Teen và "của chung"

Mực Tím, Theo 00:01 12/04/2011

"Cha chung không ai khóc” - một bộ phận teen đang sống và hành động cực kỳ thiếu trách nhiệm với những gì thuộc về của chung.

Bạc đãi của công

Ghế đá công viên thì chân còn chân mất. Cây cành bị khắc đầy vào thân, tệ hơn là bẻ trụi. Các tượng điêu khắc trưng bày bị… vặt cho gãy tay hay tô vẽ linh tinh. Đèn chiếu sáng trang trí bị bắn bể. Các sảnh hành lang toàn là bã kẹo cao su. Buồng điện thoại công cộng thì đổ nát. Các công viên cỏ bị giẫm nát, rác đầy sau một cuộc vui tụ tập nhóm. Và các bức tường bị sơn phết, in xịt lên đủ thứ quảng cáo. 

Nhìn một bộ mặt thành phố nhếch nhác như thế, bạn liệu có cảm thấy xót xa? 

Chúng mình thường xuýt xoa khi nhìn thành phố bạn với những con đường sạch sẽ, cảnh quan xinh đẹp và thầm ghen tị lẫn ước ao. Vậy thì sao không bắt đầu nâng niu những gì bạn đang có, vì thành phố này không phải là của chung mà chính là của bạn đấy!

Những lưu bút tình yêu

Dành một buổi chiều ngồi ngay Hồ Con Rùa, bạn có thể liệt kê hàng lô lốc những kỉ niệm tình yêu của anh A chị B nào đó. “Ngày x, y, z, đã đến đây và…thề yêu nhau mãi mãi”, “Bên nhau suốt đời”, “Vợ iu chồng nhiều lắm…”. T. Nam (SV ĐH KT) kể: “Nhiều hôm ra đây ngồi nhìn mà…ngứa mắt. Nghe nói có vài đợt sinh viên tình nguyện đi cọ rửa, nhưng thường thì mọi thứ cũng đâu vô đó lại thôi.

Và chẳng đi đâu xa xôi, có thể ngay trên chính mặt bàn bạn ngồi không thiếu những câu cú “Mình là X, số điện thoại 090…, rất mong được làm quen với bạn nữa nào ngồi ở đây”, hoặc “M ơi, anh nhớ em lắm!”, kèm thêm vài trái tim cắm mũi tên rỉ máu 

.

Chuyện những cuốn sách…

Các thư viện sách là một trong những nơi bị cư xử “luật rừng” nhất. Bạn đừng nghĩ rằng sẽ không có chuyện gì vì tất cả được kiểm soát bởi thẻ, giấy ghi mượn hay đại loại thế. Vì thường những kệ sách ngăn nắp trong thư viện trường hay các thư viện chung đều chỉ tăm tắp, đầy đủ vào những ngày đầu. Sau một khoảng thời gian, đa phần tất cả chỉ còn là những ngăn xộc xệch, loe ngoe sách. Và sẽ không thiếu những trường hợp bạn toát mồ hôi vì phải tìm một đầu sách vốn không được sắp xếp lại đúng chỗ, không…còn tồn tại, hoặc thiếu đầu thiếu đuôi. M.Ngọc (17 tuổi, Tân Bình) than thở: “Những ngày gần thi, tớ vào thư viện tìm tài liệu, đang hí hoáy chép vào tập, lật sang trang sau mới thấy bị…xé mất nửa trang. Chưa kể những ghi chép nhăng nhít, bậy bạ, những hình vẽ nguệch ngoạc vô cùng mất ý thức...

Đọc và trả sách về chỗ cũ một cách đàng hoàng, vì bạn và những người đến sau bạn nữa, teen nhé!

Đánh cắp vặt

Nói rõ trước là những nhân vật ăn cắp vặt không phải vì thiếu thốn, mà đa phần lại xuất thân từ gia đình khá giả, ba mẹ lo cho đầy đủ không thiếu gì. Hành động này xảy ra khắp mọi nơi, từ cửa hàng, nhà sách, siêu thị, thậm chí còn trên cả máy bay, tàu lửa, miễn là thoát khỏi tầm quan sát của người khác. Và những món hàng không phải là đắt tiền, có khi chỉ là một thỏi kẹo hay một cây bút bi. Vì cái được ở đây không phải là giá trị món hàng, mà là cảm giác… ăn trộm.

“Chuyên nghiệp” ở chỗ, chuyện đi săn hàng không còn là đơn độc mà thường là một… hội nhóm, vừa có người canh giữ, vừa có thể khoe chiến tích và tán thưởng nhau. H. Tuấn (15 tuổi, Gò Vấp) - một anh chàng chuyên đi săn hàng vặt chia sẻ: "Không cần phải nhìn trước ngó sau dễ bị chú ý, bạn chỉ cần quan sát một lượt, đi thẳng tới, và… cho vào túi. Sau đó, đứng nấn ná lại một chút, đi vài vòng, và thoát. Cư xử tự nhiên, bình thản và tỉnh bơ chính là bí quyết đấy!”. Thế nếu bị bắt thì sao? “Có sao, chẳng ai bỏ tù mình chỉ vì một cây kẹo. Cùng lắm thì bỏ tiền đền gấp hai, gấp ba là xong. Cảm giác phiêu lưu thú vị lắm!

Bạn có rất nhiều thú vui tiêu khiển, nhưng xin đừng vui bằng việc lấy cắp đi một món hàng, vì như thế cũng đồng nghĩa danh dự bạn bị cắp đi.

Đến những mánh khóe tặng phẩm

Thật không khó để nhận thấy trong một đám đông đứng xếp hàng nhận tặng phẩm (nếu thật sự là có xếp hàng), sẽ có những cô nàng/anh chàng ăn mặc cực kỳ sành điệu, xinh tươi nhưng sẵn sàng… quay trở lại hàng để nhận thêm một phần tặng phẩm nữa. Những người khác thấy rằng làm thế có lợi hơn, thế là cũng tiếp tục hành trình lấy quà, xuống xếp hàng lại, lấy lần hai…

Không ít lần cũng chính bạn là nạn nhân khi đến trễ trong một sự kiện và kết quả là phần quà của bạn đã bị người khác “nhón” đi mất. Do đó, thường không ai bảo ai, mọi người tranh thủ đến sớm nhất có thể, chen lấn, giành giật để không thiệt phần mình. Và khi bạn nhận gấp đôi, sẽ đồng nghĩa với một người khác ra về tay trắng. Nếu bạn muốn được công bằng, hãy tự mình tạo ra công bằng trước đã, phải không?

Hãy nhớ rằng, “của chung”, cũng có nghĩa là “một phần là của bạn”. Sống văn minh cùng mọi người, teen nhé!