Tác giả cuốn sách hướng dẫn "bôi dầu ăn lên mặt" để dưỡng da nói gì?

Thuỳ Dung, Theo Trí Thức Trẻ 15:19 02/02/2016

Hương Thuỷ - một trong hai tác giả của cuốn sách dưỡng da với nhiều thông tin gây tranh cãi vừa qua đã lên tiếng trước những tranh cãi của độc giả.

Ngày hôm qua, thông tin về một cuốn sách hướng dẫn cách chăm sóc da vừa mới ra mắt có những bí quyết gây tranh cãi đã khiến dân mạng rất chú ý. Trong đó đặc biệt phải kể đến việc khuyên độc giả dùng đường và dầu ăn để dưỡng da - vấn đề thu hút sự bình luận nhiều nhất từ mọi người. 

Sau khi được một độc giả có tên là L.Q phản hồi và chỉ ra những điểm "sai lầm trầm trọng"  này, không ít người đã quan tâm đến cuốn sách này và tò mò xem tác giả sẽ nói gì về những điều gây tranh cãi? Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện với hai tác giả để trả lời những thắc mắc này.

Tác giả cuốn sách hướng dẫn bôi dầu ăn lên mặt để dưỡng da nói gì? - Ảnh 1.

 Thư Đỗ và Hương Thuỷ (từ trái qua) - đồng tác giả của cuốn sách đang gây tranh cãi.

Thông tin tác giả:

Đỗ Anh Thư (1987)

Hiện quản lý phòng nghiên cứu tư nhân về mỹ phẩm và làm đẹp tại Việt Nam. 

Đã từng xuất bản sách: Tự làm mỹ phẩm (2014)

Phạm Hương Thuỷ (1989)

Biên tập viên mục Làm đẹp của Tạp chí Đẹp từ năm 2011, đồng thời là chủ blog làm đẹp mang tên Óng Ánh.

Là tác giả của cuốn sách viết về những cách để dưỡng da, nghĩa là không chỉ có tác động đến vẻ ngoài mà cả sức khoẻ của độc giả nữa, các bạn thấy thế nào khi nhũng bí quyết đưa ra đang gây tranh cãi?

Ngay từ phần Lời nói đầu, chúng tôi đã khẳng định cuốn sách không phải một công trình khoa học mà chỉ chia sẻ những kiến thức và bí quyết chúng tôi tìm hiểu được và áp dụng trong hành trình làm đẹp của bản thân.

Cũng là điều hoàn toàn bình thường khi có những ý kiến/ bí quyết khác trái chiều với chúng tôi. Bởi mỗi chúng ta có một cơ địa khác nhau, làn da cũng có những đặc thù riêng, nên khi sử dụng bất kỳ loại mỹ phẩm nào, chúng ta cũng phải lắng nghe làn da của mình và quan sát những thay đổi nhỏ nhất để điều chỉnh cho phù hợp. 

Vì vậy, mọi phản hồi, góp ý chân thành của bạn đọc chúng tôi đều hết sức trân trọng và coi đó như một nguồn thông tin tham khảo để hoàn thiện hơn nữa các kiến thức của mình.

Tác giả cuốn sách hướng dẫn bôi dầu ăn lên mặt để dưỡng da nói gì? - Ảnh 3.

Tác giả cuốn sách hướng dẫn bôi dầu ăn lên mặt để dưỡng da nói gì? - Ảnh 4.

Tác giả cuốn sách hướng dẫn bôi dầu ăn lên mặt để dưỡng da nói gì? - Ảnh 5.

 Theo mục lục, trong sách nói đến rất nhiều vấn đề về da, các hiểu lầm về mỹ phẩm, các thành phần nên và không nên dùng cho từng vấn đề da, các lựa chọn mỹ phẩm từ giá thấp đến giá cao trên thị trường... chứ không chỉ có các biện pháp dưỡng da 0 đồng.

L.Q cũng như nhiều người khác, trong đó có cả chuyên gia trong ngành cho rằng cách dưỡng da bằng dầu ăn như trong cuốn sách là sai lầm, các bạn nói gì về điều này? 

Dưỡng ẩm cũng là một phần của dưỡng da, và tạo một lớp màng ngăn thoát nước cho da là một cơ chế dưỡng ẩm. Các loại dầu có thể làm được việc này.

