Vã mồ hôi "giải mã" tiếng lóng tuổi teen

Vietnamnet, Theo 11:44 25/05/2010

Phải vô cùng khó khăn tôi mới có thể hiểu được cô em đang muốn hỏi thăm tôi với những dòng tin nhắn như thế này: “Chj dzạo nè thía nào roài, zẫn lao dzô học hành à? Hok ju đzương ji dzáo seo?”.

“Giờ học sinh teen toàn cao thủ đỗ tốt nghiệp loại giỏi ở “Học viện mật mã” cả. Toàn viết loại chữ đọc xong chắc toét cả mắt (có khi lên mấy phẩy)...”, đây là lời comment (bình luận) của một thành viên có nickname Longphi trên diễn đàn học sinh Trường THPT Quang Trung (Hà Nội).

Quả thật, ai từng đọc cũng vã hết mồ hôi mới giải mã được tiếng lóng của tuổi teen bây giờ...

Giải mã ngôn ngữ 9x

Tôi thực sự choáng váng và bực mình khi nhận được tin nhắn của cô em họ 9x của mình. Phải vô cùng khó khăn tôi mới có thể hiểu được cô em đang muốn hỏi thăm tôi với những dòng tin nhắn như thế này: “Chj dzạo nè thía nào roài, zẫn lao dzô học hành à? Hok ju đzương ji dzáo seo?”

Tìm hiểu thêm tôi mới biết đây là “mốt” ngôn ngữ mới của dân 9x. Đọc một đoạn tin nhắn trên điện thoại di động, lướt qua vài blog hoặc diễn đàn của teen thì không khó gì bắt gặp những mẩu đối thoại kiểu như:

- Hey! Hum nay teo đen wé mài ui.

- Seo dzạ? Cóa chjện jì thja?

- Teo lèm mứt wuyen chjện của nhỏ Hương. Teo tju đzời dzới nó roài.

- Sax. Tưởng chjện jì. Thía thì mài mua cho nóa wuyen khác đê. Nó hok bít đâu mừ...

Lý giải hiện tượng ngôn ngữ kỳ quặc này. Các teen cho rằng đây là một phần hệ quả của việc nhắn tin bằng điện thoại di động. Để có thể viết tin nhanh chóng và thuận tiện thì “i” được chuyển thành “j”, “qu” thành “w”, “b” thành “p”, “o” thành “u”,... Ngoài ra, việc dùng các từ như: “nè” thay cho “này”, “thía” thay cho “thế”, “hok” thay cho “không”... là cách các teen tự sáng tạo ra, hay nói cách khác là nói chệch đi để nghe teen hơn.


Tiếng Việt ngoại lai đang đi vào mọi ngõ ngách của đời sống teen

Các teen blogger chuyên nghiệp cũng khiến "khách tham quan" blog “không chuyên” vô cùng khó khăn với việc giãi mã các ngôn ngữ chuyên biệt này. Không hiểu vì nhiều teen không biết định dạng phông chữ tiếng việt trên blog hay vì có quá nhiều ký tự thuận tiện lại hợp “gu” mà trên blog của teen có thể tìm được những đoạn “mật mã” như thế này:

“ †|Cl¥ ]_Cl` (µ "])Cl] [†| (µº(" /º] §º ]º†|Cl][...??? ” (hay là cứ đánh cược với số phận). “3m thi 3m +)3cH tH3^? hI3^u +)uoc” (em thì em đếch thể hiểu được)...

Hay những dòng comment kiểu như:“To^j dda^u co� lo^~j gj` co* chu*”( tôi đâu có lỗi gì cơ chứ). Hoặc:“nguoi` ngoai` hem hieu nhin` vao nguoi` ta ko nghi~ la` chung ta dang su dung tviet ma` la` tieng a rap” (người ngoài không hiểu nhìn vào người ta không nghĩ chúng ta đang sử dụng tiếng Việt mà là tiếng Ả rập)!

Thậm chí, còn có hẳn một phần mềm chuyên dùng để giải mã ngôn ngữ của teen. Có một bản quảng cáo trên diễn đàn thế giới teen 9x như thế này: “phần mềm V2V (nghĩa là Việt sang Việt) phiên bản mới nhất 1.3. Nó sẽ là một công cụ "dịch" tự động rất hiệu quả cho bạn biết được chính xác ngôn ngữ mà teen đang sử dụng nói lên điều gì...

Điểm độc đáo của chương trình còn nằm ở chỗ, nó có khả năng dịch thành công khoảng 80% ngôn ngữ siêu việt (một loại ngôn ngữ của teen gần đây và với các ký tự được teen qui ước cho các chữ cái). Ngoài ra, còn có một bản hướng dẫn cài đặt cụ thể và địa chỉ để có thể tải miễn phí phần mềm “tiện lợi” này.

