Vì sao người trẻ “xấu xí”?

Mực Tím, Theo 16:24 04/12/2010

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng người trẻ “xấu xí”. "Xấu xí" ở đây là chỉ sự thiếu sót, kém vẹn toàn trong suy nghĩ cũng như cách hành xử, nhưng tôi muốn nhấn mạnh đến nguyên nhân cơ bản nhất, gia đình.

John Bradshaw, nhà giáo dục nổi tiếng người Mỹ, định nghĩa rằng: gia đình là một hệ thống mà các thành viên gắn bó chặt chẽ, mật thiết với nhau. Và bậc cha mẹ chính là trụ cột trong hệ thống gia đình đó. Người cha, người mẹ vừa phải đáp ứng đủ nhu cầu vật chất của gia đình vừa có nghĩa vụ chăm sóc về mặt tinh thần cho nhau và cho con cái. Những nhu cầu cơ bản của một gia đình là cảm giác được an toàn về mặt vật chất và tinh thần, cảm giác thân mật, cảm giác có trách nhiệm, cảm giác được thử thách và được khuyến khích.

Đó là lý do tại sao có những bạn trẻ phải tạo ra các vấn đề, họ muốn thu hút sự quan tâm, trách nhiệm của cha mẹ. Ví dụ như có những bạn trẻ tự ý bỏ học hay lơ là việc học, nhiều lúc không phải vì ham chơi mà vì sự khát khao thầm kín, mong được bố mẹ dỗ dành, khuyến khích, quan tâm hơn đến việc học của mình. Lại có những bạn trẻ đột nhiên trở nên khó chịu, cáu kỉnh thậm chí hỗn láo, đó chỉ là một dấu hiệu mong muốn nhận được sự tôn trọng từ cha mẹ. Dù đây là những cách hành xử còn vụng dại, non nớt nhưng nó đã phản ánh được phần nào sự mất mát, thiếu thốn đáng thương từ bên trong tâm hồn.


Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Tuy nhiên, tại sao có những bạn trẻ trở nên siêng năng, chăm chỉ, học hành giỏi giang dù gia đình còn nhiều khó khăn, trắc trở? Đó cũng là một hành động tự nhiên nhằm duy trì hệ thống gia đình. Vì tự bản thân họ cảm nhận, ý thức được nếu không cố gắng, nỗ lực thì họ sẽ phải gánh chịu một mất mát, một hậu quả nặng nề từ việc gia đình họ sụp đổ hay tan vỡ.

Nhìn chung, để tiến triển theo chiều hướng tích cực thì cần lắm sự quan tâm ,tình yêu thương của người làm cha, làm mẹ .Như bài viết về anh thủ khoa đại học Ngoại Thương Lê Hồng Nam của tác giả Nguyên Phong (Báo Phụ Nữ, 22/11/2010) đã nhấn mạnh rằng “Cậu (Hồng Nam) luôn tự hào về bố mẹ, vì tuy nghèo khó nhưng luôn chú trọng đến việc học của các con.” .Nhờ tình thương và sự quan tâm của cha mẹ mà “cái nghèo không chỉ là áp lực mà còn là động lực của bản thân.” Nếu chúng ta lật lại những gương mặt vượt khó trong học tập, vươn lên trong cuộc sống đều nhận thấy điểm chung rằng tình yêu thương của cha mẹ, gia đình chính là hành trang quý giá và quan trọng nhất để giúp con người ta phát triển toàn diện, bất chấp thử thách, khó khăn trên đường đời .

Khi còn bé, tôi được nghe kể một câu chuyện như sau. Một đứa con trước khi nhận án tử hình, quan toà hỏi nó có cần trăn trối điều gì không. Đứa con đã xin được gặp mẹ nó lần cuối. Khi bà mẹ tiến đến gần nó và áp sát tai lại để nghe lời nó nói thì nó đã cắn vào tai người mẹ và thốt lên “Vì bà mà tôi đã trở nên thế này”.

 Dù hư, thực chưa rõ nhưng chắc chắn trong xã hội đã xảy ra nhiều trường hợp thương tâm như thế. Những trang báo thấm đẫm nước mắt vì tình trạng bạo hành gia đình, những lời tâm sự buồn bã, đầy thất vọng của các bạn trẻ khi bị bậc phụ huynh “lồng kiếng” hay “thả rông” .Thật đau đớn biết bao!

Có những người trẻ “xấu xí” thật đáng thương hơn đáng trách. Họ chỉ là nạn nhân, là kết quả của sự lơ là hay thiếu kỹ năng của bậc phụ huynh. Chúng ta hãy đừng vội lên án những người trẻ qua đánh giá bề nổi mà xin hãy xét từ bên trong, từ cội nguồn, từ cái nôi sinh ra con người, đó chính là gia đình.