Trong cuốn sách Cosmetics Dermatology của bà Leslie Baumann xuất bản năm 2009 có nói đến nghiên cứu sử dụng dầu hướng dương như một biện pháp dưỡng ẩm giá rẻ, hiệu quả tại các nước đang phát triển, vì đây là một loại dầu dễ kiếm ở các nước này.

Bà Karuna Chinthanom, Tổng biên tập Tạp chí Innolab, một tạp chí song ngữ Thái – Anh chuyên cung cấp thông tin về nghiên cứu phát triển chất lượng, tiêu chuẩn an toàn và môi trường cho các ngành công nghiệp thì cho rằng: "Dầu ăn có thể bảo vệ da khỏi sự khô nẻ trong thời gian ngắn, miễn dầu đó chưa được đun nấu."

Bác sỹ Nguyễn Minh Quang, phó giám đốc bệnh viện Da liễu Hà Nội cũng đã chia sẻ với chúng tôi: "Mình dùng trong trường hợp không có mỹ phẩm dưỡng ẩm thôi. Đã là dầu mỡ thì bao giờ cũng thế, có thể giữ ẩm được."

Trong cuốn sách, chúng tôi không đề cập rằng các nguyên liệu dưỡng da trong bếp có thể thay thế hoàn toàn cho mỹ phẩm. Phần "Biện pháp 0 đồng", chúng tôi hướng đến những chị em phụ nữ ít có điều kiện dùng mỹ phẩm hoặc trong những trường hợp bạn cần dưỡng da mà không có mỹ phẩm bên cạnh.

Tác giả cuốn sách hướng dẫn bôi dầu ăn lên mặt để dưỡng da nói gì? - Ảnh 6.

 Hưỡng dẫn dưỡng da bằng dầu ăn.

Bí quyết này các bạn đã tìm hiểu được ở đâu? Bản thân các bạn đã thử nghiệm bao giờ chưa?

Trước khi viết cuốn sách, chúng tôi đã tham khảo nhiều nguồn tư liệu đáng tin cậy. Chẳng hạn như bài viết có trích lời bà Deborah Niemann, tác giả cuốn sách Ecothrifty: Cheaper, Greener Choices for a Happier, Healthier Life: "Không cần phải nhìn đâu xa ngoài căn bếp của bạn. Chính những loại dầu bạn dùng để chế biến thực phẩm lại là những chất dưỡng ẩm tốt nhất cho da khô […]." Và dĩ nhiên bản thân chúng tôi cũng đã thử nghiệm phương pháp này nhiều lần.

Ngoài ra, hẳn các bạn cũng biết Beauty foods - đưa thực phẩm vào mỹ phẩm – đang là xu hướng nổi trội của ngành công nghiệp mỹ phẩm toàn thế giới. Theo nhiều tài liệu thống kê, ranh giới giữa đồ ăn được và đồ làm đẹp được ngày một mờ nhạt dần. Các nhà sản xuất nguyên liệu thực phẩm cũng đã hướng đến việc cung cấp hàng hóa cho các công ty sản xuất mỹ phẩm. Tháng 11 – 2015, cả hai chúng tôi đã tham gia chuỗi hội thảo In-cosmetics Asia tổ chức ở Bangkok, Thái Lan, và được tiếp cận với những thông tin này. Về xu hướng đưa thực phẩm vào mỹ phẩm, bạn có thể xem thêm thông tin ở các nguồn: Tạp chí Essence, trang in-cosmetics.com, trang organicmonitor.com.

Tác giả cuốn sách hướng dẫn bôi dầu ăn lên mặt để dưỡng da nói gì? - Ảnh 7.

Tác giả cuốn sách hướng dẫn bôi dầu ăn lên mặt để dưỡng da nói gì? - Ảnh 8.

 Một số hình ảnh trong sách.

Cách tẩy da bằng olive cùng đường và mật ong trên thực tế cũng đã có người làm theo, nhiều blogger cũng hướng dẫn làm, nhưng L.Q vẫn bảo là sai, các bạn sẽ giải thích thế nào?

Trong công thức nêu trên, đường ở dạng hạt có thể làm bong các tế bào chết trên da, mật ong có tính kháng khuẩn, dầu olive có khả năng dưỡng ẩm và làm mềm. Như bạn có nói, nhiều người làm theo, nhiều blogger chia sẻ, nhưng có một số chị em cảm thấy không phù hợp với bản thân. Đây cũng là điều dễ xảy ra, vì một số phương pháp làm đẹp có thể phù hợp với người này nhưng không phù hợp với người kia. Chính vì thế nên mới có rất nhiều phương pháp làm đẹp khác nhau ra đời.

