Đừng ăn một lúc 3 que kem, sẽ nguy hiểm đến tính mạng như câu chuyện em bé 7 tuổi này

Ngọc Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 00:11 02/06/2016

Vào dịp cuối xuân, đầu hè, do nhiệt độ tăng đột ngột, chế độ ăn uống và sinh hoạt của chúng ta cũng có nhiều thay đổi bất thường. Vì thế cần có những lưu ý để tránh xảy ra trường hợp đáng tiếc.

Không còn nghi ngờ gì nữa, mùa hè đã thực sự tới rồi! Cái nóng oi ả gay gắt của ngày hè khiến cơ thể chúng ta luôn trong trình trạng cần một thứ đồ ăn, đồ uống mát lạnh để "chữa cháy". Những cây kem vừa mát vừa ngon chưa bao giờ nằm ngoài danh sách những món ăn ưa thích của chúng ta.

Những cây kem ngọt ngào, mát lạnh, đủ màu sắc, hương vị chiếm được cảm tình của tất cả đám trẻ con lẫn người lớn.  Thế nhưng, hãy lưu ý, món quà vặt này cũng có thể đem lại mối họa khôn lường, gây nguy hiểm đến tính mạng của chúng ta, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Đừng ăn một lúc 3 que kem, sẽ nguy hiểm đến tính mạng như câu chuyện em bé 7 tuổi này - Ảnh 1.

 Những cây kem nhiều màu sắc là món ăn giải khát số 1 của mùa hè!

Tai nạn đáng thương xảy ra vào một buổi chiều. Em bé Nhạc Nhạc, 7 tuổi ở Phụ Dương (An Huy, Trung Quốc) cùng đám bạn sau khi chơi đùa chán chê, đã cùng nhau ghé vào cửa hàng tạp hóa để mua kem. Nhạc Nhạc ăn xong 1 que kem, thấy vẫn chưa đã khát, lại mua thêm 1 que nữa.

Lúc về nhà, Nhạc Nhạc thấy nóng và khát nước. Vì không có nước lạnh nên em lại ăn thêm 1 que kem để giải nhiệt. 

Chưa đầy 1 tiếng đồng hồ sau, Nhạc Nhạc bắt đầu đau bụng quằn quại.

"Tầm chiều tối, khi vừa bước chân vào nhà, tôi thấy Nhạc Nhạc nằm trên giường, bên cạnh là một bãi máu. Tôi cuống quýt hỏi, thằng bé nói bãi máu đấy là do nó nôn ra." Mẹ của Nhạc Nhạc cho biết.

Ngay lập tức, gia đình đã đưa Nhạc Nhạc đến bệnh viện địa phương. Tại đây, em bé tiếp tục nôn 5 lần, mỗi lần phải gần 200ml máu. Do mất máu quá nhiều, Nhạc Nhạc đã rơi vào trạng thái hôn mê.

Đừng ăn một lúc 3 que kem, sẽ nguy hiểm đến tính mạng như câu chuyện em bé 7 tuổi này - Ảnh 2.

Mẹ của Nhạc Nhạc vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại tình trạng nguy kịch của con trai.

Mặc dù tiến hành truyền máu liên tục, nhưng tình trạng xuất huyết của Nhạc Nhạc vẫn không được khống chế. Một lúc sau, em còn có biểu hiện đại tiện ra máu. Gia đình buộc phải đưa em lên bệnh viện trung tâm tỉnh để cấp cứu theo kiến nghị của bệnh viện địa phương.

Khi được cấp cứu, Nhạc Nhạc bị mất máu nghiêm trọng, thậm chí không thể đo được huyết áp và nhịp tim. Tim đập yếu ớt, chân tay lạnh ngắt, sắc mặt tái nhợt và mất ý thức. Tình trạng của Nhạc Nhạc vô cùng nguy kịch và khẩn cấp.

"Cháu bé mất quá nhiều máu. Trong quá trình truyền máu, ngân hàng máu của bệnh viện bị thiếu 3 túi, chúng tôi đã phải điều động khẩn cấp tiếp thêm máu từ kho máu Hợp Phì về để tiến hành điều trị." Ông Kim Đan Đàn, giám đốc Bệnh viện Nhi đồng tỉnh An Huy cho biết.

Trải qua 4 giờ truyền máu liên tục và tích cực, đồng thời tiến hành sử dụng các loại thuốc cầm máu, tình trạng của Nhạc Nhạc vẫn không chuyển biến khả quan. Lý do là bởi một bên nỗ lực truyền máu vào, một bên lại liên tục xuất huyết. 

Sau thời gian hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định giải phẫu khẩn cấp để cứu tính mạng Nhạc Nhạc. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ phát hiện một vết loét lớn có đường kính 1cm, sâu 0,4cm trong tá tràng. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến động mạch tá tràng bị vỡ, gây ra tình trạng xuất huyết liên tục và ồ ạt.

Đừng ăn một lúc 3 que kem, sẽ nguy hiểm đến tính mạng như câu chuyện em bé 7 tuổi này - Ảnh 3.

 (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.)

"Bình thường, một em bé 7 tuổi chỉ có lượng máu khoảng 1600ml, mà trong 1 ngày, bệnh nhân phải truyền tới 8000ml máu, tương đương với việc thay máu cơ thể 5 lần." Bác sĩ Thích Sĩ Cần (người trực tiếp phẫu thuật cho Nhạc Nhạc) chia sẻ.

Bác sĩ Thích cũng nhấn mạnh trong vòng 24 tiếng, việc lượng máu xuất huyết cao gấp nhiều lần lượng máu trong cơ thể là cực kỳ nguy hiểm. Hơn nữa, chỉ mới 7 tuổi và mất một lượng máu lớn như vậy, Nhạc Nhạc được cứu sống là cả 1 kỳ tích.

Qua câu chuyện của em bé Nhạc Nhạc suýt mất mạng chỉ vì 3 que kem, các bác sĩ đã đưa ra lời cảnh báo về việc ăn đồ lạnh trong thời điểm giao mùa từ mùa xuân sang mùa hè.

Vào dịp cuối xuân, đầu hè, do nhiệt độ tăng đột ngột, chế độ ăn uống và sinh hoạt của chúng ta cũng có nhiều thay đổi bất thường.

Đây cũng là khoảng thời gian các bệnh viện tiếp nhận không ít các ca bệnh liên quan đến đường tiêu hóa. Một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn tới tình trạng này là do đại đa số chúng ta không biết thưởng thức các thực phẩm lạnh một cách an toàn.