Những cách giúp teen tránh bạo lực học đường

Huyền Trang, Theo 00:01 05/12/2010

Thời gian đi học khó có ai luôn hài hòa với mọi người mà không xảy ra xích mích gì. Đôi khi, còn gặp phải những tay “anh chị” hung tợn. Thế nên, hãy “sắm” cho mình những cách xử lí, tránh điều đáng tiếc xảy ra nhé.

Đừng hỏi tại sao mình... bị ghét (!) 

Không hẳn cứ phải làm gì sai trái hay gây hấn với người khác thì người ta mới không thích bạn. Thỉnh thoảng, có những lí do hết sức buồn cười kiểu: “Bỗng dưng thấy ghét”. Đó cũng là một trong những chuyện “họa vô đơn chí” mà nhiều bạn vô tình gặp phải. 

Thế nhưng phổ biến nhất để có thể dẫn đến đánh nhau là những chuyện nhạy cảm như: tình cảm, hiểu lầm, tranh giành, nói xấu... Và tất nhiên, nếu không biết cách xử lí khéo léo, bạn sẽ trở thành người “no đòn” hoặc sống trong sự lo lắng kéo dài, chưa biết đến bao giờ sẽ dứt. 

Câu chuyện về những cô bạn, cậu bạn hot teen... bỗng dưng bị ghét cũng thường giống như vậy. Đôi khi, chỉ cần bạn nổi bật, có điều kiện tốt hơn người khác cũng dễ khiến bạn vướng phải rắc rối nếu không biết cách cư xử cho phù hợp. Còn những chuyện khoe mẽ hay thích đem chuyện người khác để bàn tán, nhận xét, thì... bị ghét là đương nhiên. 

Không chỉ thế, trong cuộc sống, bạn rất khó để làm hài lòng tất cả mọi người. Vì thế, đừng nên chăm chăm cho mình câu hỏi: “vì sao bị ghét”. Tốt nhất là khi cảm thấy người khác không hài lòng, bạn nên tránh đụng chạm, hạn chế va chạm sẽ giúp bạn “bớt” gặp những rắc rối hơn. 


Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Im lặng vẫn là vàng

Tất nhiên, trước khi bạn bị ghét đến độ có thể bị “xử đẹp” thì những cuộc cãi vã thường xảy ra với tần suất liên tục. Thậm chí bạn chẳng cần đụng chạm, người ta cũng có thể đến tìm và kiếm chuyện “chọc điên” mình. Việc một người thọc ngang, một người đâm dọc, chỉ khiến cho mọi chuyện xấu hơn. Thậm chí chuyện bạn cho rằng mình cố gắng bảo vệ bản thân thì việc đôi co lại như vậy là không phải cách. 

Đừng nghĩ rằng mình im lặng là mình thiệt thòi, bởi “một điều nhịn là chín điều lành”. Nhất là trong khi đối thủ đang muốn tìm cớ gây sự. Lời ra, tiếng vào sẽ rất dễ dẫn đến chuyện “đòn oan”. Ngay cả khi bạn muốn giải thích để tránh hiểu lầm. Cũng không nên “tò tò” mang ra nói khi “bên kia” đang muốn kiếm chuyện. 

Tốt nhất, nếu muốn giải thích, bạn nên viết thư hay hẹn nói chuyện và luôn ở thế dưới. Bởi điều bạn cần là người kia lắng nghe để hiểu. Nếu lúc nào cũng nói chuyện “như sếp người ta”, thì dù là bạn có lí lẽ, người khác cũng... khó mà lọt tai. Lúc đó, thù thêm thù, oán thêm oán, người ta cũng chẳng thèm quan tâm đến đúng sai gì nữa. 

Đừng nghĩ đến chuyện tìm người để “đánh giúp”... 

Nhiều bạn chọn cách “lấy oán trả oán, lấy ân trả ân”, hay khi bị người khác hù dọa thì tìm ngay người khác để “đánh dằn mặt giúp mình”. Thế nhưng đây không những không phải cách hay mà còn là  một cách thức rất tệ. Bởi việc đó sẽ khiến bạn nghiễm nhiên trở thành người có lỗi, hay ít nhất là bên kia cũng không có sai gì khi đánh trả lại bạn. 

Không chỉ thế, khi lạc trong vòng tròn luẩn quẩn của việc đánh qua đánh lại thì bạn chẳng bao giờ thoát ra được. Đó là chưa nói đến, lúc những sự việc phức tạp hơn xảy ra, khó lòng tránh được những chuyện xui rủi chẳng ai nghĩ đến. Lúc đó, ân hận cũng không còn kịp. 

Nhiều bạn cứ ỉ  i, đã tức lên thì thích “ăn miếng trả miếng”. Thế nhưng như vậy, chỉ khiến bạn chứng tỏ được rằng mình cũng chẳng hơn gì bên kia và... xứng đáng để ăn đòn. Ngay cả khi bạn tự tin rằng mình có người “bảo kê” giúp thì đâu phải họ lúc nào cũng kè kè đi bên bạn. Và tất nhiên, trong thời gian đó, bạn cũng phải sống trong sự nơm nớp lo sợ. 

Nên nhờ người lớn can thiệp 

Đừng lo lắng người lớn sẽ ầm ầm giận dữ hay la mắng khi biết bạn có xích mích. Thậm chí, vẫn cần nói khi trường hợp xấu nhất đã xảy ra. Việc giấu giếm của bạn chỉ khiến sự việc kéo dài mà kết quả cuối cùng cũng chỉ có người lớn mới giúp bạn giải quyết được. Nếu không có thói quen chia sẻ với phụ huynh, bạn có thể chia sẻ với thầy cô hay ít nhất cũng là người thân trong gia đình mình. Đừng cố đứng ra giải quyết những việc như vậy hay cố giấu vì bị hù dọa. Một khi bạn còn ôm những chuyện này thì bạn khó có thể giải quyết nó êm xuôi. 

Đừng sợ người khác nói rằng bạn “núp sau bóng gia đình”. Những lời như vậy chỉ mang tiếng khích bác. Nhất ở độ tuổi đi học, thử hỏi có mấy ai không sống dưới bóng gia đình? Những chuyện gây hấn với nhau hay bị người khác “lăm le”, ghét bỏ thậm chí hù dọa rất mệt mỏi. Thế nên, đừng quá vô tư trong cách cư xử và khi gặp rắc rối hãy báo ngay cho người lớn xin giúp đỡ nhé.