Đủ kiểu ăn bánh tét của người miền Nam, thậm chí có cả bánh tét chấm... sữa

Quỳnh Đào, Theo Trí Thức Trẻ 15:03 06/02/2019

Nếu bánh tét dưa hành đã quá quen thuộc, bạn đã bao giờ ăn thử bánh tét chấm... sữa chưa? Chắc chắn bạn sẽ phải bất ngờ về mùi vị của nó đó.

Tết miền Nam tuyệt nhiên không thể thiếu bánh tét. Chính vì vậy mà mỗi nhà đều mua về ít nhất 1 cặp (hoặc 2 "đòn" - cách gọi của người miền Nam). Mặt khác, cũng vì bánh tét là thức ăn quan trọng ngày Tết mà nhiều người còn thể hiện sự quan tâm cho nhau bằng cách mang làm quà tặng. Ngoại trừ dưa hành, các loại thịt, các loại mứt thì bánh tét là món quà Tết dân dã phổ biến nhất ở khu vực miền Nam. 

Như vậy nếu tính ra, mỗi nhà có sẵn 2 đòn bánh tét cộng thêm 2 - 4 phần được tặng (chẳng ai tặng bánh tét không theo cặp cả), thì có nghĩa một nhà sẽ có tận 6 chiếc bánh tét trở lên. Để có thể ăn được nhiều, khi ăn bánh tét đã chán, người ta nghĩ ra cách chiên lên. Có điều bánh tét chiên ăn thì ngon, nhưng ăn quá nhiều lại ngấy. Với số lượng này thì cần phải có nhiều cách "tiêu thụ" khác nhau. Hãy dạo một vòng xem những cách ăn từ "hợp lí" đến "gây hoang mang" của hội ghiền bánh tét miền Nam nhé:

Ăn cùng dưa hành, kiệu

Bánh chưng, bánh tét ăn cùng dưa và hành là một phương pháp kinh điển mỗi khi ngấy mà vẫn muốn "giải quyết" nốt các món ăn sau Tết. Vị chua, giòn của các loại rau củ lên men sẽ "tráng" một lớp dịch vị mỏng trong khoang miệng, khiến các món ăn khác bớt ngấy. Đây là một phương pháp khá hiệu quả để giải quyết bánh tét thừa của người miền Nam.

Ăn cùng thịt kho

Đủ kiểu ăn bánh tét của người miền Nam, thậm chí có cả bánh tét chấm... sữa - Ảnh 3.

Tết miền Nam ngoài bánh tét còn có thịt kho là món không thể thiếu, chính vì vậy mà hai món này đi với nhau như một lẽ hiển nhiên. Bánh tét và thịt kho là hai món khá dễ gây ngán, tuy nhiên nếu kết hợp với nhau thì là một cách để "đổi gió" rất hợp lí. Ngày Tết, nhiều gia đình miền Nam "lười" nấu cơm, sẵn có thịt kho và bánh tét, họ bèn chiên bánh ăn cùng thịt kho xem như một bữa ăn. Bánh tét làm từ gạo nếp, vốn có thể ăn thay cơm được, kết hợp với thịt kho và nếu thích thì có thể ăn kèm ít củ kiệu chua chua.  

Chấm đường

Cách này thực sự khá là hiếm nên người lần đầu nghe thấy sẽ cảm thấy khá "kì cục". Tuy nhiên ấy là do trước giờ ta xem bánh tét là thức ăn mặn (nếu bánh tét có nhân thịt hay trứng muối thì cũng kì thật). Song, cứ tưởng tượng bánh tét giống các loại bánh chiên, bánh vòng, bánh tiêu thì việc áo một lớp đường cát bên ngoài cũng giống vậy. Ai hảo ngọt thì cách ăn này khá ngon, làn da vàng rộm chấm với ít đường ngọt không đến nỗi kì lạ như nhiều người nghĩ. Tuy nhiên, nếu có thử mà thích thì cũng không nên ăn nhiều đâu nhé!

Chấm sữa

Nghe có vẻ như "không tưởng", nhưng thực sự có người làm điều này đấy. Sữa ở đây là sữa đặc, và loại bánh tét nhất định phải là nhân chay như thuần đậu xanh hoặc chuối. Song, bánh tét chiên đậu xanh chấm sữa vẫn ngon hơn, bởi chuối có độ ngọt tự nhiên, thêm sữa thì hơi bị ngấy và không hợp. Giống như bánh mì chấm sữa, lớp vỏ nếp được chiên giòn ăn cùng sữa có vị beo béo, giòn giòn, ngậy hơn nhờ phần đậu xanh. Cách này tuy hiếm, song vẫn có.