“Ông trùm” đứng sau thiên tài graffiti Banksy

Nuage, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 11/11/2013

Nghi vấn về việc Damien Hirst bằng mưu mẹo và tiền bạc đã giúp danh tiếng của Banksy lên như diều gặp gió gần như đã trở thành một câu chuyện truyền miệng trong giới nghệ thuật graffiti.

Từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, một bảo tàng graffiti mang nhiều thông điệp thời đại thường chỉ sau một đêm xuất hiện ở các đô thị lớn trên thế giới khiến công chúng không khỏi tò mò. Tác giả của những tác phẩm đường phố đặc biệt ấy là Banksy, một nghệ sĩ người Anh ẩn danh mà thông tin có được về anh vô cùng ít ỏi. 

Sau vụ tác phẩm Sirens of the lambs (Lời nguyện cầu của bầy cừu) miêu tả một lò mổ di động gây kinh hãi của Banksy trên đường phố New York và bức tranh một người lính Đức quốc xã ngồi quay lưng trên băng ghế, phía trước là cảnh núi tuyết được bán với giá 615.000 USD mới đây, tờ Daily Beast đã đưa ra nghi vấn về nhân vật đứng sau danh xưng Banksy. Damien Hirst - một nghệ sĩ lập dị xuất thân từ tầng lớp lao động ở Leeds (Anh), được giới nghệ thuật nước này đánh giá rất cao và là một thương hiệu toàn cầu không thể nhầm lẫn. Theo đó, tờ báo này đã lật lại một số sự kiện nhằm kết nối hai nhân vật Banksy và Damien Hirst.

“Ông trùm” đứng sau thiên tài graffiti Banksy 1
Tác phẩm Sirens of the lambs (Lời nguyện cầu của bầy cừu) miêu tả một lò mổ di động gây kinh hãi của Banksy trên đường phố New York 

Hirst và Banksy, vốn được biết đến như hai cực trái dấu của thế giới nghệ thuật, một bên công khai các phẩm hoành tráng và thu về những món lợi tài chính khổng lồ, bên khác lại sáng tạo một cách “thầm lén” và luôn giữ kín về danh tính. Tuy vậy, vào năm 2006, Banksy đã đồng ý tham gia một triển lãm của Hirst tại Serpentine Gallery ở London (Anh). Tại đây, dẹp đi những định kiến và sự mỉa mai nhau trước đó, Damien Hirst đã không tiếc lời ca ngợi Banksy: “Tôi luôn nghĩ rằng Banksy là một nghệ sĩ lớn. Anh đã khiến các con phố quen thuộc trở nên thú vị và đối xử với công chúng thân thiện thay vì coi họ là khách hàng”. Và tin đồn về danh tính thật của Banksy và sự liên quan mật thiết với Damien Hirst bắt đầu. 

“Ông trùm” đứng sau thiên tài graffiti Banksy 2
Waiting in vain (Đợi chờ trong vô vọng)

Chính Bettina Prentice, người sáng lập và chủ sở hữu của tổ chức Prentice Art Communications nổi tiếng cũng cho rằng Damien Hirst là “ông trùm” đứng sau công việc sáng tạo của Banksy và không chỉ vậy, một số quan chức nghệ thuật cũng “tiếp tay” cho công việc của nghệ sĩ ẩn danh nổi tiếng. Nhờ có sự bảo trợ bí mật này, các tác phẩm biết nói và có phần phức tạp của Banksy mới có thể tồn tại lâu dài cũng như giúp anh trở thành nghệ sĩ graffiti nổi tiếng. Hơn nữa, dưới sự đảm bảo này, Banksy mới có thể sáng tác mà không bị các thế lực, điều kiện ngoại cảnh khác tác động. Đó có thể  là nhờ vào túi tiền của Damien Hirst.

“Ông trùm” đứng sau thiên tài graffiti Banksy 3
 Damien Hirst - một nghệ sĩ lập dị với thương hiệu nổi tiếng khắp toàn cầu được xem là "ông trùm" đứng đằng sau thiên tài graffiti Banksy

2 năm sau đó, một tác phẩm hợp tác của cả hai mang tên Keep It Spotless được bán cho Sotheby với giá 1,8 triệu USD, cũng là kỷ lục cá nhân của Banksy. Năm 2009, Damien Hirst và Banksy lại tiếp tục hợp tác trong một bức tranh được trưng bày ở Bảo tàng Bristol (Anh). Vì thế, có tin đồn rằng Hirst, vốn được biết đến như một nghệ sĩ giàu có nhất nhì thế giới chính là nhà tài trợ của Banksy và nhờ động thái này, nghệ sĩ đàn anh quảng bá rộng rãi các tác phẩm của mình. James Top, một trong những nghệ sĩ graffiti tiên phong ở New York, cũng là người bị Banksy “hất cẳng” khỏi vị trí số một trong lĩnh vực graffiti cũng khẳng định rằng Banksy có người đứng sau, hỗ trợ và đó chắc chắn là một nhân vật siêu giàu. 

“Ông trùm” đứng sau thiên tài graffiti Banksy 4
Vomiting hearts (Nôn ra trái tim)

Ảnh hưởng của tác phẩm Banksy đã gây nên những cơn sốt trong giới truyền thông và cả sự giận dữ của thị trưởng thành phố New York - Michael Bloomberg. Trong một cuộc họp báo về thực trạng graffiti tràn ngập trên đường phố, ông Bloomberg gay gắt: “Hoạt động trên bất động sản hoặc tài sản thuộc sở hữu công cộng không phải là định nghĩa của tôi về nghệ thuật. Hoặc có thể là nghệ thuật, nhưng nó không nên được cho phép”.

“Ông trùm” đứng sau thiên tài graffiti Banksy 5
Một trong số các bức tranh của Banksy khiến thị trưởng thành phố New York - Michael Bloomberg đau đầu

Trong cuộc phỏng vấn mới đây với tờ Village Voice, như thường lệ, Banksy tiếp tục bỏ qua câu hỏi về danh tính của bản thân mà chỉ trả lời về mục đích sáng tạo của mình. “Tôi nhận ra rằng nghệ thuật đường phố là một kênh tiếp thị cần cho một sự nghiệp, và đó là lý do tại sao tôi muốn làm nghệ thuật mà không màng tới tiền bạc”. 

“Ông trùm” đứng sau thiên tài graffiti Banksy 6
Banksy luôn giấu mặt và từ chối trả lời các câu hỏi về danh tính trong những cuộc phỏng vấn hiếm hoi