Cựu du học sinh Nhật gây "bão" khi chỉ ra "sai lầm" của ông vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn

, Theo Trí Thức Trẻ 14:58 09/08/2014

Là một doanh nhân trẻ, 8x này không ngần ngại chia sẻ những quan điểm của mình về nguyên nhân Tràng Tiền Plaza chưa thực sự thành công tại Hà Nội.

Từ đêm qua đến hôm nay, cộng đồng mạng xôn xao truyền tay nhau một đường link với những lời chia sẻ, đánh giá khá sâu sắc của một cựu du học sinh Nhật về Tràng Tiền Plaza. Theo những lời từ chủ nhân của những chia sẻ này, ông vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn chưa chính khi nhận định trong quá trình kinh doanh hàng hiệu tại Tràng Tiền Plaza. Được biết, cựu du học sinh Nhật này có tên Nguyễn Ích Vinh, một 8x đang khá thành công với cương vị một doanh nhân trẻ.


Doanh nhân trẻ Nguyễn Ích Vinh.


Theo Vinh, việc kinh doanh hàng hiệu tại Tràng Tiền Plaza có một vài sai lầm dẫn đến thất bại, đó là:

Không hiểu khách hàng

Vinh cho rằng, vấn đề lớn trong sự thất bại của Tràng Tiền Plaza không phải là người Việt Nam không có đủ tiền, thu nhập để mua những món đồ hiệu trị giá hàng trăm triệu trong đó, mà đơn giản là Tràng Tiền Plaza chưa đủ xua tan định kiến về hàng hiệu, hàng giả tại Việt Nam. Theo đó, những người Việt có tiền và sẵn sàng bỏ tiền ra để mua hàng hiệu chắc chắn sẽ mua những món đồ đó ở nước ngoài, nơi họ cảm thấy có thể tin tưởng được, thay vì mua ở Việt Nam. Ngoài ra, Vinh cũng cho rằng, thị trường đồ xa xỉ ở Hà Nội kém sôi động hơn Sài Gòn, khi một số lượng lớn khách hàng của thị trường này tập trung ở thành phố mang tên Bác. 



Một vấn đề nữa mà theo Vinh, nó ảnh hưởng không ít tới việc vắng vẻ của Tràng Tiền Plaza, đó là giá cả những mặt hàng tại TTTM này đắt hơn hẳn những món tương tự nhưng mua ở những nước lân cận như Sing hay Hong Kong, mức chênh khá cao, từ 20-30% so với giá trị gốc. 

Dịch vụ không tốt

Theo Nguyễn Ích Vinh, dịch vụ tại Tràng Tiền Plaza "quá kém so với tầm cỡ ban đầu của TTTM này". Với kỳ vọng là một trong những trung tâm mua sắm hàng hiệu, với phong cách sang trọng, xa xỉ, khách hàng không hề nhận được sự chăm sóc tương xứng khi đặt chân vào đây. Vinh đưa ví dụ ở các cửa hàng, khu thương mại lớn tại Nhật và so sánh với Tràng Tiền Plaza để người đọc có thể thấy rõ sự chênh lệch. Khi mà bước vào Tràng Tiền Plaza, khách không được chào do bảo vệ ngáp ngủ, hay phải tự tìm chỗ gửi xe ô tô khi vào hầm, nhân viên bán hàng thì ngồi buôn chuyện và không biết cách giới thiệu sản phẩm tới khách hàng. Vinh cho rằng, những người giàu không thích bị quá săn đón khi mua hàng cũng như không muốn người bán hàng cầm quá nhiều vào sản phẩm họ định mua. 

Vinh kết luận: “Chúng tôi sẽ không mua ở Tràng Tiền vì các bạn muốn chúng tôi tiêu tiền như giới siêu giàu, nhưng lại mang cho chúng tôi dịch vụ bình dân”.



Không biết bán hàng

Một trong những sai lầm nổi cộm của Tràng Tiền Plaza, theo Nguyễn Ích Vinh đó là: Không tạo được cho khách cảm giác muốn mua hàng. Khi mà việc bỏ ra cả chục, cả trăm ngàn đô la không phải là chuyện đùa, và “99% số người vào thăm các bạn sẽ không mua trong lần đầu tiên”, thế nhưng nhân viên không hề biết cách trao đổi thông tin với khách, không thể tư vấn và đưa ra lý do để khách lựa chọn món đồ đó và có cảm giác muốn quay lại để mua. “Nếu tôi là các bạn, tôi sẽ không để khách hàng của mình ra đi mà không mang theo nụ cười và số điện thoại di động của chính bạn, vì biết đâu chính họ sẽ gọi lại”. 

Vinh cũng cho rằng, khâu chăm sóc khách hàng của Tràng Tiền Plaza vẫn còn nhiều thiếu sót khi không tạo được sự kết nối giữa người mua và người bán. “Các bạn phải làm chúng tôi cảm thấy mua hàng của các bạn là mang được một tuyệt tác thời trang của thế giới về dùng, hoặc mang đi tặng với ý nghĩa mà các bạn cũng nghĩ hộ chúng tôi 1 lần. Nếu chúng tôi được coi là khách hàng hạng sang, thì các bạn phải làm chúng tôi nhớ tới các bạn hoặc ít nhất có số mobile của các bạn, và các bạn phải nhớ được ngày sinh nhật hay 1 sự kiện nào đại loại liên quan đến vợ, người yêu, bố mẹ, con cái chúng tôi, vì rất có thể chúng tôi sẽ không mua gì trị giá 1 ngàn đô cho mình, nhưng sẽ mua gì đó trị giá 5 ngàn đô để tặng cho người mà chúng tôi yêu thương”.

Từ quan điểm này, Vinh đưa ra nhiều gợi ý về cách tiếp cận khách hàng như tìm cách lấy danh sách của các hãng xe lớn như Mercedes, Audi, BMW, từ đó gửi tin nhắn và thông báo, tạo thói quen cho khách hàng mỗi khi nghĩ đến việc mua hàng hiệu là sẽ đến Tràng Tiền Plaza thay vì ra nước ngoài. 

Tuy nhiên, Ích Vinh cũng đồng ý với chiến lược chuyển từ kinh doanh hàng hạng sang sang tầm trung. Anh cho rằng Tràng Tiền Plaza sai từ chi tiết. Mà người siêu giàu thì thường để ý đến chi tiết. 

Cuối bài viết, Nguyễn Ích Vinh nhấn mạnh, đây hoàn toàn là những quan điểm cá nhân của riêng anh, và Johnathan Hạnh Nguyễn là một trong những doanh nhân xuất sắc nhất hiện nay. "Tràng Tiền Plaza thất bại có khi chỉ đơn giản là do vị lãnh đạo cao nhất không hoặc chưa quan tâm đến vài chục triệu đô vì chừng đó cũng chỉ là 1 phần nhỏ trong khối tài sản và business khổng lồ của ông. Thất bại này cũng sẽ chỉ là tạm thời”.