Woody Allen – Gã lập dị “mắn đẻ”

Nuage, Theo Pháp luật xã hội 00:04 23/11/2013

Đạt tới tột đỉnh thành công với giải thưởng danh giá Cecil B DeMille dự định trao tặng vào lễ trao giải Quả cầu vàng năm 2014 vì những đóng góp cho nền điện ảnh, Woody Allen vẫn là một gã lập dị tự ti và tham công tiếc việc.

Tự nhận là một người nghiện làm việc, cây đại thụ của điện ảnh thế giới thường thức dậy rất sớm và ngồi lỳ ở bàn viết. Thậm chí, ông không cho phép mình nghỉ ngơi mỗi khi hoàn thành xong một kịch bản. Chính vì vậy mà mỗi năm, khán giả vẫn bình chân như vại đón đợi một tác phẩm mới của Woody Allen. Không chỉ làm đạo diễn, viết kịch bản điện ảnh, Woody Allen còn đảm nhận luôn vai chính trong hầu hết các tác phẩm, là một cây viết cứng của tờ New Yorker và là một tay clarinet trong một ban nhạc jazz. Và ở lĩnh vực nào cũng vậy, Woody Allen luôn thể hiện một sức sáng tạo phi thường.

Là một trong số không nhiều đạo diễn mà bất cứ diễn viên nào cũng mong muốn được hợp tác, Woody Allen không bao giờ thể hiện sự kiêu ngạo, hãnh tiến mà trái lại, ông khiêm tốn, thậm chí tự ti nói rằng chỉ có một số ít người thích phim của ông và chúng thực sự không có doanh thu khổng lồ như những tin đồn. Cũng theo Woody Allen, những thành quả ông có được ngày nay phần lớn là nhờ những may mắn bất ngờ. Rất đơn giản, ông nói rằng mình muốn làm những bộ phim cho bản thân và những người thực sự muốn thưởng thức chứ không phải cho các nhà phê bình hay toàn bộ mọi khán giả.“Không ai nhắc nhở nhưng tôi vẫn thực hiện những bộ phim mình muốn làm”, ông nói. Và bao giờ cũng vậy, nhiều năm nay, các hãng phim luôn phải tế nhị “bỏ mặc” Woody Allen làm những gì ông muốn, có như thế, đạo diễn nổi tiếng mới có thể vận dụng hết khả năng sáng tạo của mình. 

Woody Allen – Gã lập dị “mắn đẻ” 1
Vị đạo diễn lừng danh vẫn gõ kịch bản trên chiếc máy đánh chữ mà ông đã dùng từ năm 16 tuổi

Khi bắt đầu đến với điện ảnh vào năm 1960, Woody Allen trung thành với thể loại phim hài. Với ông, đó cũng là một liều thuốc để đối phó với những cơn đau do cuộc sống khó khăn mang lại. Đến những năm 1970, ông thêm yếu tố chính kịch vào trong các tác phẩm của mình nhằm mang lại sự sâu sắc và phong phú cho sắc màu điện ảnh của bản thân. Bộ phim Annie Hall được coi là bộ phim tốt nhất của Woody Allen đã gây chấn động ngành công nghiệp điện ảnh khi đưa mối quan hệ con người làm trung tâm của bộ phim thay vì đầy rẫy những chuyện đùa như luật bất thành văn của phim hài từ trước đến nay. Bên cạnh đó, Woody Allen còn thể hiện một khả năng tuyệt vời trong việc lồng ghép những vấn đề bi thảm vào trong những bộ phim của mình, kể cả là phim hài đơn thuần. 

Suốt hơn 4 thập kỷ qua, sức sáng tạo của Woody Allen không có dấu hiệu vơi cạn, mà trái lại càng thăng hoa. Bị ám ảnh bởi những điều tầm thường của cuộc sống và cả cái chết, ông làm việc gấp gáp như để chạy đua với thời gian. “Những ngón tay bận rộn là những ngón tay hạnh phúc”, ông nói. Khi nảy ra một ý tưởng mới, ông viết chúng vào bất cứ nơi đâu hay mảnh giấy nào tìm được. Không giống như nhiều người viết kịch bản khác, Woody Allen không yêu cầu một không gian sáng tạo cô lập, ông làm việc khắp mọi nơi. Cũng không giống như những người giàu có khác, ông luôn bối rối, do dự về cách phân chia tài chính cho các dự án tiếp theo. Sau khi đã chu toàn các khâu của dự án, không còn phải lo lắng gì, lúc ấy, Woody Allen mới hoàn thành kịch bản, khâu khó khăn nhất của bộ phim. Điều ngạc nhiên hơn cả là vị đạo diễn lừng danh vẫn gõ kịch bản trên chiếc máy đánh chữ mà ông đã dùng từ năm 16 tuổi. Nếu lỡ gõ một đoạn chưa ưng ý hoặc muốn chỉnh sửa lại một vài câu chữ, ông thường đánh dấu rồi ghi chú lên đầu trang. Woody Allen viết rất nhanh nhưng không có nghĩa là việc viết kịch bản luôn thuận lợi. Đôi khi, ông rời bàn viết và đi dạo trên sân thượng căn hộ của mình, đi tắm để thư giãn đầu óc. Thường ông sẽ tìm ra lối thoát cho tình huống của kịch bản. Hoàn thành một phân đoạn hay một kịch bản, ông lại nằm xuống giường và tiếp tục về diễn biến hay kịch bản tiếp theo. Thường Woody Allen thất vọng vì bộ phim chưa nắm bắt được những gì ông gửi gắm trong kịch bản gốc.  

