Lee Kerby và "Diễm xưa"
Một anh chàng vô cùng thân thiện
Được biết Lee đang ở Hà Nội ít ngày trước khi bay vào thành phố Hồ Chí Minh, chúng tớ đã liên lạc với anh. Anh nói sẽ xếp lịch, rồi rất bất ngờ, anh gọi lại: “Hiện tại tôi đang luyện tập một vài bài hát mới, bạn có muốn giúp tôi không?”, và thế là chúng tớ gặp nhau, chỉ nửa tiếng sau đó.
Những câu chuyện về đời sống, về nghề nghiệp của Lee đã được kể lại nhiều lần trên các báo, nên cuộc nói chuyện của chúng tôi dường như không hề giống một cuộc phỏng vấn, mà đúng hơn là cuộc gặp gỡ của những người bạn. Lee đến, rất giản dị, cầm theo chiếc đàn ghita mà hầu như lúc nào anh cũng mang bên mình và một nụ cười tươi rạng rỡ.
Lee cho biết anh trở lại Hà Nội cũng đã được vài ngày. Hiện anh đang ở tại một khách sạn gần hồ Hoàn Kiếm, và thực sự thích không khí nơi đây. Cuối tuần tới, anh sẽ có một show diễn nhỏ cùng những người bạn tại thành phố Hồ Chí Minh, anh dừng lại Hà Nội lần này chỉ để học tiếng Việt thôi.
Được biết, trước đây Lee đã từng là cầu thủ cho đội Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã hỏi bây giờ anh còn chơi bóng nữa không, Lee cười lớn: “Ồ không, bây giờ Lee không chơi bóng nữa. Bạn xem này, giờ tôi đã lên cân rồi đấy.”
Trong vòng hơn hai tiếng đồng hồ, chúng tớ đã nói rất nhiều chuyện, đủ chuyện trên trời dưới biển như những người bạn lâu ngày gặp lại, dù đây mới chỉ là lần đầu gặp mặt.
“Tôi rất yêu Việt Nam”
Công việc hiện tại của Lee Kirby dường như không mấy liên quan đến âm nhạc. Sinh ra và lớn lên tại London, anh hiện là giám đốc điều hành trường tư thục Ashbourne. Đây là ngôi trường thuộc sở hữu của ba anh - một tiến sĩ vật lý người Canada. Mẹ Lee là người Anh lai Italia, là giáo viên văn học Anh.
Đất nước Việt Nam có một sức hút kì lạ với Lee
Lee học tiếng Việt đã được 7 năm, blog của anh được viết bằng tiếng Anh và cả tiếng Việt, với sự giúp đỡ của một số người bạn Việt Nam. “Cô giáo dạy tiếng Việt của tôi rất dễ thương, và tôi vẫn học 3 đến 4 giờ đồng hồ một ngày.” Thế nhưng Lee cho biết học tiếng Việt “khó lắm”, và anh gặp khá nhiều khó khăn với ngữ điệu nói của người Việt. Câu chuyện học tiếng Việt của Lee cũng có rất nhiều chuyện buồn cười. Ví dụ như việc vì Lee luôn muốn thử tất cả các loại món ăn khi đến Việt Nam, vì thế anh ăn rất nhiều. Các bạn anh gọi đùa anh là “con heo”, và đó cũng là nickname tiếng Việt của Lee”. Nhưng sau đó, trong quá trình học tiếng Việt, cô giáo đã giải thích về các nghĩa của từ “con heo”. Hóa ra từ “con heo” trong tiếng Việt còn có một số nghĩa khác không hay ho tí nào.” Cô giáo dạy tiếng Việt của Lee tên là Thảo, ngày đầu tiên học, Lee đã hỏi: “ Thế từ "teacher" trong tiếng Việt nói là gì?”. Ngay sau đó, vì gọi cô giáo của mình là “cô giáo Thảo”, Lee đã bị cô giáo giận khá lâu mà hoàn toàn không biết lý do là gì. “Tiếng Việt đúng là một trong những ngôn ngữ khó nhất trên thế giới này.”
Lee rất yêu Hà Nội, đặc biệt là khu phố cổ, hồ Hoàn Kiếm và hồ Tây. Cùng cây đàn ghita của mình, anh thường xuyên đi dạo quanh hồ Hoàn Kiếm, hát và gặp những người bạn mới. “Những bạn trẻ ở Hà Nội rất thân thiện. Cây đàn ghita này đã giúp chúng tôi kết nối lại với nhau. Có những bạn biết chơi guitar, thì chúng tôi đổi đàn và có thể hát cả buổi chiều. Có những bạn khác chỉ yên lặng lắng nghe. Đặc biệt, có một số bạn trẻ thì rất muốn luyện tập nói tiếng Anh với người nước ngoài, nên đã lại gần bắt chuyện với tôi. Các bạn ấy nói: “Xin chào. Bạn từ đâu đến? Tôi là… Gia đình tôi có….”. Tôi rất vui lòng được nói chuyện bằng tiếng Anh với các bạn ấy, nhưng có nhiều bạn dường như chỉ muốn luyện tập tiếng Anh chứ không muốn kết bạn.”
Lee ăn bánh cuốn và sử dụng đũa rất thành thạo. Anh cười: “Bạn có tin không, ngay cả khi ở London thì cũng rất ít khi tôi ăn đồ ăn của Anh. Tôi thích đồ ăn Việt Nam lắm, nhưng cũng tùy phải là ai nấu nữa..
