B.B. King - sức mạnh bền bỉ của "Ông vua nhạc blues"

Red, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 15/07/2013

Trong tiếng vỗ tay chào đón, B.B.King bước ra với một dáng vẻ bệ vệ, chạm tay vào chiếc Lucille và gảy những ngón đàn đầu tiên, rồi cất giọng ca đầy uy quyền của một vị vua nhạc blues.

Ông là một nghệ sĩ mà mỗi khi được giới thiệu ra sân khấu, người ta không xướng ngay tên ông, mà luôn luôn giới thiệu một cách trang trọng: "Ông vua nhạc blues". Trong tiếng vỗ tay chào đón, B.B. King bước ra với một dáng vẻ bệ vệ, chạm tay vào chiếc Lucille và gảy những ngón đàn đầu tiên, rồi cất giọng ca đầy uy quyền của một vị vua vương quốc nhạc blues.

B.B. King - sức mạnh bền bỉ của "Ông vua nhạc blues" 1
  "Ông vua nhạc blues" và cây đàn Lucille yêu quý

Ở tuổi 88 với gần 60 album, 18 giải Grammy và hàng tá những giải thưởng danh dự khác, B.B.King vẫn tiếp tục biểu diễn. Tên B.B. King được ghi vào Blues Foundation Hall of Fame năm 1984, bảo tàng Rock and Roll Hall of Fame năm 1987, và được trao giải Cống hiến trọn đời Grammy Lifetime Achievement Award năm 1987. Số lượng ca khúc nổi tiếng của ông lên tới con số hàng trăm. B.B. King cũng luôn nằm trong top 10 guitarist vĩ đại nhất theo bình chọn của tạp chí The Rolling Stones.

Người ta tôn kính Ông vua nhạc blues không chỉ bởi danh hiệu cùng với số lượng vô cùng lớn những giải thưởng danh giá, mà còn bởi trong suốt cuộc đời âm nhạc trải dài hơn nửa thế kỷ, nghệ sĩ 88 tuổi này đã cống hiến không mệt mỏi đến làng nhạc blues và thế giới bằng tiếng guitar réo rắt và giọng hát tràn đầy sức mạnh.

Tên gọi B.B. King và những chiếc Lucille

Riley B. King (tên thật của B.B. King) làm việc cho đài WDIA danh tiếng của Memphis từ năm 1948, với vai trò ca sĩ và disk-jockey (người giới thiệu đĩa nhạc). Từ đây ông bắt đầu dùng nghệ danh Beale Street Blues Boy (Chàng trai blues trên phố Beale), về sau rút ngắn thành Blues Boy và viết tắt là B.B.

B.B. King - sức mạnh bền bỉ của "Ông vua nhạc blues" 2
B.B. King, "the Beale Street Blues Boy" ở tuổi 23, quảng cáo cho kênh radio WDIA, 1948

Bluesman B.B.King và cây guitar Lucille mà ông yêu quý

King gọi chiếc guitar của mình là Lucille. Câu chuyện về tên gọi này bắt nguồn từ năm 1949. Khi ấy ông đang chơi cho câu lạc bộ khiêu vũ ở Twist (Arkansas). Một lần đang trong buổi biểu diễn, hai thanh niên gây gổ nhau vì một người phụ nữ, họ kết thúc cuộc xung đột bằng việc đốt cháy câu lạc bộ. King thoát được ra ngoài, nhưng ông nhớ ra mình để quên chiếc guitar, ông lao vào trong đám cháy để cứu chiếc Gibson yêu quý. Ngày hôm sau, ông tìm hiểu được người phụ nữ - nguyên nhân của vụ gây gổ giữa hai người đàn ông - cô ấy tên là Lucille. King bắt đầu đặt tên cho chiếc guitar của ông là Lucille từ đó, cũng là một cách nhắc nhở về một trải nghiệm chí tử của mình, rằng đừng bao giờ ngu ngốc mà lao vào một cuộc đấu đá vì phụ nữ. Về sau, hãng Gibson cho ra đời mẫu guitar có tên Lucille từ năm 1981.

