ta cái này cái kia. (vì thật ra có thể họ làm rồi mà không hiệu quả hoặc không phù hợp với tình huống họ gặp phải.)

Đừng trở thành kẻ vô duyên khi cố an ủi một người vừa bị cuộc đời tát vào mặt - Ảnh 3.

Chỉ cần lắng nghe:

Những người vừa (hoặc đang) gặp chuyện thường… khá khó chịu. Đó là một sự thật. Nhiều lúc bạn sẽ chẳng hiểu họ đang nói gì vì thật sự tâm trạng rối bời của họ sẽ quy định biểu cảm và diễn đạt. Họ sẽ nhắc đi nhắc lại vấn đề họ đang gặp phải. Bạn có thể vừa phải tỏ ra lắng nghe (và có thể bạn thực sự lắng nghe) nhưng cùng lúc bạn cũng nghĩ có chuyện quái gì đâu mà cứ nhai đi nhai lại!

Đừng trở thành kẻ vô duyên khi cố an ủi một người vừa bị cuộc đời tát vào mặt - Ảnh 4.

Nhưng thật ra, đó lại là ý nghĩa chính của việc lắng nghe. Bạn cần lắng nghe để trở thành một miếng bọt biển – thẩm thấu hết những nỗi buồn của người mà bạn đang muốn an ủi. Bạn không cần phải đế thêm bất cứ câu nói nào, bạn chỉ cần im lặng lắng nghe và nhớ rằng họ đang muốn trút hết nỗi lòng ra. Cũng đừng sử dụng điện thoại khi đang lắng nghe, người ta nhớ đấy!

Im lặng là điều rất bình thường:

Tâm sự, chia sẻ là một trong nhiều cách để an ủi. Đừng biến mình thành một kẻ lắm chuyện nếu cứ bám lấy người ta để hỏi họ về vấn đề mà chưa chắc họ muốn chia sẻ. Hãy cảm thấy vui nếu như họ vẫn chọn ở cạnh bạn trong khoảng thời gian "tâm trạng đang tan chậm" này. Lời nói không phải là tất cả, nhiều lúc sự hiện diện của bạn chính là hành động an ủi tốt nhất rồi.

Đừng trở thành kẻ vô duyên khi cố an ủi một người vừa bị cuộc đời tát vào mặt - Ảnh 5.

Chia sẻ kinh nghiệm của chính bạn:

Chính những kinh nghiệm được đánh đổi bằng nỗi buồn và nước mắt của bạn lại là điều động viên lớn nhất dành cho những người mà bạn đang muốn an ủi. Bởi lẽ, những kinh nghiệm đó sẽ cho họ cảm thấy phần nào rằng họ không cô đơn và có người thực sự có thể cảm thông được với những gì mà họ đang trải qua. Hãy trao đi để nhận lại.

Đừng trở thành kẻ vô duyên khi cố an ủi một người vừa bị cuộc đời tát vào mặt - Ảnh 6.

Nếu đã giúp, hãy giúp một cách cụ thể:

Thay vì nói "nếu cần gì hãy bảo tao" thì hãy xắn tay lên và hỏi họ có cần giúp gì trong một công việc cụ thể không: Làm hộ bài tập, đưa về nhà, mua hộ đồ ăn trưa… Đừng bắt họ phải nghĩ ngợi về việc nên nhờ bạn việc gì. Vì chắc chắn cuối cùng họ sẽ lại tự làm và chết chìm trong cái bể buồn bã của chính mình và bạn … chẳng giúp được gì cả.

Đừng trở thành kẻ vô duyên khi cố an ủi một người vừa bị cuộc đời tát vào mặt - Ảnh 7.

"Hãy nhìn theo hướng khác!"

Chẳng có luật nào bắt bạn phải chìm đắm trong nỗi buồn cùng họ cả, bạn hoàn toàn có thể lái câu chuyện theo hướng bạn muốn. Nên nhớ rằng, người mà bạn muốn an ủi không được định nghĩa bằng nỗi buồn họ đang có. Họ là một cá thể với sở thích, tâm tư và câu chuyện nhiều màu sắc thú vị. Thay vì cùng ngồi sụt sịt với nhau, bạn có thể làm họ quên đi vấn đề họ đang gặp phải bằng nhiều cách: rủ đi chơi, xem phim, cafe hoặc lái xe vòng vòng trên đường cũng đã là đủ.

Đừng trở thành kẻ vô duyên khi cố an ủi một người vừa bị cuộc đời tát vào mặt - Ảnh 8.