Cộng đồng mạng vốn là cái nôi “sinh ra”, “nuôi lớn” và đặt dấu chấm hết cho những trào lưu. Và “từ lóng” cũng không nằm ngoài chu kỳ sinh trưởng ấy. 2014 có lẽ là năm của “từ lóng” khi đã đánh dấu sự xuất hiện của hàng loạt những cụm từ “ai cũng nói” xôn xao trong một thời gian dài.
1. “Đắng lòng”
Xuất phát từ việc xuất hiện với tần suất cao ở tiêu đề các bài báo của một số trang tin tức online, cụm từ “đắng lòng” bỗng nhiên trở nên “sốt xình xịch”. Khởi đầu chỉ là những câu bông đùa trong các comment qua lại của cá nhân trên mạng xã hội, rất nhanh sau đó nó đã trở thành trào lưu được sử dụng rộng rãi cả ở ngoài đời.
Có thể khẳng định đây là một trong những trào lưu đáng nhớ nhất năm qua với nhiều biến tấu khác nhau. Gần như là câu cửa miệng trong suốt thời gian dài và có thể áp dụng được trong mọi ngữ cảnh, “đắng lòng” được cư dân mạng cố tình chèn vào câu nói để tăng độ hài hước, châm chọc. Thậm chí từ đắng lòng còn được sử dụng trong bộ phim điện ảnh "Mất xác" của đạo diễn Đỗ Thành An.
Tuy nhiên, việc lạm dụng cụm từ này quá nhiều đã gây ra sự nhàm chán và khó chịu trong cộng đồng mạng. Đến nỗi có thời gian, rất nhiều ảnh chế đã ra đời để biểu thị sự bức xúc khi cụm từ này được sử dụng quá tràn lan.
2. “Các mẹ ơi biết tin gì chưa?”
Đầu tháng 8 năm nay, khi cả thế giới hoang mang về dịch bệnh Ebola đang hoành hành tại châu Phi gây ra cái chết của hàng trăm người, thì tại Việt Nam, một account trên Facebook đã đăng tải một status bắt đầu với câu "Các mẹ ơi, biết tin gì chưa?" và sau đó là tung tin “bệnh nhân bị sốt xuất huyết Ebola đang điều trị tại bệnh viện Bạch Mai”. Tuy nhiên, sau khi được bộ Y tế kiểm chứng, thì thông tin này là hoàn toàn sai lệch. Cơ quan điều tra đã vào cuộc và tìm ra cặp vợ chồng tung tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng rất lớn tới tinh thần mọi người.
Sau khi vụ việc này kết thúc, cụm từ “Các mẹ ơi, biết tin gì chưa?” dần dần được cư dân mạng “nhại lại”. Thường thì sau câu mở đầu trên, những thông tin phía dưới sẽ được người viết diễn tả rất dí dỏm, nội dung trớ trêu và có phần châm biếm. Nó còn có ẩn ý ám chỉ những người thích đưa chuyện, nhưng kỳ thực chẳng biết thứ mình nói là đúng hay sai.
3. “Vậy hoy đi nha”
“Vậy hoy đi nha” bắt nguồn từ một bộ truyện tranh có tên “cô Bitch Quàng Khăn Đỏ và Sói Mặt Đơ” của nhà thiết kế đồ họa đình đám Tạ Quốc Kỳ Nam.
Bộ truyện được chia sẻ rộng rãi trên các diễn đàn của giới trẻ nhờ cách vẽ ngộ nghĩnh, dễ thương. Rất nhiều hình ảnh các nhân vật chính của truyện được chế lại hoặc dùng làm comment trên facebook. Đặc biệt là câu nói “Vậy hoy đi nha” của hai nhân vật được rất nhiều bạn trẻ yêu thích và trở thành câu nói đùa thường xuyên.
4. “ATSM”
“ATSM” chính là từ viết tắt của cụm “ảo tưởng sức mạnh”. Đây không phải là “từ lóng” mới xuất hiện gần đây, nhưng phải đợi đến khi “hot boy tự nhận mình đẹp trai nhất Việt Nam” Kenny Sang tấn công cộng đồng mạng bằng những trò lố, thì cụm từ này mới thực sự “nổi như cồn”.
“ATSM” gần như là từ được nhắc tới nhiều nhất khi mọi người bàn tán về Kenny Sang, thế nên, gọi “hot boy ảo tưởng” là người góp công đầu cho sự lan truyền mạnh mẽ này chắc cũng không sai. “ATSM” có mặt thường xuyên trong những cuộc nói chuyện hàng ngày của giới trẻ, dùng để “trêu đùa” ai đó đang chém gió hơi quá đà.
5. “Con nhà người ta”
2014 là năm đánh dấu sự kiện cụm từ “con nhà người ta” không chỉ được nhắc tới trong cuộc nói chuyện trong gia đình nữa, mà nó đã được nâng lên tầm cao hơn khi khắp mọi nẻo mạng xã hội đều được “chỉ mặt gọi tên”. Đây vốn là từ được các bậc phụ huynh dùng để miêu tả chân dung của con cái đồng nghiệp, hàng xóm, … mà theo họ là tuyệt vời, là hoàn hảo.
Khi “tham gia” vào cộng đồng mạng, cụm từ này cũng không bị biến tướng về ý nghĩa quá nhiều vì vẫn được sử dụng để chỉ những tấm gương học giỏi, có thành tích nổi bật và toàn diện. Nó cũng nhanh chóng được phát triển thêm bằng những cụm từ tương tự như “vợ nhà người ta”, “chồng nhà người ta”, “bạn nhà người ta”…
6. “Ểnh ương”
“Ểnh ương” vốn xuất phát từ giới underground để chỉ trạng thái thăng hoa, vui sướng. Từ đó mới dần dần lan truyền và trở thành câu cửa miệng của không ít bộ phận giới trẻ. Tuy không được sử dụng đại trà như những cụm từ lóng ở trên, nhưng “ểnh ương” lại là từ quá quen thuộc của những người hoạt động trong giới underground và “dân chơi”.