Hậu trường Hoàng gia Nhật Bản

Kachi, Theo Pháp luật xã hội 00:00 19/01/2014

Những gì xảy ra đằng sau tấm rèm che khuất thế giới của Hoàng gia Nhật Bản vẫn luôn là một bí mật lớn với công chúng.

Nhật Bản là một trong những đất nước có chế độ quân chủ lâu đời nhất thế giới. Dòng dõi Hoàng tộc (Tenno) đã có lịch sử 1700 năm liên tục cho đến ngày nay, một lịch sử huy hoàng, vinh quang và không kém phần phức tạp. 

Nhật hoàng Akihito (sinh ngày 23/12/1933) là Tenno 125 của Nhật Bản, lên ngôi vào năm 1989, kế thừa triều đại Ngai vàng hoa cúc, biểu tượng của mặt trời đang tỏa chiếu là biểu tượng của Hoàng gia và là quốc huy Nhật Bản hiện nay. Từ Tenno, trong tiếng Nhật có nghĩa là “Người đứng đầu thiên thượng”, nhấn mạnh mối giao hòa giữa Quốc vương và các vị thần, nên còn được gọi là Thiên hoàng. Theo biên niên sử thế kỷ thứ tám, vị Tenno đầu tiên là là cháu trai nữ thần mặt trời Amaterasu.

Hậu trường Hoàng gia Nhật Bản 1
Vợ chồng Nhật hoàng Akihito thăm Fukushima

Với hơn 1.000 “nhân viên”, triều đình Nhật Bản được xem là một “cơ quan” nghiêm cẩn, nhận nhiệm vụ trợ giúp việc trị vì đất nước của Hoàng đế. Cơ cấu tổ chức này dù đã ra đời vào năm 701 nhưng vẫn nhận lại những chỉ trích của công chúng, nhất là với việc siết chặt các nghi lễ với các thành viên và nhân viên Hoàng gia. Thí dụ như Công nương Masako, năm nay 50 tuổi, vợ của Hoàng thái tử Naruhito từng bị cấm nhuộm tóc và nói chuyện với những người bạn cũ ở hiệu sách. Các quy định ngặt nghèo này được giải thích là cần thiết để bảo vệ bí mật của chế độ quân chủ Nhật Bản. Nói cách khác, việc lộ các bí mật sẽ làm suy giảm và đưa chế độ quân chủ xuống vực thẳm, làm lung lay ngai vàng nghìn đời. Cũng là một bí ẩn, tài sản tích lũy của Hoàng gia Nhật vẫn luôn gây tò mò với công chúng. Ngoài các đồ trang sức, đá quý, theo lời đồn đại có ba vật báu truyền đời khác là một tấm gương, một thanh kiếm và một lá bùa hộ mệnh. Thanh kiếm Atsutsa được giữ trong các đền thờ, bàu đặt trên bàn thờ Hoàng cung, gương là vật thiêng được giữ ở ngôi đền Ise.

Năm 1937, Nhật hoàng Hirohito đã gây chấn động khi tuyên bố trước toàn thể nhân dân rằng bản thân ngôi vị của ông không dựa trên một đại diện tưởng tượng. Tuy nhiên, những truyền thống thờ kính và nghi lễ bí ẩn vẫn được Hoàng gia thực hành. Thí dụ, tháng 10 có ngày lễ tỏ lòng biết ơn hay còn là lễ tạ ơn (niiname sai). Vào ngày này, mặc một bộ kimono lụa trắng, Tenno sẽ rút lui vào phòng cầu nguyện của cung điện, mà thường được gọi là dự bữa tối với Nữ thần Mặt trời. Trên chiếc bàn ăn phục vụ Hoàng đế và Nữ thần Mặt trời phục vụ các món ăn từ các nông sản của vụ thu hoạch gần nhất, được chế biến và bày biện một cách chu đáo, cẩn trọng. 