B.B. King - sức mạnh bền bỉ của "Ông vua nhạc blues" 3
Bluesman B.B. King


B.B. King hát về chiếc Lucille

B.B.King những ngày đầu tiên chơi nhạc blues

Riley B. King sinh năm 1925, trong một gia đình lao động nghèo ở trang trại gần thị trấn Itta Bena của vùng Mississipi Delta - quê hương nhạc blues. Cậu bé King 7 tuổi đã phải làm việc trên đồng như một chàng trai trưởng thành. Âm nhạc bắt đầu đến với King từ nhà thờ Elkhorn Baptist của vùng Kilmichael (Mississippi), nơi King và mẹ chuyển đến không lâu sau khi người cha bỏ đi. Những giai điệu thánh ca vang lên trong nhà thờ của người Mỹ-Phi đã cấy vào King ước mơ trở thành một ca sĩ nhạc gospel, ông bắt đầu học cơ bản về guitar từ người thuyết giáo của ông.

Vào năm 1943, khi 18 tuổi, King bỏ trường học để trở về vùng Delta, nơi ông làm việc lái xe kéo và bắt đầu hoạt động âm nhạc. King dành những giờ nghỉ để tham gia hát cùng một nhóm nhỏ trên các góc phố ở những thị trấn gần nơi ông làm việc. Có khi ông biểu diễn tới bốn nơi khác nhau trong cùng một buổi tối. Ông đồng thời chơi guitar cùng nhóm tứ tấu gospel biểu diễn tại các nhà thờ vùng Greenwood, Mississippi. Về sau, với quyết định tự mình đi lên và chỉ với 2.5 USD trong túi, ông xin đi nhờ xe đến Memphis để tìm kiếm cơ hội mới.

B.B. King - sức mạnh bền bỉ của "Ông vua nhạc blues" 4
  B.B. King nhắc đến lời dặn của ông chú Bukka White, "nếu con muốn trở thành một ca sĩ blues, một nhạc sĩ blues, hãy luôn ăn vận giống như đang đến ngân hàng để vay tiền."

Sự nghiệp âm nhạc của King bắt đầu nhờ công lớn của ông chú ruột, Bukka White (1909-1977), một ca sĩ-guitarist Delta blues thời kỳ đầu. Có nguồn thông tin cho rằng, White là người đã tặng King chiếc guitar đầu tiên. Cũng nhờ có White mà anh chàng nông dân King tìm ra con đường âm nhạc của mình trong vòng xoáy của thành phố khi đến Memphis lần đầu tiên vào năm 1946. Thành quả sau hàng năm trời chơi nhạc trên các con phố và không ngừng học tập từ những nghệ sĩ ở phố Beale, King nhận được cơ hội hát blues trên kênh đài Sonny Boy Williamson phổ biến thời bấy giờ. Ngay sau đó là biểu diễn đều đặn tại các câu lạc bộ địa phương và xuất hiện thường xuyên trên kênh radio của người da đen.

Năm 1949 là một cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp âm nhạc của King, đánh dấu bằng lần ghi âm đầu tiên và 6 single được phát hành trong năm đó. Ông ký hợp đồng với hãng ghi âm Bihari Brothers Records và bắt đầu biểu diễn tại quán cafe ở các thị trấn nhỏ, juke joint (nơi tụ tập ca hát của người da đen), sảnh khiêu vũ ở vùng quê, và bất cứ vùng xa xôi nào mà ông có thể đi tới.

B.B. King - sức mạnh bền bỉ của "Ông vua nhạc blues" 5
  

Tên tuổi B.B. King giành được chỗ đứng trong lòng công chúng Mỹ từ năm 1951, với 7 single được phát hành, trong đó "Three O'Clock Blues" trở thành bản hit trong nước và đứng ở vị trí đầu bảng xếp hạng Rhythm and Blues trong suốt 15 tuần. Với sức ảnh hưởng mãnh liệt từ bản blues này, King thực hiện tour diễn trong nước đầu tiên và khi lần đầu xuất hiện trên sân khấu New York, tên gọi B.B. King chính thức ra đời trên toàn thế giới.

King một lần nữa tận hưởng cảm giác đứng đầu với bản hit năm 1952 "You Don't Know Me", tiếp đó là "Please Love Me""You Upset Me, Baby". Bản hit "Every Day I Have The Blues" năm 1955 là ca khúc được đám đông yêu thích nhất cho đến tận ngày nay. Tạm ngưng công việc ở đài để thực hiện tour lưu diễn trên chiếc xe bus "Big Red" vào năm 1955, đến năm sau, King và ban nhạc B.B. biểu diễn gần như không ngừng nghỉ với tổng số 342 đêm diễn.


