Gặp hai 9x Hà Nội giành học bổng "hoành tráng" của ĐH Harvard

Thỏ Trắng Màu Nâu, Theo 00:01 08/07/2010

Cùng sinh năm 1991 và để "đo" độ khủng của họ thì cứ nhìn học bổng là biết. Toàn nhận được học bổng của Yale, Học viện công nghệ Massachusetts và Harvard. Minh xin học bổng 12 trường thì được 6 trường nhận, trong đó có Harvard...

Trịnh Đức Minh, sinh năm 1991

Nhận học bổng và học cấp 3 tại trường trung học St.Joseph's Institution International (Singapore).

Được 6 trường ĐH danh tiếng của Mỹ tiếp nhận hồ sơ.

Giành học bổng 59.000 USD/năm (236.000 USD/4 năm) của đại học Harvard.

Đồng trưởng ban tổ chức hội thảo du học VietAbroader 2010.

Phan Đức Toàn, sinh năm 1991

Nhận học bổng và học cấp 3 tại trường tư thục Taft, Mỹ.

2 lần đạt điểm cao tại kỳ thi Olympic Toán toàn nước Mỹ vào năm 2009, 2010

Giành giải bạc tại Olympic Toán khu vực châu Á Thái Bình Dương lần thứ 22.

Được 3 trường ĐH danh tiếng của Mỹ tiếp nhận hồ sơ.

Giành học bổng 59.000 USD/năm (236.000 USD/4 năm) của đại học Harvard.

Chỉ còn hơn một tháng nữa, Minh và Toàn sẽ nhập học vào trường đại học danh giá nhất nước Mỹ, trường Harvard. Sau khi tốt nghiệp cấp 3 ở nước ngoài (cũng theo diện học bổng), cả hai đều giành học bổng khủng ở Harvard, trị giá khoảng 59.000 USD/năm trong suốt 4 năm liền. Đức Minh còn là đồng ban tổ chức hội thảo du học VietAbroader 2010 diễn ra vào giữa tháng 7 này. Sự đam mê học hỏi và bản lĩnh của du học sinh sống xa nhà đã khiến hai chàng trai 19 tuổi làm nên những điều đáng nể ở lứa tuổi của mình.
 

Hai 9x Việt tài năng

Ngoài việc học giỏi, hai bạn ý còn rất mê game, thích đá bóng đến mức... đứt cả dây chằng. 3 năm học phổ thông ở nước ngoài đã đem lại cho Minh và Toàn những suy nghĩ thực tế về tuổi teen thời nay: Đâu phải chỉ “học và học” mới đem lại kết quả tốt!

Hi Minh và Toàn! Cả 2 bạn đều có 3 năm học phổ thông ở nước ngoài. Có thể chia sẻ với chúng tớ về những khó khăn so với học ở trong nước không?

Đức Minh: Tớ có 2 năm 3 tháng học phổ thông ở Sing. Chương trình học tương đối thuận lợi vì sự linh hoạt, trường cho phép tớ lựa chọn học và làm những gì mình muốn. Thế nên tớ không bị gò bó, có thể tự do nghiên cứu. Đó là một ưu điểm khiến cho việc học bớt khó khăn hơn.

Với tớ thì khó khăn khi sống xa nhà chỉ là một vài chuyện sinh hoạt không có bố mẹ ở cùng. Còn chỉ sau một thời gian ngắn, du học sinh nào cũng quen với việc tự lập.
 



Trịnh Đức Minh

Đức Toàn: Việc gì cũng thế, đều vạn sự khởi đầu nan thôi. Giai đoạn khó khăn nhất là lúc mới sang. Như nhiều học sinh khác lúc mới qua Mỹ học cấp 3, tớ cũng khá bỡ ngỡ với cách học tập và cuộc sống xa nhà. Nhưng đặc điểm của trường tớ là trường nội trú, các học sinh đều phải xa nhà nên các bạn dễ xích lại gần nhau hơn. Ngoài học sinh Việt thì còn học sinh các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước từ Châu Âu và cả Châu Phi nữa... Qua thời gian đầu còn ngại ngùng, sau này các bạn đều thân thiện và chơi thân với nhau.

Ngoài ra, như Minh nói, chương trình học cho phép bọn tớ lựa chọn môn nào thích. Và lớp thì chia theo trình độ chứ không theo tuổi. Học sinh lớp 9 cũng có thể học cùng lớp 11 miễn sao hoàn thành được nội dung. Sự linh hoạt giúp tớ lựa chọn khóa học phù hợp với khả năng, bớt được bao nhiêu khó khăn ý chứ.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, 2 bạn đã chọn trường và “săn” học bổng như thế nào? Và tại sao lại là Harvard?