Trong biện pháp dưỡng da 0 đồng, có nhắc đến "Dầu Olive hay dầu ăn bất kỳ ở nhà bạn", có sự khác nhau nào giữa tác dụng của dầu olive và dầu ăn không? Dầu ăn có được hiểu là dầu ở trong bếp?

Dầu ăn là các loại dầu đạt tiêu chuẩn thực phẩm và dùng để chế biến món ăn. Còn dầu olive là tên một loại dầu, nó có thể đạt tiêu chuẩn thực phẩm hoặc một số tiêu chuẩn khác.

Dầu ăn chúng tôi nói đến là dầu ăn trong bếp. Tất nhiên đó là dầu thực vật chưa dùng để chế biến món ăn. Và bạn cũng nên cân nhắc chất lượng của dầu ăn bạn mua nữa. Nếu bạn thấy nó không đủ an toàn để ăn thì không nên bôi lên da.

Tác giả cuốn sách hướng dẫn bôi dầu ăn lên mặt để dưỡng da nói gì? - Ảnh 9.

Những kiến thức và bí quyết được đưa vào sách của hai bạn được tập hợp từ những đâu?

Trong phần lời nói đầu, trang 16 của cuốn sách, chúng tôi có nói rõ về điều này:

"Dưỡng da trọn gói được viết nhờ sự dẫn đường của những cuốn sách về chăm sóc da và mỹ phẩm ra đời trước nó. Những cuốn sách đó là:

- The Original Beauty Bible, tác giả Paula Begoun

- Cosmetic Dermatology, tác giả Leslie Baumann

- The Skin Type Solution, tác giả Leslie Baumann

- Milady Skincare and Cosmetic Ingredients Dictionary, tác giả M.Varinia Michalun và Joseph C.Dinardo

- Skin Care Beyond the Basics, tác giả Mark Lees

Với tất cả sự cảm kích mà chúng tôi dành cho những cuốn sách và những tác giả sách, Dưỡng da trọn gói không phải là một bản dịch từ bất cứ cuốn sách nào. Dưỡng da trọn gói cũng là một bài tập lớn của chúng tôi – Thư và Thuỷ - những "sinh viên tự học", qua 6 năm Thư tìm hiểu về cấu tạo của da, của mỹ phẩm và cách sản xuất mỹ phẩm, qua 5 năm Thuỷ gắn bó với "các sản phẩm chăm sóc da trên thế gian này" với tư cách của một biên tập viên mảng làm đẹp."

Tác giả cuốn sách hướng dẫn bôi dầu ăn lên mặt để dưỡng da nói gì? - Ảnh 10.

Về chuyện mọi người bức xúc cho rằng cần thu hồi sách, các bạn nghĩ sao?

Về vấn đề này, chúng tôi có tham khảo ý kiến của phía xuất bản là công ty Nhã Nam, và phía Nhã Nam cũng cho biết: một xuất bản phẩm chỉ bị thu hồi nếu vi phạm một trong những nội dung và hành vi được quy định tại điều 10, Luật Xuất bản 2012. Những tranh cãi xung quanh nội dung Dưỡng da trọn gói hiện nay thuộc về vấn đề quan điểm của mỗi độc giả, mỗi người sử dụng, nên không có lý do gì để cuốn sách bị thu hồi cả.

Thư Đỗ đã phản biện rằng: "Viết một văn bản dài và dành ra quá nhiều thời gian đọc lướt, chính vì lướt nên nhiều khi nó sai vớ vẩn lắm". Các bạn thấy sao về lời giải thích này khi những lỗi sai đó sẽ có tác động tới gương mặt, sức khoẻ của người đọc?

Khi viết status đó, Thư không có mục đích phản biện. Việc "đọc lướt" mà Thư nhắc đến trên facebook cá nhân là việc đọc morat (soát lỗi chính tả và lỗi trình bày). Trong quá trình thực hiện cuốn sách, chúng tôi đã đọc rất nhiều lần, gần như thành thuộc lòng, thành ra chính mắt mình tự động bỏ qua một số lỗi chính tả, lỗi trình bày mà ngay khi có các góp ý từ phía độc giả chúng tôi đã xem xét lại kỹ, chúng tôi thực lòng cảm ơn các phản hồi quý báu đó.

Cảm ơn những chia sẻ của hai bạn!