B.B. King biểu diễn ca khúc "Every Day I Have The Blues" trong live album Live At The Regal (1964)

Vận mệnh của ông vua bắt đầu thay đổi từ giữa những năm 1960, vào thời kỳ xuất hiện một thế hệ nhạc sĩ mới chịu ảnh hưởng từ âm nhạc của King, đó là những nghệ sĩ của rock'n'roll - dòng nhạc kế thừa rất nhiều yếu tố từ blues. Trong đó có những tên tuổi huyền thoại, những thành viên của The Yarbirds: Eric Clapton, Jimmy Page và Jeff Beck. King cũng nhận được sự hâm mộ từ những khán giả của nhạc rock. Từ đây, không chỉ biểu diễn ở những câu lạc bộ nhỏ, King bước đến những sân khấu jazz lớn và những sân vận động biểu diễn rock.

B.B. King - sức mạnh bền bỉ của "Ông vua nhạc blues" 6
  

"The Thrill Is Gone" có lẽ là bản blues được biết đến nhiều nhất, một ca khúc chất chứa nhiều cảm xúc, buồn bã và u tối về tâm trạng của một người vừa mới rời bỏ một mối quan hệ tình cảm. Vừa chấp nhận sự kết thúc, vừa cô đơn da diết. Ca khúc kinh điển phát hành năm 1969 của B.B.King mượt mà hơn, và sử dụng thêm đàn dây, mang đến sự khác biệt không chỉ với bản blues gốc năm 1931 và bản của Roy Hawkins năm 1951, mà còn với những ca khúc của King trước đó. Bản blues này mở ra một ranh giới mới, hoặc một phong cách chơi blues mới gần gũi và dễ nghe hơn đối với khán giả của những dòng nhạc đại chúng.


"The Thrill Is Gone", B.B.King, 1969

Ông vua và những người bạn

Trong sự nghiệp của mình, King từng hợp tác với rất nhiều nghệ sĩ blues khác, từ những tên tuổi ngang hàng như John Lee Hooker và Etta James, học trò Eric Clapton, những người bạn (Buddy Guy, Bobby "Blue" Bland...). Ông vua nhạc blues cũng từng rất thành công khi bắt tay với nhiều nghệ sĩ nhạc rock. Thú vị nhất phải kể đến album nhạc blues năm 2000 Riding with the King cùng với Eric Clapton và sự góp mặt trong ca khúc phát hành năm 1988 "When Love Comes to Town" của nhóm nhạc rock U2 của Ireland.

B.B. King - sức mạnh bền bỉ của "Ông vua nhạc blues" 7
Từ trái qua phải: Jeff Beck, Albert Collins, B.B. King, Eric Clapton, Buddy Guy (1993)

"When Love Comes to Town" nhanh chóng leo lên vị trí cao trong các bảng xếp hạng âm nhạc của Anh Quốc và Mỹ. King cũng xuất hiện nhiều lần trong các buổi biểu diễn của U2 và từ đây nhận được sự hâm mộ đông đảo từ các fan nhạc rock. King và Eric Clapton bắt đầu biểu diễn cùng nhau vào năm 1967, nhưng phải cho đến 30 năm sau họ mới chính thức cùng ghi âm trong ca khúc "Rock Me Baby". Đến năm 2000, Clapton 55-tuổi và King 74-tuổi cho phát hành album hợp tác giữa hai guitarist - hai giọng ca blues này. Riding with the King giành được thành công lớn khi được giải Grammy cho hạng mục Award for Best Traditional Blues Album và vị trí đầu bảng trong danh sách Top Blues Albums của Billboard. Album nói về King nhiều hơn, với nhiều ca khúc được phối lại từ những bản blues nổi tiếng của King trong giai đoạn 1950s-1960s. Riding with the King giống như một cuộc dạo chơi với vị vua mà ở đó, Clapton được sánh bước với nghệ sĩ blues-guitarist-người thầy mà ông ngưỡng mộ từ lâu.


"When Love Comes to Town", U2 & B.B. King trong album Rattle and Hum


Ca khúc cùng tên trong album Riding with the King, B.B. King & Eric Clapton