Phim Việt 2017: Một năm thành công bất ngờ của truyền hình!

Phúc Du, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 06/12/2017

Có hay có dở, nhưng hầu hết phim phát sóng trong năm 2017 đều là những dự án được đầu tư có chiến lược chứ không phải làm cho có, cùng nhau mở ra một tương lai xán lạn hơn cho phim truyền hình Việt.

Không thể phủ nhận năm 2017 là một năm có những thay đổi lớn đối với phim truyền hình Việt Nam, có thể nói là những cột mốc mới. Cũng đã khoảng một chục năm rồi, người ta không mặn mà với phim truyền hình nước nhà nữa, dù nó đã từng có một thời hoàng kim rực rỡ.

Cái thời mà cứ mỗi giờ cơm chiều, mỗi buổi tối bất kể là trong tuần hay cuối tuần, cả gia đình quây quần với nhau bên chiếc tivi, cùng xem một bộ phim Việt Nam giờ nhắc lại cứ như một kí ức đã bạc màu dữ lắm. Riết rồi những bạn trẻ lớn lên mặc định luôn rằng Việt Nam làm gì có phim truyền hình hay, trong khi nước bạn phim xem không hết!

Từ "người phán xử" và "bà mẹ chồng" bất ngờ thống lĩnh màn ảnh nhỏ

Phim Việt 2017: Một năm thành công bất ngờ của truyền hình! - Ảnh 1.

Ấy vậy mà đầu năm nay, ai cũng bất ngờ với hai bộ phim truyền hình nước nhà như một hiện tượng bất ngờ mà có lẽ chính nhà sản xuất cũng không nghĩ đến: Người phán xửSống chung với mẹ chồng. Tự dưng vào một buổi tối đẹp trời cuối tháng 3, mọi người trên mạng xã hội xôn xao vì một bộ phim truyền hình Việt Nam có đề tài hình sự xã hội đen, ai mà chẳng thấy lạ! Ai tò mò xem thử cũng sẽ bị cuốn ngay vào từ tập đầu tiên bởi sự trở lại màn ảnh nhỏ trong một vai diễn xuất sắc của NSND Hoàng Dũng, những câu thoại điềm tĩnh nhưng cực kì thấm, tình tiết không lê thê như mấy phim hình sự gần đây trên truyền hình nữa mà dồn dập kịch tính. Thế là Người phán xử nghiễm nhiên trở thành đề tài bàn tán của công chúng, không chỉ bởi những khán giả yêu điện ảnh mà cả những người ít khi xem phim cũng tò mò.

Có người cảm thấy được sống lại những năm tháng cũ, khi mà mỗi ngày đều bật tivi để xem series Cảnh sát hình sự. Bẵng từ ấy đến nay, có phim hình sự nào ra hồn đâu!? Quanh đi quẩn lại cũng chỉ có mấy vụ án na ná nhau, tình tiết thì không thực tế , giang hồ mà nói chuyện như trả bài đạo đức thì hỏi sao người ta không chạy hết đi xem phim Hàn Quốc, Hong Kong? Thế nên sự xuất hiện của Người phán xử, với sự hấp dẫn căn nguyên nhất của một bộ phim, đã khiến người ta phải bật tivi.

Phim Việt 2017: Một năm thành công bất ngờ của truyền hình! - Ảnh 2.

Phim ảnh chính là như vậy, là hay thì sẽ xem chứ chẳng màng đến việc đó là phim của nước nào. Người phán xử hay vì kịch bản, hay vì diễn xuất chứ không phải những bộ phim được làm ra để lấp sóng truyền hình hay để những bà nội trợ giết thời giờ.

Nhưng, khán giả chưa kịp vui lâu thì đã phải... "bận rộn" hơn khi lại thêm một bộ phim hấp dẫn khác lên sóng ngay sau đó. Nếu như Người phán xử chủ yếu hướng đến cánh đàn ông với nội dung và màu sắc hơi đen tối thì Sống chung với mẹ chồng đích thực là dành cho phụ nữ. Bộ phim chọn ngay cái chủ đề nhức nhối mà nhà nào cũng có, nhưng nào giờ ít ai dám đề cập trực diện. Thế là những cuộc đấu khẩu, hơn thua giữa mẹ chồng và con dâu với người đàn ông mang hai chức vị đứng giữa trở thành một lý do để khán giả thêm bận rộn vào buổi tối. Quan trọng hơn, Sống chung với mẹ chồng đã trình làng một NSND Lan Hương "Bông" vô cùng khác lạ trước đây. Hình ảnh một bà mẹ chồng quá quắt, suốt ngày cạnh khoé con dâu tuy có phần hơi "quá đà" nhưng cũng vô cùng hấp dẫn khán giả.

Ngày qua ngày, tuần qua tuần, mật độ người theo dõi hai bộ phim này trên truyền hình, trên internet và lượt view các bài viết về phim trên báo mạng tăng dần. Dù không phải lần đầu tiên nhưng đích thực là rất lâu rồi, tình trạng này mới lại xảy ra, không chỉ một mà là đến hai bộ phim truyền hình Việt Nam cùng lúc khiến mọi người cuống cuồng theo dõi.