Toàn: Tớ có một thuận lợi là đã học cấp 3 ở Mỹ, và đã đi thăm các trường để tìm hiểu về học bổng của Hoa Kỳ nên định hướng luôn là sẽ học đại học ở Mỹ. Khi chọn trường, tớ “nhắm” từ các trường ở mức trung bình cho tới trường có yêu cầu cao (trong đó Harvard thuộc top đầu) để đảm bảo mình vừa có sự lựa chọn an toàn, vừa có thể thử sức ở những trường yêu cầu cao. Khi nộp hồ sơ thì có 2 vòng, vòng 1 tớ được trường Yale nhận. Sau khi được Yale nhận thì làm hồ sơ gửi trường Học viện công nghệ Massachusetts và Harvard.
 



Phan Đức Toàn

Đây đều là 3 trường đại học hàng đầu ở Hoa Kỳ. Nhưng khi nhận được apply từ Harvard, tớ đã quyết định chọn đại học danh giá này. Một phần vì mặt tài chính, Harvard là trường cấp học bổng rất rộng rãi. Một phần vì chương trình học rất thú vị, rải đều ở các môn tự nhiên lẫn xã hội. Nó giúp cho cơ hội học cả những môn xã hội (vốn là thứ yếu của tớ). (Cười)

Thế còn cảm giác khi nhận được tấm vé vào Harvard?

Minh: Ôi, lúc đấy là 5h sáng ngày 1-4. Khi mở máy lên check, tớ cứ run bắn lên vì... sướng. Cảm giác thì khỏi phải nói, vui cực kỳ ý. Nhưng thật lạ là lại cảm thấy rối rối trong đầu. Vì lúc ấy tớ đã nhận được phản hồi từ 6 trường khác (tớ xin học bổng 12 trường), và đang băn khoăn lựa chọn thì khi có kết quả của Harvard, một lần nữa lại phải đau đầu lựa chọn.

Tớ phân vân giữa 3 trường: Chicago, Colgate và Harvard. Mỗi trường đều có những điểm riêng, nhưng cuối cùng thì tớ “chấm” Harvard vì sự đa dạng, có nhiều lựa chọn về môn học. Hơn nữa, tớ thích không khí học ở Harvard, được tiếp xúc với những người mà trước đó mình kính phục và từng được nghe tiếng nhiều.

Cuộc sống bình thường của “2 tân sinh viên Harvard” như thế nào? Chắc không chỉ có học với học, đúng không?

Minh: Tất nhiên rồi. Nếu cứ cắm đầu vào học thì chắc thành “mọt” chứ không thể sống bình thường được (Cười). Singapore rất náo nhiệt, nhiều hoạt động nhất là về đêm. Bọn tớ ở ký túc xá nên tự do lắm. Tớ và nhóm bạn hay tụ tập ăn uống, chơi, ngủ ở nhà một đứa trong hội. Nhiều khi bọn tớ còn đi chơi đến đêm nhưng ở Sing rất an toàn, an ninh chẳng phải lo lắng gì cả.

Tớ chơi thể thao nhiều đến mức bị đứt dây chằng đầu gối tới...2 lần. Lần thứ nhất bị, chân chưa khỏi nhưng “thèm” ra sân quá nên lại đá bóng và chơi bóng bầu dục. Không ngờ... đứt luôn chân kia. Sau đợt đấy, tớ vẫn không “chừa” chơi thể thao được.

Còn game nữa, hầu như những lúc rảnh và không đi chơi với bạn thì tớ ngồi ở phòng “cày” game, mặc dù chơi không giỏi lắm đâu. Nhiều người cứ nghĩ chơi game sẽ bỏ bê học hành, rồi nghĩ đến những mặt tiêu cực của nó. Nhưng với tớ và Toàn thì lại cho rằng chơi game là cách tốt nhất để giao lưu với bạn và giải stress. Game là thứ quen thuộc với những du học sinh như bọn tớ, có điều chơi với cường độ như thế nào để không ảnh hưởng đến học hành thôi.

Toàn: 2 thứ tớ hay chơi nhất là bóng đá và điện tử. Chơi thể thao tuy mệt mỏi nhưng giúp mình xả stress và sảng khoái hơn. Ở trường có điều kiện cơ sở vật chất thuận lợi, sân bãi tốt nên học sinh thường đá bóng sau giờ học.

Ở trường tớ chỉ có một ngày thứ 7 là được xài internet, còn các ngày khác thì sử dụng mạng nội bộ. Vì thế, cứ đến tối là bọn tớ lại chơi điện tử mạng nội bộ với nhau. Có thể nói là nhờ trò điện tử liên kết kiểu đó mà các học sinh càng thêm gắn bó. Tớ nghĩ chơi điện tử không có gì là tiêu cực cả, bọn tớ tối nào cũng “cày” game và đó là cách giải trí và giao lưu cực tốt, nhất là đối với học sinh nội trú như tớ.
 

