Đột phá gây tranh cãi: Lần đầu tiên tạo thành công phôi thai nửa người nửa lợn

Ken, Theo Trí Thức Trẻ 11:36 28/01/2017

Nghiên cứu đột phá cấy tế bào của người vào phôi lợn lần đầu tiên để tạo ra sinh vật lai "nửa người nửa lợn" này sau đó đã được tiêu hủy để tránh vi phạm vấn đề đạo đức.

Mới đây, các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu sinh học Salk, California (Mỹ) đã tuyên bố rằng, bằng cách tiêm tế bào gốc của con người vào phôi thai lợn trong giai đoạn sớm, họ đã có được thành công ban đầu trong việc tạo ra một sinh vật nửa người nửa lợn. 

Đây được cho như 1 dạng "chimera" - (Chimera là tên một loài quái vật người nửa sư tử, nửa dê trong thần thoại Hy Lạp). Thuật ngữ này ám chỉ việc lai tạp giữa 2 sinh vật cùng loài nhưng khác DNA hoặc khác loài - cụ thể ở đây là người và lợn.

Đột phá gây tranh cãi: Lần đầu tiên tạo thành công phôi thai nửa người nửa lợn - Ảnh 1.

Trong thí nghiệm, các nhà nghiên cứu ở Mỹ đã tiêm tế bào gốc của con người vào phôi lợn ở giai đoạn sớm - khoảng vài ngày tuổi. 

Những phôi lai sau đó - 2000 phôi được chuyển vào cơ thể lợn mẹ để phát triển. 150 phôi trong số đó biến thành sinh vật chimera. Những sinh vật này có dạng lợn chiếm ưu thế, với khoảng 1 tế bào người trên 10.000 tế bào lợn.

Lợn bình thường mang thai 112 ngày, nhưng các phôi chimera chỉ được nuôi dưỡng trong 28 ngày, sau đó được đưa ra ngoài để nghiên cứu.

Giới khoa học cho biết, vào thời điểm đó, các phôi này đã đủ phát triển để phục vụ nghiên cứu về cách thức các tế bào hoà lẫn vào nhau.

Izpisua Belmonte, trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Salk cho biết: "Đây là khoảng thời gian đủ để chúng tôi cố gắng hiểu khi các tế bào con người và lợn trộn lẫn nhau sẽ như thế nào, đồng thời không gây lo ngại đạo đức về những sinh vật chimera trưởng thành thực thụ".

Giáo sư Daniel Garry thuộc ĐH Minnesota - người dẫn đầu một dự án nghiên cứu chimera khác nhận định: "Đây là một bước tiến đáng kể, mở ra các cơ hội tuyệt vời mới nhưng sẽ đi đôi với cả vấn đề đạo đức".  

Đột phá gây tranh cãi: Lần đầu tiên tạo thành công phôi thai nửa người nửa lợn - Ảnh 2.

Nhưng thật may là viện Salk đã thực hiện nghiên cứu một cách "tiếp cận có trách nhiệm" - khi đã tiêu hủy nghiên cứu này sau khi ghi nhận kết quả.

Trên thực tế, các sinh vật chimera đầu tiên đã được tạo ra từ 10 năm trước. Nhưng cho tới nay, phôi thai giữa người và lợn mới là lần đầu tiên, các nhà khoa học có thể kết hợp hai loài sinh vật có vú trong cùng một thể lai.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu gặp chút rắc rối khi khoảng chênh lệch giữa thời kỳ mang thai giữa người 9 tháng 10 ngày - với lợn chỉ kéo dài khoảng 4 tháng. 

Thực tế này khiến cho các tế bào của hai loài phát triển với hai tỷ lệ khác nhau, cũng là thách thức cho các thí nghiệm trong tương lai lên sinh vật lai chimera.

Mặc dù việc phát triển lợn lai người hoàn chỉnh còn xa mới thành hiện thực, nhưng phát hiện này cũng mở ra nhiều đề tài mới cho các nhà khoa học trong việc nghiên cứu các loại bệnh trên người.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell.

Nguồn: ScienceAlert, Dailymail