Lăng nhục nữ sinh cấp 2: Mù mờ về nhân quyền hay hoàn toàn vô cảm?

linhtrang...@yahoo.com, Theo Trí Thức Trẻ 00:03 15/04/2014
Chia sẻ

Dường như, những người đã tham gia lăng nhục nữ sinh cấp 2 này không chỉ mù tịt về quyền cơ bản của con người mà còn hoàn toàn vô cảm trong trái tim.

Cuối tuần vừa rồi, một bức ảnh được đăng tải trên mạng đã thu hút sự chú ý của rất nhiều cư dân mạng hay nói đúng hơn, bức ảnh đã tạo nên một làn sóng phẫn nộ lớn bởi sự phản cảm của nó. Bức hình đó ghi lại hình ảnh một cô bé học sinh vẫn còn mặc đồng phục và quàng khăn đỏ, tay bị trói và trước ngực đeo bảng "Tôi là người ăn trộm" trong một siêu thị. Ngay lập tức, bức ảnh đã nhận được rất nhiều sự phản đối. Tất cả đều bất bình vì sự xúc phạm nặng nề này có thể ảnh hưởng rất lớn tới tương lai của cô bé học sinh nọ.

Hôm nay, một độc giả đã gửi thư về cho chúng tôi, chia sẻ những suy nghĩ, bức xúc của mình khi đọc được câu chuyện này.

---

Chào Ban biên tập

Sáng nay tôi có lên mạng xem tin tức. Khác với những tin văn hóa, chính trị thường ngày, hôm nay, đập vào mắt tôi là bức ảnh một cô bé còn đang quàng khăn đỏ, mặc đồng phục học sinh bị người ta trói ngay trước cửa siêu thị, treo lên người chiếc biển "Tôi là người ăn trộm". Tự nhiên tôi thấy tim mình như thắt lại, chao ôi, một đứa bé còn nhỏ dại như thế, mà người ta nỡ bêu riếu em thế này...

Tôi là một nữ sinh đại học, cũng có một cô em gái năm nay học lớp 6. Bởi vậy khi đọc những dòng tin này, không hiểu sao tôi cứ tưởng tượng, giả sử một ngày nào đó, em gái tôi cũng bị người ta làm nhục thế này, nó sẽ thế nào. Ngày trước, chỉ trong những xã hội mà loài người vẫn còn tăm tối, thiếu vắng ánh sáng văn minh mới có chuyện một kẻ phạm tội bị lôi ra bêu riếu giữa chỗ đông người. Hành động đó như một cách hạ thấp nhân phẩm kẻ phạm tội, khiến những người xung quanh kỳ thị và mất lòng tin ở họ, từ đó khiến cuộc sống sau này của tù nhân mãi mãi nằm trong bóng tối của sự tủi nhục. Chúng là hình phạt của thời trung cổ, của thời phong kiến, chúng đánh thẳng vào danh dự và cuộc sống tương lai, và ở thời hiện đại, chỉ những kẻ phạm tội nặng như giết người, hiếp dâm hay cướp của mới bị đưa hình lên các phương tiện thông tin đại chúng.



Ấy thế mà, ở ngay giữa xã hội hiện đại của chúng ta lại có một hình phạt đáng sợ đến thế, mà lại là với một đứa trẻ. Cứ cho rằng đứa trẻ đó phạm tội đi chăng nữa, cứ cho rằng em đã ăn cắp, ăn trộm trong siêu thị đi chăng nữa, thì em vẫn không đáng phải nhận một hình phạt nặng nề đến vậy. Vừa bị trói, vừa bị bêu riếu, vừa bị đăng ảnh lên các mạng xã hội, một chuỗi những hình phạt quá sức khủng khiếp với một em bé học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường. Ngay cả với người lớn, thậm chí là những tội nhân hay cả tử tù cũng chưa bao giờ có chuyện bị hành hạ về tinh thần đến vậy. Bởi lẽ, làm thế không xúc phạm đến thể xác nhưng làm tổn hại nặng nề đến danh dự và quyền con người của mỗi cá thể trong xã hội này.

Mỗi con người sinh ra đều có những quyền lợi cơ bản, họ được bảo vệ bởi những quyền lợi ấy cho đến lúc chết và ngay cả khi phạm tội. Không một tổ chức luật pháp, tổ chức cá nhân nào có thể xâm phạm được những quyền cơ bản ấy. Đó là một sự thật hiển nhiên, đơn giản mà chẳng cần phải qua một trường lớp học hành nào, chỉ cần bạn có trái tim và biết suy nghĩ là đủ biết được như thế nào là xâm phạm nhân quyền của người khác.

Thế nhưng, dường như những người đã trói cô bé kia đã hoàn toàn "mù tịt" về những cái gọi là nhân quyền. Không chỉ mù tịt về nhận thức, họ còn hoàn toàn vô cảm trong trái tim. Họ coi thường quyền lợi của một cô bé nhỏ, vin vào một sai lầm để trừng phạt người khác như thời trung cổ. Không hiểu, họ có đặt mình vào vị trí của cô bé đó, khi vô tình phạm một lỗi lầm để rồi bị trói, bị hạ thấp danh dự trước con mắt của bao người? Không biết, họ có đặt mình vào vị trí đó không khi hình ảnh chính mình đang được đưa lên mạng cho hàng triệu người khác có cơ hội bêu riếu? Không biết, họ có đặt mình vào vị trí đó không khi phải sống trong ánh mắt nghi ngờ, coi thường từ những người xung quanh trong những ngày sắp tới? Và cũng không biết, họ sẽ cảm thấy ra sao nếu cô bé đó là con, là em, là bạn bè mình? Hay vì sự tối tăm của mình đã khiến họ chẳng nhìn ra những điều đấy, đã che mờ lý trí và cả trái tim của họ?

Và liệu, họ có biết, hành động của mình chính là một kiểu vi phạm pháp luật khác, khi mà chính bản thân họ đã tiếp tay phá hỏng tương lai của một cô bé học sinh cấp 2? Khi mà cả xã hội đang cùng nhau chung tay xây dựng quyền trẻ em để bảo vệ tâm hồn trẻ nhỏ thì lại có những người sẵn sàng trừng phạt các bé với những biện pháp thiếu nhân tính như thế này. Có lẽ, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận khác đi trong việc giáo dục trẻ em cũng như quan tâm hơn đến việc uốn nắn thay vì trừng phạt các em theo những cách phản giáo dục như vậy.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày