Kẻ tử tù sợ bóng đêm đòi…riêng "đường" điện

Infonet, Theo 15:26 10/12/2012

Chẳng ghê tay khi giết hại cô bạn gái hàng xóm để cướp đi chiếc xe máy của nạn nhân, thế nhưng nơi trại tạm giam chờ ngày thi hành án tử, Phú lại hoảng loạn đến tột cùng khi bóng đêm bao trùm lên gã…

Chuyện kể từ buồng biệt giam

Những thay đổi trong việc thi hành án tử hình khiến Hồ Xuân Phú (SN 1987, trú tại xóm 10, thôn Ao La, xã Minh Tân, Thủy Nguyên, Hải Phòng) có thêm thời gian chờ đợi. Tôi gặp Phú những ngày gã đang “sốt ruột chờ chuyến đò định mệnh về âm phủ” ấy, thoạt tiên gã nói lời chúc tụng hoa mỹ và xin được bắt tay nhà báo với lý do: “đến giờ phút này em chưa bao giờ được bắt tay phụ nữ…”.

Lịch sự, tôi chìa tay về phía gã. Bàn tay gã lạnh toát, run run. Cái lạnh từ bàn tay gã khiến tôi thoáng rùng mình, cái lạnh của kẻ từng giết người dã man. Và lý do gã muốn được bắt tay nhà báo hoàn toàn mâu thuẫn với thông tin tôi có được từ một điều tra viên tham gia phá vụ án giết người mà Phú là hung thủ. Theo đó, gã từng có cuộc tình đũa lệch với “máy bay bà già”. Gã bài bạc, nợ nần nhưng không muốn mất điểm trước mặt người tình già hơn gã gần chục tuổi nên đã giết cô bạn gái hàng xóm, cướp chiếc xe máy của nạn nhân.

Trước khi gặp tử tù Phú, tôi chuẩn bị tâm lý cho một buổi tác nghiệp khó, bởi ở vào hoàn cảnh chẳng còn gì để mất như gã, sự bất hợp tác là điều dễ hiểu. Bởi thế nên tôi khá bất ngờ khi thấy Phú niềm nở và có phần vui đến lạ. Gã nói năng cởi mở, đôi khi nhoẻn miệng cười cười. Tôi tò mò hỏi điều gì khiến y vui đến thế, Phú bảo: “Không ạ, thì các thầy động viên bảo ra gặp nhà báo nên em phấn khởi hơn một tí. Em có cơ hội tâm sự với người khác nên cũng nhẹ nhõm hơn, chứ ở trong buồng giam, lủi thủi suốt ngày đêm, chẳng nói chuyện với ai được…”. Dẫu vậy, nụ cười khó hiểu của gã tử tù vẫn khiến tôi rờn rợn. Ngay cả người quản giáo dẫn giải gã ra phòng thăm nuôi cũng nhíu mày khó hiểu.

Kẻ tử tù sợ bóng đêm đòi…riêng "đường" điện 1

Hồ Xuân Phú cười tươi trước mặt phóng viên.

Hỏi Phú về một ngày trong buồng biệt giam, gã bảo chẳng mấy khi ngủ được, nhất là về đêm. Gã sợ bóng tối, sợ cảm giác cô độc đến tột cùng ấy. Tôi bảo, ở khu biệt giam còn nhiều tử tù khác, chắc hẳn gã vẫn có thể trò chuyện bằng cách nói vọng qua bức tường ngăn cách. Vẫn giữ kiểu cười nụ trên môi, gã kể: “Đúng là còn có nhiều anh ở đó, nhưng em ít tuổi nhất, chẳng va chạm nhiều nên chẳng biết nói chuyện gì với họ. Các anh ý hay nói về chuyện ở ngoài xã hội, em chỉ biết nghe thôi. Hơn nữa, về đêm theo quy định thì không được làm ảnh hưởng đến người khác nên chỉ im lặng một mình…”.

Về nỗi sợ bóng đêm của Phú, chính người quản giáo trực tiếp giám sát buồng giam Phú đã xác nhận có lần, điện nơi buồng giam đột nhiên bị tắt giữa đêm, bóng tối bao trùm khiến Phú hoảng loạn, la hét và đòi được lắp riêng một đường dây điện dự phòng. Tất nhiên những đòi hỏi phi lý ấy chẳng khi nào được đáp ứng, gã tử tù trẻ buộc phải chấp nhận sự trả giá cho tội lỗi đã gây ra, gã thiếp đi trong mệt mỏi và tột cùng sợ hãi.

Phần lớn buổi trò chuyện với tôi, Phú nhắc đến mẹ bằng tất cả tình cảm nhớ nhung, day dứt. Gã bảo, đã 2 năm kể từ ngày bị bắt vì gây án, nhưng trong sâu thẳm con người gã, vẫn cố muốn chối bỏ sự thật rằng gã vĩnh viễn không còn cơ hội được mẹ chăm sóc miếng ăn, giấc ngủ như khi còn ở nhà.

“Em tiếc nuối những khoảnh khắc được sum vầy bên mẹ và em trai lắm. Đôi khi ốm đau, vẫn cứ nghĩ như hồi đang ở nhà, được bàn tay mẹ chăm sóc….” – Phú chùng giọng, muốn khóc khi nhắc đến mẹ, hệt như biểu hiện của một đứa trẻ. Mà gã trẻ con thật, gã nũng nịu cả với những cán bộ quản giáo phụ trách buồng giam. Những lúc như thế, cán bộ quản giáo phải nghiêm giọng nhắc nhở để hắn điều chỉnh hành vi, lời nói đúng với thân phận tử tù.

Giết người do…số nạn nhân phải chết?

Hồ Xuân Phú là kẻ đã gây ra cái chết của nạn nhân Hoàng Thị Phượng (SN 1989, hàng xóm sát vách nhà Phú). Xác của nạn nhân được phát hiện vào 13h30 ngày 25/5/2010, tại căn bếp bỏ hoang của một gia đình cùng xóm nhà Phú. Vụ án này, những điều tra viên tham gia phá án vẫn nhớ như in, bởi hung thủ tỏ ra quá “cao tay”. Khi lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường, Phú tỏ ra là một người hàng xóm cực kỳ tốt bụng. Gã lăng xăng chạy đi mua rượu giúp mọi người lau vết máu cho nạn nhân, miệng luôn liến thoắng: Bọn giết người dã man, bắt được phải “xử tử”…Chỉ đến khi đối mặt với những chứng cớ không thể chối cãi, gã mới thừa nhận hành vi giết người, cướp tài sản đã thực hiện.

Gợi chuyện về nạn nhân mà Phú đã ra tay sát hại, gã cúi đầu vân vê vạt áo kẻ sọc và bảo: “Em ân hận lắm! Lúc gây án em đã chẳng nghĩ được gì. Em thậm chí không dám cắt tiết gà trong ngày giỗ bố mà không hiểu sao lúc ấy lại có thể giết chết Phượng. Giờ em sợ lắm, sợ cảm giác lúc trả án, sợ đến run người chị ạ! Đến mức em phải để củ tỏi chỗ mình nằm…”. Tôi đột ngột cắt ngang lời kể của Phú, hỏi xem y có bao giờ mơ thấy nạn nhân không. Phú thừa nhận: “Em cũng muốn mơ thấy cái Phượng để xem nó về có nói gì em không, nhưng từ lúc gây án đến nay, chưa một lần em mơ thấy nó…”.

Giải thích cho cái sự “không mơ thấy nó” ấy, Phú bảo có lẽ vì số phận của gã và nạn nhân đã an bài nên hành vi giết người của gã cũng mang tính tâm linh. Rồi Phú giải thích thêm rằng, có lần gia đình nạn nhân đã nhờ thầy bói xem giúp, ông thầy ấy nói rằng số phận của Phượng là phải do tay y đánh chết, bởi nạn nhân tuổi rắn còn y tuổi mèo, mà y lại là mèo rừng nên đánh rắn thì phải đánh trúng đầu mới chết được. Phú còn khẳng định, bố mẹ nạn nhân đã vì thế mà thông cảm cho y, thậm chí còn làm đơn xin giảm nhẹ tội cho y trong phiên xử phúc thẩm.

Nhưng kỳ thực, gã chẳng nhận được lá đơn nào như thế, lời tuyên tử hình vẫn y nguyên trải qua các cấp xét xử và gia đình nạn nhân vẫn chẳng thể nào nguôi ngoai sự căm phẫn dành cho kẻ đã cướp đi mạng sống của cô con gái ngoan hiền trong một gia đình thuần nông, chất phác.

Thời gian cho một buổi thăm gặp kết thúc, Phú lê từng bước chân bị xiềng xích về căn buồngbiệt giam, nơi dành cho những kẻ giết người như gã sám hối, ân hận và chờ đợi sự trả giá đích đáng.