Nhìn và nghe với nghệ thuật tối giản

Châu An, Theo Trí Thức Trẻ 00:13 17/10/2013

Ở nghệ thuật tối giản, chính những nguyên liệu đơn giản với số lượng ít nhất lại trở nên có hiệu quả nhất.

Minimalism - Tối giản, là một trường phái xuất hiện nhiều trong các loại nghệ thuật khác nhau, đặc biệt là nghệ thuật thị giác và âm nhạc. Ở đó, người nghệ sĩ làm nổi bật chủ thể tác phẩm bằng cách loại bỏ hầu hết những khách thể xung quanh. 

Trường phái tối giản trong nghệ thuật thị giác

Trường phái Tối giản được ghi nhận vào khoảng thời gian sau chiến tranh thứ II tại phương Tây, trước hết là ở nghệ thuật thị giác tại Mỹ, vào khoảng thời gian 1960 - 1970. Nó được coi là một nhánh trong Nghệ thuật Hiện đại. Những tên tuổi có tiếng trong trường phái này có thể kể đến Donald Judd, John McCracken, Agnes Martin, Dan Flavin, Robert Morris, Anne Truitt và Frank Stella.

Trong nghệ thuật thị giác, nghệ thuật tối giản còn được biết đến với các tên gọi minimal art, literalist art và ABC art. Trường phái này bắt đầu nổi lên vào đầu những năm 1960, được phát triển bởi một số họa sỹ thuộc trường phái Hình học trừu tượng (Geometric Abstraction).

Hình học trừu tượng thường được lấy ý tưởng từ những nét vẽ, hình dáng manh tính hình học, có thể được đặt trong những không gian ảo và để liên kết những hợp chất phi vật thể. Những hình họa này giúp cho người nghệ sĩ có thể chỉ rõ không gian đa chiều của tranh.

Nhìn và nghe với nghệ thuật tối giản 1
Tranh tối giản Black square của Kazimir Malevich (1915)

Nhìn và nghe với nghệ thuật tối giản 2
Trái: Voice of Fire của Barnett Newman (1967)
Phải: Free Ride của Tonny Smith (1962)

Ở trường phái tối giản, đúng như tên gọi của nó, người nghệ sỹ luôn lựa chọn những điều đặc trưng nhất của chủ thể. Những tông màu sử dụng làm nền hay minh họa cũng thường là những màu đơn và bệt. Không có nhiều mảng màu biến hóa, phức tạp hay lóng lánh,nhưng với những bức tranh tối giản, người xem có thể thỏa sức bay bổng và tưởng tượng về một tác phẩm tối giản. Đó là lý do những tác phẩm này có thể ghi đậm dấu ấn trong tâm trí của người xem.

Trường phái tối giản này có tác dụng đặc biệt trong những thiết kế poster và bao bì. Hãy cùng xem một số các poster phim ấn tượng thuộc trường phái tối giản này.

Nhìn và nghe với nghệ thuật tối giản 3
Câu chuyện về cuộc đời của Michael Jackson
được tái hiện một cách chi tiết qua những hình vẽ đơn giản

Nhìn và nghe với nghệ thuật tối giản 4
100 năm hãng phim Paramount và những bộ phim nổi tiếng qua hình tối giản

Nhìn và nghe với nghệ thuật tối giản 5

Nhìn và nghe với nghệ thuật tối giản 6
Tranh tối giản sử dụng những nét đặc trưng của nhân vật

Trường phái tối giản trong âm nhạc

Trong nghệ thuật thị giác, có thể mọi người không còn xa lạ với trường phái tối giản. Nhưng không phải ai cũng biết đến trường phái này trong âm nhạc.

Âm nhạc tối giản cũng xuất hiện tại cùng thời gian và khu vực địa lý với nghệ thuật thị giác tối giản, khoảng năm 1960 tại Mỹ. Những người đầu tiên áp dụng thể loại này là những nhà soạn nhạc tại New York, như La Monte Young, Terry Riley, Steve Reich, và Philip Glass. Ban đầu, âm nhạc tối giản được coi như một thể loại nhạc thử nghiệm dưới tên gọi New York Hypnotic School.

Đặc điểm chính của nhạc tối giản là những đoạn hòa âm khá dịu và dễ nghe, với nhịp đều với sự chuyển đổi nhịp nhàng. Đôi khi, những đoạn nhạc tối giản còn mang đến cảm giác âm thanh đều đều, thậm chí như ngưng đọng lại.

Nhạc tối giản có âm luật chặt chẽ, một đoạn nhạc thường chỉ có một motif, với 3 hoặc 4 nốt và 2 hợp âm.

Để miêu tả về nhạc tối giản, Leonard Meyer, một nhà soạn nhạc nổi tiếng của Mỹ đã kết luận rằng "Trong âm nhạc tối giản, gần như không có sự ý niệm về chiều chuyển động. Không có nhạc dẫn hay kết. Chúng chỉ đơn giản nối theo nhau mà thôi."

Đến cuối thế kỷ 20, âm nhạc tối giản đã trở thành thể loại nhạc thử nghiệm phổ biến nhất thế giới, ghi dấu ấn cho nhiều tên tuổi nhạc sĩ tại Châu Âu và Mỹ.

Cùng thử nghe một số đoạn nhạc theo trường phái tối giản:



Âm nhạc tối giản êm dịu và dễ nghe