Hậu trường Hoàng gia Nhật Bản 2
Công chúa Aiko, con độc nhất của Hoàng thái tử Naruhito và Công nương Masako được dự đoán sẽ mở ra triều đại “Vua bà” tương lai

Năm 2001, việc ra đời của Công chúa Aiko, con độc nhất của Hoàng thái tử Naruhito và Công nương Masako được dự đoán sẽ mở ra triều đại “Vua bà” tương lai. Điều này trái với quan điểm của truyền thống, rằng người thừa kế ngai vàng nếu là một phụ nữ sẽ phạm thánh. Trên thực tế, sự kiện này không ăn thua gì với những biến cố xảy ra trong chiều dài lịch sử của chế độ quân chủ ở Nhật Bản, với các âm mưu, chiến tranh dân sự, chiếm đoạt ngai vàng diễn ra một cách âm thầm hoặc ầm ĩ trong Cung điện. 

Thời hoàng kim của chế độ quân chủ Nhật Bản được gọi là thời Heian (794-1192). Đó là một thời gian tương đối yên bình với những sáng tạo văn hóa còn nguyên giá trị đến ngày nay như thơ ca, thư pháp… Sau thời hoàng kim, ngai vàng bắt đầu có những giai đoạn lung lay do các cuộc thư hùng nhằm chiếm ngôi báu nhưng vị trí, thiên tính của Hoàng đế vẫn còn nguyên vẹn. Để đảm bảo sự vững chắc của Hoàng gia, cụ thể là thời kỳ Edo, còn gọi là thời kỳ Tokugawa, một giai đoạn trong lịch sử Nhật Bản từ năm 1603 đến năm 1868, các vị Hoàng đế đã ra lệnh cắt đứt mọi quan hệ với người nước ngoài. Theo đó, các nhà truyền giáo Kitô giáo bị trục xuất hoặc bị giết. Chỉ các hoàng đế Trung Quốc và thương gia Hà Lan mới có quyền bước chân vào đất nước Nhật Bản. Việc cách ly triệt để này nhằm duy trì tình trạng hòa bình và sự ổn định nhưng đồng thời cũng ngăn chặn các tiến bộ công nghệ của phương Tây, để lại những hậu quả không nhỏ cho đất nước.

Tới ngày 8/7/1853, việc xuất hiện bốn tàu chiến Mississippi, Saratoga, Plymouth và Susquehanna, dưới sự chỉ huy của Matthew Perry đã gây nên những thay đổi to lớn ở Nhật Bản. Thanh kiếm và các Samurai không thể chống chọi nổi các vũ khí tối tân của phương Tây. Biên giới được mở cửa và hợp đồng thương mại được ký kết. Chế độ phong kiến Shogun sớm sụp đổ và Mutsuhito, Tenno thứ 122 lấy lại sức mạnh và quyền lực.

Hậu trường Hoàng gia Nhật Bản 3
Hirohito là vị Hoàng đế năng động nhất trong lịch sử chế độ quân chủ Nhật Bản

Năm 1926, Thiên hoàng Chiêu Hòa, tên thật là Hirohito lên ngôi. Ông làm vua từ năm 1926 đến 1989, có thời gian trị vì dài hơn bất cứ một Thiên hoàng nào khác trong lịch sử Nhật Bản, và là vị vua cuối cùng ủng hộ sự thần thánh của Thiên hoàng. Hirohito cũng là vị Hoàng đế năng động nhất trong lịch sử chế độ quân chủ Nhật Bản. Trong thời gian trị vì 63 năm, ông đã chứng kiến không ít sự kiện quan trọng trong lịch sử nước Nhật, là một nhân vật có ảnh hưởng chính trị toàn cầu, vị Hoàng đế đầu tiền đặt chân tới phương Tây. Hoàng đế Hirohito đã gây dựng một đế chế kinh tế và quân sự đáng gờm cho Nhật Bản. Quyền lực tập trung trong tay nhà vua và quân đội.

Lịch sử của chế độ quân chủ Nhật Bản còn gắn với những thăng trầm và các sự kiện lớn như trận thư hùng với Hoa Kỳ ở Trân Châu Cảng, trận bom hủy diệt xuống Hiroshima và Nagasaki trong Thế chiến II. 

Hậu trường Hoàng gia Nhật Bản 4
Hoàng thái tử Naruhito và Công nương Masako rất được lòng công chúng

Đến nay, 90% người dân Nhật Bản vẫn hài lòng với chế độ quân chủ. Chỉ có 10% người dân tin rằng rồi chế độ quân chủ sẽ biến mất. Tenno vẫn là linh hồn của Nhật Bản, đại diện cho niềm tin con người Nhật Bản.