Teen đang đánh mất mình?

Mực Tím, Theo 10:41 14/05/2010

Nhiều teen đang biến chính cuộc sống này thành một sân khấu lớn để tự mình “nhập vai”.

Những vở kịch tự biên tự diễn

Đó là H (lớp 11, trường LQĐ, Vũng Tàu) luôn đến lớp với chiếc túi đầy bánh kẹo và nhiều dụng cụ học tập sẵn sàng chia sẻ với các bạn. Sau giờ học là những lời mời rủ rê mọi người tung tăng quán kem hay túm tụm hát hò tại nhà. Ai cũng quý mến cô bạn tốt bụng và cực kì thân thiện này.
 

Trong mắt mọi người, T.C (lớp 12, trường T.Đ, Q. Tân Phú) thực sự là Mr. Hoàn Hảo, vừa đẹp trai, vui tính lại tài năng và tự lập. Qua những note anh chàng tự viết về mình trên Facebook, ai cũng ấn tượng với một người vừa đi học vừa “làm stylist và viết bài cho hàng chục tờ báo lớn nhỏ”. Những bức hình chụp T.C đi từ thiện “trưng” đầy Facebook càng làm mọi người trầm trồ khen ngợi một “hot boy” biết sống vì mọi người.

Còn P.T (lớp 12, trường SĐ, Đồng Tháp) lại đóng rất đạt vai “con nhà nghèo”. Dè dặt trong chi tiêu, quần áo cũ kĩ, P.T còn hay than thở với bạn bè về hoàn cảnh gia đình. Các bạn rất cảm động, lúc thì góp tiền mua thuốc giúp, lúc lại giới thiệu T nhận học bổng cho teen vượt khó trong trường. T còn hay tỏ vẻ “ngu ngơ” và “chậm hiểu”, để được “độc lập tác chiến” trong những giờ kiểm tra.

Khi vở kịch hạ màn

“Cảnh cuối” là một ngày tụ tập ăn bánh flan ở nhà H. Một bạn vô tình thấy H chống tay hét vào mặt cô giúp việc đứng tuổi: “Một tháng, bà ăn bao nhiêu tiền lương của mẹ tôi? Có cái váy cũng giặt không xong”. Các bạn lại được một phen hoảng hốt khi vô tình đọc được vài dòng nhật kí mà H chưa kịp cất đi: “ Nhỏ V mặc cái áo thời “tiền sử” nhìn nực cười quá, anh P từ chối Q là đúng rồi, xấu thế mà...” Ai cũng giật mình trước một cái “tôi” quá ích kỉ, nấp sau hình ảnh một cô bạn dễ thương như thiên thần.

Bạn bè thực sự choáng khi biết T.C “tự lập” bằng cách ngửa tay xin tiền N, người chị họ kết nghĩa. Những lí do “thiếu tiền làm show từ thiện, mua quà cho gia đình...” được T.C đưa ra để sau đó tha về hàng chục bộ cánh đắt tiền, hoặc dắt người yêu tung tăng những nơi sang trọng. Dần dần, mọi người cũng phát hiện ra những lần đi từ thiện cũng như món trang sức T.C đang cố đắp lên người, khi một người bạn trông thấy C nhăn mặt phủi lấy phủi để cái áo sơ mi sau khi bế một đứa bé mồ côi.

Còn “cô bé lọ lem” P.T lại “lột xác” trong một bữa tiệc đám cưới, với váy hồng thắt nơ và trang sức đắt tiền, tự tin cầm mic biểu diễn chứ không nhút nhát như trên lớp. Cô bạn nhận được gần chục học bổng vượt khó của lớp đang nhảy nhót rất “nghề” trên sân khấu. Hỏi thăm mới biết, T. tỏ ra khó khăn để khỏi ai xin xỏ, giả vờ học yếu để khỏi bị mấy bạn “làm phiền”. Và hát cho lớp thì không có cát - xê như trong tiệc đám cưới, nên T cứ giả vờ nhút nhát sợ đám đông để từ chối tham gia.

Chuyện buồn hậu trường

Đằng sau những vai diễn vụng về, là những tâm hồn rất cô đơn. Chính sự ích kỉ đã tự đẩy H ra khỏi đám bạn thân hồi cấp 2, nên giờ cô bạn ra sức tỏ ra “thân thiện” để lấy lòng mọi người. Khi mọi chuyện “lộ tẩy”, H càng thấy lạc lõng hơn. Lẽ ra, nếu đi cùng với vẻ ngoài thân thiện là sự chân thành thật sự, H đã không phải đóng bất cứ vai gì mà vẫn có nhiều người bạn tốt.

Còn cuộc sống của T.C ngay từ khi chưa bị “phát giác” đã không mấy thú vị. Ai cũng chỉ nhìn vào vẻ hào nhoáng bên ngoài mà vô tình quên mất những tâm sự bên trong của C. Không có ai để T.C chia sẻ những vấn đề khó khăn trong cuộc sống. P.T thì lại không có “đất” để thể hiện cá tính, giọng hát và gu thẩm mĩ của mình. Lúc nào cô bạn cũng lầm lũi như cái bóng.

Những chiếc mặt nạ như một “hàng rào phòng thủ”, đẩy những ai quan tâm đến cá tính thật, con người thật của teen ra xa. Đóng kịch quá lâu, phải chăng teen đang tự đánh mất mình?

Thạc sĩ tâm lí Nguyễn Thị Mỹ Linh, nguyên phó ban nghiên cứu tâm lí và giáo dục, Viện nghiên cứu và phát triển TP.HCM:

Chuyện người trẻ sống giả, cụ thể là teen có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân môi trường sống chi phối nhiều hơn cả. Thực ra chuyện “đắp đê tâm hồn” không chỉ ở teen mà người lớn cũng có. Nhiều khi môi trường làm việc không hài lòng nhưng vì lí do nào đó họ sống giả để chiều lòng số đông, nhưng trong thâm tâm họ lại có cuộc sống khác.

Việc sống giả, cô đơn trong thế giới của mình không phải hoàn toàn sai nhưng nếu cảm thấy môi trường không phù hợp hay có điều gì trở ngại thì nên mạnh dạn trao đổi với những người xung quanh. Tự ôm khó khăn, ức chế đến một lúc vỡ òa, đặc biệt là với người trẻ dễ dẫn đến những việc làm tiêu cực.