Khi khoảng cách giữa người yêu và bạn thân... bị "nhập nhằng"

Thu Hà, Theo 00:01 21/11/2010

Vì nếu bạn quá tin tưởng và không để ý đến mối quan hệ giữa người yêu và bạn thân, cẩn thận sẽ có lúc phải nhận những “tin sét đánh”.

Những “nỗi đau” bất ngờ

Hồng Anh (THPT CVA) vẫn không không giấu được sự xót xa khi nhắc đến chuyện cũ: Hai đứa vẫn đang yên đang lành, đùng một cái cậu ấy đòi chia tay. Cứ nói không hợp nhau nữa, thấy không dung hòa được… đủ thứ lý do trời ơi đất hỡi, lý do bịa ra chứ chả có tính thực tế nào. Mình rất đau lòng, cố tìm hiểu mọi chuyện mới biết cậu ấy đã có bạn gái khác. Mà chẳng phải ai xa lạ, chính là bạn thân nhất của mình, người đóng vai trò ‘quân sư’ cho cậu ấy trong suốt chuyện tình cảm của mình. Mình sốc lắm! Là ai còn đỡ, chứ sao lại là bạn thân nhất?
 

Đừng biến bạn thân thành quân sư cho mọi vấn đề của mình và người yêu (Ảnh minh họa)
 
Minh Quyết (THPT NH) thì vẫn chưa hết bàng hoàng: Cô ấy lạnh nhạt, dửng dưng với mình, rủ đi chơi thì nói bận học, rồi công việc này khác. Mang tiếng là bạn gái mà cả tuần chả gặp nhau lấy một lần. Về sau, tận mắt chứng kiến cô ấy đi chơi với thằng bạn thân nhất của mình, mình mới thấy ngỡ ngàng. Hóa ra không phải không có thời gian, chỉ là không có thời gian dành cho mình thôi, người ta đã thích người khác rồi.

Những câu chuyện như thế này giờ không hiếm, thậm chí bắt gặp rất nhiều. Vậy lý do là từ đâu?

Vì sao ra nông nỗi?

Bị người bạn thân nhất phản bội là chuyện rất đau lòng, nhưng lại vô cùng dễ hiểu. Vì bạn thân, thứ nhất là người khá giống ta về tính cách, xu hướng chọn bạn trai, bạn gái, có cùng gu, cùng sở thích, vậy nên người yêu của người này dễ chiếm được thiện cảm của người kia. Và ngược lại, họ cũng dễ dàng thân thiết, có thiện cảm với bạn của người yêu mình.

Thứ hai, bạn thân thường đóng vai trò là quân sư tình yêu, là người gỡ rối, giải đáp thắc mắc, tư vấn cho các đôi yêu nhau. Mọi sự buồn chán, bất mãn trong mối quan hệ này có khi đều được tâm sự với bạn thân, và sau khi cãi nhau, người sắp xếp để dàn hòa cũng thường là bạn thân. Rất dễ để hình thành thói quen người yêu mình chia sẻ mọi tâm tư tình cảm với bạn thân mình.

Thử đặt cạnh nhau, một người thì hay giận dỗi, nhiều chuyện, còn một người luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu, chuyện “rung động” là điều thật dễ xảy ra, phải không teen?

Hãy thận trọng “lửa gần rơm”

Teen thân mến! Để giữ giữ tình yêu và tình bạn, teen hãy thận trọng trong việc ghép các mối quan hệ của mình, tránh sự tiếp xúc nhiều và gần gũi quá giữa người yêu và bạn thân. Hãy cố gắng tự giải quyết những rắc rối của mình, đừng trông chờ quá vào sự giúp đỡ của người thứ ba. Bởi có thể người thứ ba đó sẽ giúp bạn loại bỏ tất cả rắc rối liên quan ấy bằng một mối quan hệ với chính... người yêu bạn.

Tình cảm của hai người dù tốt đẹp hay không, bền vững hay không là do cả hai cùng cố gắng xây dựng, đừng tạo ra vai trò quá lớn cho bạn thân trong việc giải quyết mâu thuẫn, tư vấn cho hai người. “Lửa gần rơm”, dù không muốn thì bạn cũng sẽ vô tình đẩy 2 người thân bên mình lại với nhau, còn bạn lại trở thành kẻ trắng tay. Hãy luôn giữ khoảng cách cần thiết trong mối quan hệ nhạy cảm này, teen nhé!