Bị tai nạn giao thông, cậu SV năm cuối giã từ giấc mơ làm thầy giáo

Dân Trí, Theo 15:45 04/11/2012

Ước mơ trở thành thấy giáo vụt tắt khi Tuấn bị tai nạn trong thời gian thực tập. Khi sự sống đang được tính từng ngày, giấc mơ phấn trắng bảng đen vẫn dằn vặt cậu sinh viên năm cuối từng phút giây.

Trong ngôi nhà nhỏ hai gian nhà ẩm thấp của gia đình Lê Văn Tuấn (SN 1992, sinh viên năm 3, Trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An) không có gì đáng giá ngoài hai chiếc giường cũ kỹ ọp ẹp. Dường như những gì có thể bán được đều đã bán đi để chạy chữa cho Tuấn. Trong cái không gian ẩm thấp ngột ngạt ấy, mùi thuốc men quyện với mùi hôi hám của chiếu chăn và những vết lở loét trên cơ thể tiều tụy đang bị phân hủy dần của Tuấn xộc lên làm chúng tôi không khỏi ái ngại.

Tuấn nằm một chỗ, những chiếc xương trồi lên như thể sắp bật khỏi cơ thể gầy mòn, đôi mắt sâu hoắm nhìn như vô hồn vào khoảng không trước mặt. Chỉ có tiếng khò khè phát ra từ ống thở cắm vào mũi là dấu hiệu để người ta nhận biết rằng em vẫn còn tồn tại.

Bị tai nạn giao thông, cậu SV năm cuối giã từ giấc mơ làm thầy giáo 1
Sau vụ tai nạn, cậu sinh viên năm cuối Lê Văn Tuấn phải từ bỏ giấc mơ giảng đường và sống đời sống thực vật

Cố nuốt vào lòng những giọt nước mắt bất lực, anh Lê Văn Quân (40 tuổi) – bố Tuấn cho biết: “Vợ chồng tôi sinh được hai cháu, Lê Văn Tuấn là con đầu. Cuộc sống không hòa thuận nên hai vợ chồng đã li hôn, giờ cháu Tuấn ở cùng bố và ông bà nội. Cháu là đứa ngoan ngoãn, thông minh lại chịu khó. Giấc mơ làm thầy giáo của Tuấn sắp trở thành hiện thực thì xảy ra cơ sự này…”.

Khoảng tháng 4/2012, đang trong thời gian thực tập cuối khóa, Tuấn bị tai nạn. Bạn của Tuấn bị gãy chân, còn Tuấn bị chấn thương nặng phải chuyển ra Hà Nội ngay trong đêm. Với kết luận gãy chân, vỡ gan, vỡ lá lách, não thiếu oxi… việc duy trì được sự sống cho Tuấn là một kỳ tích. Số tiền vay mượn, cầm cố theo Tuấn ra Hà Nội cũng hết, anh Quân lại bấm bụng đưa con về Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp tục nuôi hy vọng.

Bị tai nạn giao thông, cậu SV năm cuối giã từ giấc mơ làm thầy giáo 2
Thức ăn hay nước uống để duy trì sự sống cho Tuấn đều được đưa qua đường xông

Thế nhưng, cả gia đình của chỉ cầm cự được hơn 4 tháng. Túi không còn một xu, không còn chỗ có thể vay mượn, gia đình đành đưa Tuấn về nhà, chờ đợi phép màu của số phận. Rời bệnh viện, Tuấn gần như rơi vào trạng thái sống thực vật.

Ngồi nhìn đứa cháu nội - niềm hy vọng của cả nhà đang nằm bất động trên giường, bà Lê Thị Hải (65 tuổi) - bà nội của Tuấn bật khóc: “Hắn mơ ước được trở thành thầy giáo nên đăng ký thi vào Trường cao đẳng Sư phạm Nghệ An. Hôm nhập học, hắn bảo tôi, học sư phạm ông bà với bố cũng đỡ tốn kém, ra trường chịu khó lên miền núi cũng được. Cháu nó còn có mấy tháng nữa là ra trường rồi, vậy mà… Giờ hắn nằm một chỗ có biết chi xung quanh nữa mô. Ăn cũng phải dùng vòi xông, vệ sinh phải dùng thuốc kích thích, thở thì toàn ra đờm dãi nên cũng không thở được. Cứ 2 tiếng bà phải trở mình một lần cho hắn mà bại cái bả vai, mông cứ loét dần đi. Cháu tôi có tội tình chi mà ông trời bắt nó sống khổ sống sở như ri…”.

Hai ông bà già yếu, bố Tuấn cũng không được nhanh nhẹn như người ta, toàn bộ chi phí thuốc thang cho Tuấn chỉ phụ thuộc vào mấy sào ruộng cộng với tiền công làm thuê bữa đực bữa cái của anh Quân. Nhiều khi túng bấn quá, anh đánh liều đi vay nợ người ta nhưng với khoản nợ lên tới 100 triệu đồng, lại không có tài sản gì đáng giá để thế chấp nên cũng không ai dám cho vay. “Cùng đường rồi các cháu ạ. Mẹ Tuấn cũng khó khăn lắm, không giúp được gì nhiều. Giờ còn mảnh vườn này phải bán thôi chứ nếu không thằng Tuấn cũng không giữ nỗi mạng sống của mình” - anh Quân nói mà như khóc. Bán nhà rồi thì ở vào đâu?

Bị tai nạn giao thông, cậu SV năm cuối giã từ giấc mơ làm thầy giáo 3
Cứ 2 tiếng, bà Hải lại trở mình cho cháu một lần nhưng cũng không thể ngăn những vết lở loét ngày càng nhiều thêm trên cơ thể gầy gò, ốm yếu của Tuấn

Thương hoàn cảnh của Tuấn, thầy giáo chủ nhiệm và các bạn trong lớp cũng đã quyên góp được một số tiền hỗ trợ thêm cho Tuấn nhưng với bệnh tình của Tuấn, nó chỉ như muối bỏ bể. Hàng xóm láng giềng cũng giúp đỡ khi bó rau, lạng thịt, khi vài hộp sữa để bồi dưỡng thêm cho Tuấn.

Về hoàn cảnh của gia đình Tuấn, ông Hồ Chí Cường - Chủ tịch UBND xã Đô Thành cho biết: “Hoàn cảnh cháu Tuấn rất éo le, bố mẹ bỏ nhau, Tuấn ở với bố. Nó là đứa chịu khó, lại ngoan ngoãn. Tội lắm, nó sắp tốt nghiệp đến nơi thì bị tai nạn, giờ phải sống thực vật. Địa phương cũng hết sức quan tâm nhưng khả năng có hạn nên cũng chỉ hỗ trợ gia đình được một phần thôi”.

Tuấn nằm lọt thỏm giữa mùi hôi hám và đống chăn màn nhàu nhĩ. Đôi mắt cậu vẫn nhìn vô hồn vào phía trước, thỉnh thoảng đôi mày lại nhíu lại vì đau đớn. Tôi không rõ là Tuấn có hiểu được rằng ước mơ đứng trên bục giảng của mình đã tắt rồi chợt nghĩ, biết đâu không nhận thức được những gì đang diễn ra với mình lại khiến Tuấn đỡ day dứt, dằn vặt hơn…

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Anh Lê Văn Quân (bố của Lê Văn Tuấn) - xóm Bắc Vực, xã Đô Thành, Yên Thành, Nghệ An

ĐT: 0977.926.584 - bà Hải (bà nội Tuấn)