Du học sinh Singapore: "cháy túi" tháng sale-off

Huyền Trang, Theo 10:00 06/07/2010

Từ đầu tháng 6 đến khoảng cuối tháng 8, Singapore sẽ diễn ra đợt sale-off lớn nhất trong năm gọi là Great Singapore Sale (GSS). Mê mẩn sale off, nhiều du học sinh đã bị “nổ tung” kế hoạch tài chính của mình đến vài tháng.

Không thể cầm lòng trước chữ “Sale”

Trên toàn đảo quốc xinh đẹp này, hàng trăm ngàn băng rôn, khẩu hiểu, poster lớn giới thiệu về đợt sale lớn nhất trong năm. Các cửa hàng đồng loạt thực hiện chiến dịch siêu giảm giá của mình. Đặc biệt nhất là có cả sự góp mặt của những hàng thời trang, mỹ phẩm, quần áo lớn, tên tuổi mà các teen nhà mình vẫn quen gọi là “hàng hiệu”.

Những nhãn hàng nổi tiếng như Gucci, Tommy Hilfiger, Burberry, D&G, CK, Versace, Valentino… đến những nhãn hàng quen thuộc đều giảm giá đỉnh từ 10% - 70%. Đây là một trong những thời điểm hội tụ nhiều món hàng hấp dẫn nhất, cũng là dịp những đại gia hàng hiệu tung hoành.

Những món hàng hiệu bình thường thét lên giá trên trời, các du học sinh nhà mình làm gì dám đụng. Còn nếu đụng vào thì “bình thường lắm chuyện nhịn ăn cả tháng”. Thế nên thời điểm nó vừa giảm 50% - 70% giá, ai không mê. Thậm chí nhiều món hàng bán rẻ như cho, thì việc các teen cố chen lấn đi mua những nhãn hiệu mơ ước là điều có thể hiểu được.

Chưa nói đến cả sự góp mặt của những “Hội chợ điện tử”. Đến với những hội chợ như vậy, các teen mê hàng điện tử khó mà cầm lòng khi thấy những món hàng tốt, bán giá mềm lại được nhiều khuyến mãi. Có teen thấy lượng người đổ xô đi xem hàng đông, cũng ráng đi “xem cho biết người biết ta”. Khi vào thi “mê mẩn”, nếu không mua vài món thì… không đành lòng. 


Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Nhịn ăn, nhịn học vì… hàng sale

Nhiều món hàng sau khi mua, teen cũng chẳng biết mua để làm gì. Chỉ biết nó là “hiệu” và lúc rẻ, còn cơ hội là phải “tranh giành nhau mà mua cho được”.

Trong thế giới teen còn có câu tuyên ngôn hãi hùng kiểu: “Khi bạn cho người khác biết bạn mặc quần áo hiệu gì/dùng mỹ phẩm hiệu gì/dùng điện thoại hiệu gì... người ta có thể nói cho bạn biết bạn là ai”.

Những tuyên ngôn gây sốc như vậy không ít nhiều làm ảnh hưởng tâm lí teen “Nghèo cũng phải ráng mà mua hàng hiệu”. Một số còn cho rằng đó là cách nâng cấp bản thân. Nhất là trong đợt sale off, dại gì không đi “chộp” những món hàng mơ ước với già “bèo”.

Có teen còn chuẩn bị sẵn cả tháng. Hàng ngày chiến đấu với mì gói và “tap water – nước lã” (nước lã ở Singapore sạch, nên nhiêu du học sinh uống luôn, không nấu, vừa chống lười, lại tiết kiệm). Lại có những bạn sau giờ học chẳng dám đi đâu, vì sợ… tốn tiền. Cốt cũng là để đến lúc sale, mua cho thoải mái.

Nhiều người nhìn vào tưởng rằng “học sinh nghèo hiếu học”. Đâu ai biết sau cảnh ăn mì gói cầm hơi đến trường, là cảnh huy hoàng vào những trung tâm nổi tiếng mua đồ hiệu.

Thông thường, tâm lí teen đi mua là mua hàng sale off. Cứ thấy chỗ nào sale 50% - 70% thì lao tới. Thế nhưng khi vào lại không ưng ý với món hàng sale nhiều mà chết mê bởi những món hàng trên kệ. Những món hàng ấy đa phần ko sale, hay có sale cũng rất ít (5% - 10%). Thế là tiền ăn cả tháng đôi khi cũng chẳng đủ để mua 1 món đồ. 
 
Ấy thế mà vẫn bị… "cháy túi"

Cứ tưởng tượng, 10 gian hàng teen mới mua 1 món hàng sale off, mà 1 trung tâm thương mại của Singapore có hàng ngàn gian hàng. Nếu không tỉnh táo thì rất có thể teen “đốt mình trong những thương hiệu”.

Như cô bạn tên Mỹ Dung (sinh viên trường MDIS) cho biết: “Tháng rồi mê mẩn hàng sale. Cứ tan học là đi lòng vòng xem hàng. Định bụng là chỉ đi xem, khi thấy gì thật thích và thật cần mới mua. Nhưng cuối cùng “cầm lòng chẳng đặng”, mình mua đủ thứ. Mình đã tiêu sạch tiền ăn của tháng tới. Giờ không còn cách nào là nhốt mình ở nhà. Ngày cũng chỉ dám ăn 1 bữa ngoài tiệm, bữa còn lại ăn mì gói thôi”.

Hậu di chứng cho tháng sale, nhiều teen thừa nhận rằng mình chẳng còn xu nào trong túi, đành gọi về xin viện trợ gia đình. Mà xin viện trợ nào có dễ, lại chẳng được bao nhiêu. Thậm chí, chưa cầm cự qua tháng sale, nhiều du học sinh đã phải chiến đấu với “tap water quen thuộc và mì gói, đồ hộp” mang từ nhà qua. Bữa cơm ngày ngày cũng chỉ là đồ hộp, cơm trắng và… “tap water”.

Lúc có tiền, teen chẳng ngại gì không phóng tay mua những thứ mình thích. Món hàng 1000$ sale còn 300-400$, teen lao đao lên khen rẻ. Thế nhưng đến cuối tháng, thậm chí 300, 400$ để trang trải cuộc sống, ăn, đóng tiền nhà… cũng không còn.

Nhiều bạn còn lỡ dùng lố vào tiền học phí để cứu cháy trong dịp sale. Đến lúc đóng học thì phải vay mượn. Do một số trường học ở Singapore, nếu đóng học phí chậm sẽ tính lãi, mà chuyện vay mượn muôn đời đâu có dễ, lúc đó chỉ còn tìm cách cứu cánh ở nhà.

Lại có bạn cũng vì chuyện khó khăn, loạn tiền tháng sale mà trở nên cáu bẳn, khó chịu, thậm chí keo kiệt. Lúc vung tiền ra mua vài trăm đô, thậm chí cả nghìn không tiếc. Nhưng đến lúc gặp bạn bè, ăn uống lại tính toán từng li. Thật chẳng hay chút nào!