Hãy đi dạo quanh hồ Hoàn Kiếm vào một buổi chiều, rất có thể bạn sẽ gặp Lee và được nghe anh hát
Khi được hỏi anh nghĩ gì về việc giới trẻ Hà Nội hiện nay đang có xu hướng muốn bộc lộ bản thân nhiều hơn, với những màn biểu diễn flash mob và nghệ thuật đường phố, nhưng lại thiếu sự tổ chức chuyên nghiệp nên còn gây nên nhiều lộn xộn, Lee nói: “Đất nước các bạn đang ở giữa hai tình thế, vừa muốn đổi mới cho phù hợp với thế giới, nhưng cũng vừa muốn giữ lại nền văn hóa lâu đời. Đặc biệt là chính quyền và những người lớn tuổi thường muốn lưu giữ hơn, trong khi những người trẻ, họ tiếp xúc với Internet hàng ngày nên suy nghĩ thoáng và mới hơn, nên tình trạng càng khó khăn hơn. Các bạn tuổi teen, họ đang ở độ tuổi rất trẻ, chỉ khoảng 14 hay 15 tuổi thôi, nên có nhiều điều họ còn không hiểu rõ. Chính vì thế mà các bạn ấy mới gây nên một số sự lộn xộn.”
Lee bảo anh cũng thấy một điều rất lạ ở các bạn trẻ Việt Nam. Họ dành nhiều thời gian trên Internet và thường ít gặp mặt nhau. Họ hay nói chuyện bằng cách chat hay Facebook, thay vì gặp mặt trực tiếp. “Với những người bạn thân, khi tôi không thể gặp mặt, thì thường tôi luôn luôn gọi điện chứ không bao giờ sử dụng email hay Facebook. Các bạn người Việt thường rất thích gặp mặt qua Internet, có lẽ đó là một sự khác biệt chăng?”
Mê mẩn nhạc Việt
Tính đến bây giờ, Lee đã hát khoảng gần 15 bài hát bằng tiếng Việt. Lee cho biết có những bài hát nghe một lần là anh thích ngay lập tức,như bài “Quê nhà”, có những bài anh phải nghe rất nhiều lần mới hiểu được hết, từ đó mới thích, như bài “Em ơi Hà Nội phố”. Khi thích một bài hát rồi, anh sẽ tìm hiểu thật kĩ ý nghĩa của bài hát ấy, từng câu từng chữ, để khi hát có thể bộc lộ được hết cảm xúc. Lee không giỏi nói tiếng Việt cho lắm, nhưng phát âm trong các bài hát của anh lại khá chuẩn, đó là kết quả của việc tập luyện. Lee cười: “Để đạt được đến mức độ ‘'Hát được’' một bài hát tiếng Việt, tôi có thể chỉ mất từ 5 đến 10 giờ đồng hồ. Nhưng để đạt đến mức độ “Hay và có cảm xúc”, thì phải mất đến hàng ngàn giờ tập mất.”
Lee thích những bài hát của Trịnh Công Sơn, và những bài hát có ca từ đẹp, nhiều ý nghĩa. Anh ấy đang thử sức với những bài hát mới, như bài “Mặt trời bé con” của Trần Tiến. “Tôi muốn thử những bài hát vui tươi hơn, những bài hát trước hơi buồn quá.”
Ngay tại quán café, anh đã hát cho chúng tớ nghe, từ những bài tiếng Anh như “When you say nothing at all”, “Cry me a river" đến đệm đàn những bài tiếng Việt như “Chênh vênh” hay “Mặt trời bé con.” Anh còn hát tặng chúng tớ một bài hát do anh tự sáng tác. “Nhưng tôi chưa đặt tên cho nó, tôi không biết đặt tên là gì nữa.”, và chúng tớ quyết định nó sẽ có tên là “Untitled”. Tiếng ghita nhẹ nhàng dìu dặt, giọng ca khỏe nhưng cũng rất trầm ấm, Lee đã thu hút sự chú ý của mọi người trong quán café.
Sau buổi biểu diễn tại TP Hồ Chí Minh, Lee sẽ đi du lịch rồi quay trở lại Anh: “Tôi cần phải quay lại để bắt kịp với công việc nữa chứ.” Nhưng tháng 10 tới anh ấy sẽ quay lại Hà Nội nhân dịp Hà Nội chào mừng 1000 năm Thăng Long.
Anh cũng khuyên tớ, khi bạn đã sang tuổi 30, cuộc sống ngoài những niềm vui và sở thích, còn có công việc và rất nhiều những áp lực khác. “Bạn còn trẻ, vì thế đừng ngần ngại thử những gì mình yêu thích. Đừng quá quan tâm nhiều đến những suy nghĩ của những người khác, hãy làm những gì bạn thực sự thích trước khi quá muộn.”
Vào tối chủ nhật tuần tới (8/8), Lee Kirby sẽ có một buổi biểu diễn mang tên “Lee Kirby và những người bạn.” Cùng sự tham gia của ca sĩ Lê Cát Trọng Lý. Tóc Tiên, cô bạn Thái Trinh và Thùy Hoàng Diễm tại TP Hồ Chí Minh. Những teen Sài Gòn quan tâm và muốn nghe anh hát có thể xem thông tin chi tiết tại website của Lee:http://www.leekirby.com/