“Anh ngữ” của dân 9x

Từ khi tiếng Anh trở thành “một phần thiết yếu” của cuộc sống học đường, như là việc luôn có mặt trong các kỳ thi tốt nghiệp thì teen 8x đã tìm ra nhiều biện pháp hữu hiệu hơn để học tiếng Anh. Cách đơn giản nhất là “chêm” các từ này vào ngôn ngữ hàng ngày. Các từ thông dụng nhất như: of, and, or, byebye, but...không còn lạ lẫm gì với 8x và 9x hiện nay.

Tuy nhiên, việc dùng “Anh ngữ” của teen Việt không chỉ đơn giản như vậy. Những câu kiểu như thế này, tôi đã phải mất một thời gian đầu ngỡ ngàng trước khi quen được nó: No table (miễn bàn), Sugar i i go, sugar you you go (đường tôi tôi đi, đường anh anh đi). I wanna toilet kiss you (anh muốn cầu hôn em). No four go (Vô tư đi), Know die now (Biết chết liền), Ugly tiger (Xấu hổ), Like is afternoon (Thích thì chiều), Sugar sugar a hero man (Đường đường một đấng anh hùng)…

Nhưng những câu “chêm” tiếng Anh kiểu này giờ đây đã là “lạc hậu”, nhưng nó đã là những từ "nóng" mà teen của những năm 2007, 2008 dùng. Còn 9x ngày nay đang không ngừng lưu giữ, phố biến và quan trọng nhất là tăng cường sáng tạo để làm giầu thêm các từ “bồi” của mình.

Vào các blog của teen 9x hiện nay, có thể bắt gặp các bài viết với những tít: “update từ vựng kiểu teen ná. Nóng, nóng, vào học mau”. Và đây là một số cách dùng từ “chêm” tiếng Anh mới mà nếu teen nào không kịp học thì sẽ không thể hiểu bạn bè mình đang nói gì:

K teen (Kety teen): Những teen tạo trào lưu trong cộng đồng teen

Queen bee: Ong chúa – những cô nàng thủ lĩnh

Big headed kid: Những anh chàng, cô nàng teen tồ tẹt

Za: bánh pizza

Laters butters: Tạm biệt, hẹn gặp lại sau nhé

88: bye bye!

555: ha ha ha: là ngôn ngữ của teen Thái Lan vì số 5 trong tiếng Thái phát âm là “ha”

4EAE (forever and ever): Bây giờ và mãi mãi

Viết thế mới đúng "xì tin"

Trong diễn đàn của Trường THPT Quang Trung (Hà Nội), có một chủ đề thảo luận về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Một thành viên có nickname Gunshot bức xúc: “Tại sao các bạn trẻ giờ đây lại viết nhiều câu mà mình không tài nào dịch nổi. Nếu mình có quyền quản trị trong tay thì mình tin rằng tất cả các bài viết trong forum này sẽ được xóa khi sử dụng lối viết đó”.

Tuy nhiên, có rất nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề này, có người ủng hộ ngôn ngữ mới của teen, cho rằng đó cũng là một cách giải trí và thể hiện sự sáng tạo của teen. Jmdj, một thành viên comment: “tùy môi trường viết, nếu chat chít, viết chơi mà pha thêm tí xì-teen thì cung hay chứ”. Hải Nam, HS lớp 11, Trờng THPT Việt Đức (Hà Nội) cũng đồng ý với quan điểm trên: "Không nói như vậy thì lạc lõng lắm. Thậm chí, bây giờ có nhiều bạn còn khó khăn khi đọc tiếng Việt bình thường" - Nam nói.

Còn đa phần các thành viên đồng ý với ý kiến của Gunshot, rằng chúng ta nên giữ gìn sự trong sáng cho tiếng Việt. Thành viên nickname Longphi viết: “Giờ học sinh teen toàn cao thủ đỗ tốt nghiệp loại giỏi ở “Học viện mật mã” cả. Toàn viết loại chữ đọc xong chắc toét cả mắt (có khi lên mấy phẩy)...”.

TS Hoàng Anh - Học viện BCTT là một chuyên gia ngôn ngữ học. Ông nói đã từng đọc một số bài thi mà HS đánh dấu (.) thay cho chữ trong, dùng chữ "of" thay cho chữ "của". TS Hoàng Anh cho rằng, việc lạm dụng thứ ngôn ngữ này quả là một điều nguy hiểm, khi mà thứ tiếng "lai căng" này được đưa vào các ngôn ngữ chính thức như một thói quen vô thức của các bạn trẻ.