Woody Allen – Gã lập dị “mắn đẻ” 2
Woody Allen và "nàng thơ" Penelope Cruz

Điều đặc biệt hơn cả ở bậc “lão làng” của Hollywood là ông không bao giờ đọc lại kịch bản sau khi hoàn thành. Với ông, nó đã trở nên nhàm chán. Và sau khi bản thảo hoàn thành, ông cũng đã có hình dung và ý định mời các diễn viên mà mình ưng ý mà không cần qua khâu thử giọng hay thử diễn xuất. Ông bí mật gửi kịch bản trực tiếp tới diễn viên chứ không qua người đại diện. Các diễn viên phải đọc kịch bản kèm theo câu trả lời đồng ý hay không trong khoảng 24 giờ sau đó. Woody Allen cũng đốc thúc, yêu cầu, mời gọi các diễn viên mà ông thích tham gia diễn xuất trong bộ phim qua email hoặc thư viết tay. Tuy nhiên, vị đạo diễn kỳ quái không thích tổ chức một cuộc họp mặt các diễn viên mà ông đã chọn cho bộ phim của mình. Thường ông sẽ gặp từng người trong một khoảng thời gian rất ngắn, có khi không đến 30 giây và quyết định họ sẽ đảm nhiệm vai diễn nào. Woody Allen cũng sẵn sàng loại thẳng tay những diễn viên mình đã chọn khỏi đoàn phim nếu cảm thấy họ không làm tốt như ông đã kỳ vọng. 

Phong cách đạo diễn của Woody Allen luôn luôn độc đáo, ông không nói nhiều nhưng các diễn viên đều nói rằng ông là một đạo diễn tuyệt vời. Ông thường gợi ý nhiều hơn là chỉ đạo và mặc dù từng chơi Jazz, một thể loại âm nhạc đầy ngẫu hứng, ông luôn yêu cầu họ phải tôn trọng và làm đúng những gì viết trong kịch bản. Và các diễn viên đôi khi "đứng hình" khi Woody Allen luôn lẳng lặng thực hiện các phân cảnh bất ngờ mà không báo trước. Với sự am hiểu sâu sắc những khía cạnh hình ảnh của một bộ phim, Woody Allen luôn thực hiện các phân cảnh rất nhanh và hiệu quả. Nhà làm phim từng được đề cử Oscar ở hạng mục Kịch bản nhiều hơn bất cứ tác giả nào cũng không tiếc tiền thuê những nhà quay phim hàng đầu làm cộng sự cho mình, ví dụ như Gordon Willis (Quay các phim Annie Hall và Manhattan), người từng quay bộ phim lừng danh The Godfather (Bố già). 

Woody Allen – Gã lập dị “mắn đẻ” 3
Woody Allen – Gã lập dị “mắn đẻ” của làng điện ảnh thế giới

Mỗi bộ phim, với Woody Allen giống như một bài học. Ông tự tay làm các khâu sau sản xuất và chỉnh sửa bộ phim tới lúc nào cảm thấy ưng ý. Và không giống như các đồng nghiệp khác, thường thích đề cập tới những tác phẩm của bản thân được công chúng hoan nghênh, Woody Allen thích những bộ phim không có thành công rực rỡ, không được tất thảy khán giả đón nhận.

Sở hữu hơn 40 tác phẩm điện ảnh, 23 lần được đề cử giải Oscar và đoạt 4 Tượng vàng, đoạt 9 giải BAFTA (giải của Viện Hàn lâm Điện ảnh và Nghệ thuật Truyền hình Anh), luôn luôn đổi mới, sức lao động của Woody Allen luôn khiến tất thảy công chúng kinh ngạc. Không chỉ là nhà làm phim được công chúng New York và giới trí thức châu Âu ngưỡng mộ, với những Vicky Christina Barcelona, Midnight in Paris, Blue Jasmine, ông còn là thần tượng của những nhà làm phim độc lập, một thành quả xứng đáng dành cho kẻ lập dị “mắn đẻ” của làng điện ảnh thế giới.