1. Theo Mark Manson, tác giả của cuốn sách nổi tiếng "The Subtle Art of Not Giving a F*ck", câu hỏi lớn trong cuộc đời không phải là "thành công nào bạn muốn?" mà là "nỗi đau nào bạn phải trải qua?". Cắt nghĩa cụ thể hơn thì, để giành được thứ bạn muốn, bạn đã sẵn sàng chịu đựng đau khổ vì điều đó?
Trong bóng đá, sự vĩ đại không đứng im một chỗ. Nó không phải chiếc Cúp để khi giành được, có thể mang về nhà ngắm vuốt và bất cứ điều gì xảy ra, vẫn luôn ở đó để nhắc nhở về dấu mốc thành công. Sự vĩ đại luôn biến đổi tùy theo hoàn cảnh, và theo những gì mà một cầu thủ mang lại.
Ở đây chúng ta đang nói về Lionel Messi . Siêu sao người Argentina liên tục phải chiến đấu để tìm kiếm sự thừa nhận, rằng anh tốt hơn Ronaldo, rằng anh thực sự vĩ đại, và rằng anh xứng đáng để là truyền nhân của Diego Maradona thần thánh.
Đó là một hành trình dài mệt mỏi. Rất nhiều lần anh chạm tới điều đó - sự vĩ đại, nhưng sau mỗi lần Argentina thất bại, nó lại bị phủ nhận sạch trơn.
Hãy nhớ lại cách đây 8 tháng, Messi được xưng tụng là Messiah, là Đấng cứu thế, hay Chúa, sau màn trình diễn ảo diệu ở Quito. Vào lúc ấy, cảm tưởng như 44 triệu dân Argentina cùng đồng thuận nâng Messi lên, kính cẩn đặt anh vào chiếc ghế bọc nhung bên cạnh Thánh Diego.
2. Nhưng Messi có rất ít thời gian để thư giãn, tận hưởng sự vĩ đại bởi rất nhanh sau đó, đám đông hay đòi hỏi lập tức nghĩ lại. Họ nói rằng còn lâu Messi mới có thể sánh ngang với Maradona một khi anh ta chưa giúp Argentina vô địch World Cup. Áp lực trở lại đè lên đôi vai nhỏ bé của La Pulga. Đó chính là sự đau khổ trên con đường đi tới thành công mà Manson đã đề cập.
Khi sức ép phát triển đến cực đại và sự vĩ đại trên bờ vực sụp đổ, tưởng như Messi sẽ ngã quỵ. Nhưng nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nói: "Bạn phải chịu đựng áp lực, và nếu không thể chịu được áp lực, bạn không thể trở nên vĩ đại", thì đây, giống như đêm tháng Mười tại Quito, Messi một lần nữa rực sáng để chứng minh sự vĩ đại.
Một pha bứt tốc dũng mãnh, khống chế tinh tế và dứt điểm tuyệt vời làm tung lưới Nigeria của La Pulga khiến anh lung linh trở lại. Trong khoảnh khắc, mọi hoài nghi về khả năng thiên tài của Messi trở nên lố bịch.
Gánh nặng của sự vĩ đại mà Messi phải chịu đựng bấy lâu là không công bằng. Đã quá nhiều lần La Pulga tạo ra những điều kỳ diệu vượt quá cả sự mong đợi để cứu Argentina.
Nhưng thay vì biết ơn, người ta bắt anh phải chịu trách nhiệm cho sự lãng phí của Gonzalo Higuain ở chung kết World Cup 2014 và Copa America 2015, hay mới đây là sai lầm tai hại của Willy Cabalero trong thất bại trước Croatia cùng tình huống phạm lỗi ngu ngốc của Javier Mascherano ở trận đấu quan trọng với Nigeria.
3. Messi đã làm tất cả để giấc mơ của Argentina còn sống, từ bàn thắng tuyệt diệu ghi được, đến cách anh truyền cảm hứng và cố gắng vực dậy đồng đội khi Nigeria gỡ hòa, cho tới những tình huống lăn xả để bảo vệ thành quả sau khi Marcos Rojo nâng tỷ số lên 2-1.
Argentina đã tiến vào vòng 1/8, nhưng nếu vẫn tiếp tục chơi theo cách này, với một hàng thủ dễ tổn thương và luôn có xu hướng mắc sai lầm cùng hệ thống tấn công đầy bế tắc, họ khó có thể tiến xa.
Hôm nay, Albiceleste chơi bằng ý chí cầu sinh của những kẻ bị dồn đến chân tường, cộng thêm sự hỗ trợ của trọng tài và đối thủ Nigeria ngây thơ. Mọi thứ sẽ khó khăn hơn trong những ngày sắp tới, khi phải đối mặt với tuyển Pháp mạnh mẽ và được tổ chức tốt hơn nhiều.
Trong trường hợp dừng bước sớm, một lần nữa, đừng đổ vấy cho Messi. Người Argentina cần phải chấp nhận sự thật, Albiceleste không đủ tốt, cho Messi và cho tham vọng vô địch. Đồng thời, những hoài nghi về sự vĩ đại của La Pulga cũng nên chấm dứt.
Đơn giản vì Messi đã quá vĩ đại rồi.
Và anh đã làm quá nhiều cho một đội bóng không xứng đáng.