Sau 4 năm học ở Harvard, chắc chắn các bạn sẽ có rất nhiều cơ hội xin việc làm sau này. Vậy Minh và Toàn có định về Việt Nam làm việc, hay tìm cho mình một chỗ đứng ở nước ngoài? Cụ thể là nước Mỹ?

Minh: Một trong những định mức đóng góp cho xã hội là đồng lương của mình. Đồng lương mà thấp thì hiệu quả đóng góp sẽ không cao. Vì thế, sau khi ra trường, tớ sẽ làm việc ở nơi nào mà đóng góp của tớ đem lại hiệu quả cao nhất. Kinh tế thế giới đang đi theo hướng toàn cầu, không nên suy nghĩ theo giới hạn mà nên nghĩ là đóng góp ở đâu cũng như nhau. Làm việc ở đâu mà cống hiến của mình có giá trị cao hơn thì tớ sẽ làm.

Toàn: Rất khó để trả lời vì đến giờ tớ vẫn chưa biết mình sẽ học ngành gì. Nhưng quan trọng nhất là tìm được một công việc có thể vận dụng hết những gì đã học. Nếu có thể tìm thấy ở Việt Nam một công việc như thế thì tại sao lại không về nước? Còn nếu “trót” học ngành chưa phổ biến ở trong nước thì tớ sẽ ở lại Mỹ. Lựa chọn nơi làm việc phù hợp với ngành học là cách tốt nhất để không lãng phí chất xám.

Là 2 du học sinh sống xa nhà nhưng vẫn thuộc lứa tuổi teen, các bạn suy nghĩ như thế nào về teen Việt hiện nay?

Bọn tớ cũng thường xuyên cập nhật thông tin về teen Việt qua mạng. Nhưng không phải do những thông tin trên báo chí mà bọn tớ chú ý đến mặt tiêu cực của một bộ phận teen Việt Nam. Với bọn tớ, tiêu cực là những điều có thể sửa, vì thế nên chú ý đến nó để hoàn thiện mình hơn.

Teen mình do tiếp cận với nhiều văn hóa khác nhau nên hay tập trung đến những mặt hào nhoáng, gây sốc để người khác chú ý đến mình. Nhưng lại chỉ để ý đến những gì người khác đánh giá chứ không để ý đến giá trị thực sự có ích cho con người mình. Giới trẻ nước ngoài sống “thật” với bản thân hơn, chỉ cần mình thoải mái còn người khác nghĩ gì thì đấy là việc của họ.

Một điều đáng mừng là teen Việt đang ngày càng tự tin và tài năng hơn trong nhiều lĩnh vực. Nếu khắc phục được nhược điểm trên, bọn tớ tin các bạn sẽ có nhiều cơ hội khẳng định mình.
 


Đức Minh đang là đồng ban tổ chức hội thảo VietAbroader, bạn có thể cho biết thêm một chút thông tin về hội thảo dành cho học sinh đang có ý định đi du học không?

Hội thảo được tổ chức từ năm 2005 đến nay, hoàn toàn được điều hành và tổ chức bởi các sinh viên Việt Nam đang học tại Hoa Kỳ. Tổ chức có nhiệm vụ thông tin các kỹ năng, kinh nghiệm để các tân học sinh có thể làm được những gì mà anh chị đi trước đã làm.

Kiến thức được truyền lại bởi sinh viên đang học, thế nên sẽ rất cụ thể, chính xác và thiết thực. Mục tiêu của bọn tớ là cung cấp cho “lính mới” sức mạnh kiến thức, kỹ năng để tiếp cận với nền giáo dục Hoa Kỳ. Bọn mình nhận thấy điều bất lợi của học sinh Việt Nam là thiếu thông tin và sự dẫn dắt cụ thể, vì thế hội thảo có nhiệm vụ dẫn dắt và cho mọi người thấy những gì mà bọn mình và thế hệ sinh viên VietAbroader đã làm đều không khó khăn quá. Đó là ý nghĩa tên của hội thảo: Truyền Đuốc. Ngọn đuốc của thế hệ này sẽ được truyền sang cho thế hệ sau.

Hội thảo diễn ra tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển số 20 Thuỵ Khuê (hội thảo sáng) và từ 1h-5h (triển lãm buổi chiều), ngày 16/7.

TP HCM: Khách sạn Equatorial, 242 Trần Bình Trọng, ngày 17/7.