Đến một cái nhìn khác hẳn về phim truyền hình nước nhà đương thời

Theo một lẽ tất nhiên, người ta sẽ đặt câu hỏi về sức hút khủng khiếp này từ đâu ra khi mà hai bộ phim trên hoàn toàn không có những ngôi sao của giới trẻ? Nội dung quyết định tất cả! Có một quy luật muôn đời luôn tồn tại trong điện ảnh, đó là phim có nhiều sao cách mấy mà nội dung không ra gì thì người ta cũng chả quan tâm.

Sau một thời gian dài “vật lộn" với việc làm sao giữ rating cho phim truyền hình không bị quá lép vế với các chương trình truyền hình thực tế, dường như những nhà sản xuất phim đã tìm được “phương thuốc" để chữa căn bệnh trầm kha bấy lâu của phim Việt. Không có kịch bản hay thì mua kịch bản nước ngoài! Phim điện ảnh làm được thì sao phim truyền hình lại không!? Cũng không phải chưa từng có tiền lệ, nhưng việc kịch bản Người phán xử được remake từ Ha Borer (series hình sự nổi tiếng nhất nhìn Israel) xuất hiện trong năm nay giống như việc chúng ta tìm được người mình yêu đúng thời điểm.

Cộng với quyết tâm thay đổi diện mạo và cách nhìn nhận của khán giả về phim hình sự nước nhà, những cảnh phim máu me hơn, bạo lực hơn, “không ngờ" hơn được đưa vào. Hành động này không đơn giản là để giật gân mà còn khiến khán giả tin rằng phim Việt đang MUỐN thay đổi. Chữ “muốn" ấy cực kì quan trọng, nếu không muốn thì làm gì cũng thành hời hợt. Người phán xửSống chung với mẹ chồng chứng minh được ham muốn thay đổi của nhà sản xuất, rằng muốn người ta xem phim tất nhiên phải là phim hay!

Phim Việt 2017: Một năm thành công bất ngờ của truyền hình! - Ảnh 3.

Sống chung với mẹ chồng tuy chỉ được lấy cảm hứng từ tiểu thuyết của Trung Quốc nhưng cũng chứng tỏ sự nhạy bén của biên kịch khi dám đề cập thẳng thừng, thậm chí là làm quá lên những mâu thuẫn giữa hai người phụ nữ xa lạ ở chung nhà và gọi nhau bằng mẹ con. So về mặt kịch bản, Sống chung với mẹ chồng vẫn kém hơn Người phán xử, nhưng nó lại đáp ứng được cái cần có của phim truyền hình và đối tượng xem: những câu chuyện để bàn tán.

Thế là cùng lúc, VFC đã giải được hai mệnh đề trong bài toán Làm sao để phim truyền hình hấp dẫn? Không gì khác hơn là kịch bản khiến người ta bị cuốn vào và tạo ra những điều khiến người ta không thể ngừng mổ xẻ. Cứ như thế, có lúc nhà đài thu được hơn 4 tỉ đồng quảng cáo trong thời gian một tập phim lên sóng, con số nhà sản xuất nào cũng mơ ước.

Không chỉ vậy, hai bộ phim này đã trở thành mảnh đất màu mỡ để những diễn viên trẻ làm bàn đạp tiến thân, những gương mặt gạo cội được nhìn nhận xứng đáng về năng lực. Hàng loạt những hợp đồng quảng cáo, những chương trình có sự góp mặt của các diễn viên NSND Hoàng Dũng, NSND Lan Hương "Bông", Bảo Thanh, Việt Anh liên tục xuất hiện, tạo ra niềm tin cho rất nhiều diễn viên truyền hình khác.

Phim truyền hình Việt dần lấy lại vị thế trong thị phần giải trí

Tất nhiên, nếu hai bộ phim chỉ “hot" một cách đơn thuần, khiến người ta xôn xao dăm ba tháng rồi tắt ngúm thì cũng chả có chuyện để nói. Cái kết quả quan trọng nhất mà Người phán xửSống chung với mẹ chồng đã làm được chính là khiến các nhà đầu tư lẫn công chúng giật mình nhìn lại “chỗ đứng" vốn có của phim truyền hình. Nhà sản xuất sẵn sàng chiều chuộng người xem khi thực hiện những tập phim cross-over đặc biệt, không ngại quay thêm khi phim có nguy cơ bị rò rỉ nội dung. Ngược lại, khán giả cũng sẵn sàng bỏ thời gian để ngồi canh tivi các buổi tối phim chiếu để theo dõi. Sự thoả hiệp qua lại đó từ lâu đã không tồn tại trong cách mà phim truyền hình nước nhà vận hành. Nay nó đã xảy ra, đã khiến nhiều thứ thay đổi, trong đó có không ít những cơ hội và sự dấn thân.

Phim Việt 2017: Một năm thành công bất ngờ của truyền hình! - Ảnh 4.

Ví dụ như việc TFS trở lại “đường đua" sản xuất phim truyền hình sau một thời gian rút lui, hay như những dự án sitcom đua nhau xuất hiện chính là những điểm sáng. Bởi vì người ta đã nhìn ra “chiếc bánh thị phần" vẫn còn rất to và chưa được cắt hết. Những Tuổi thanh xuân 2, Lặng yên dưới vực sâu, Ngược chiều nước mắt, Thương nhớ ở ai chính là những cái tên đã tạo được dấu ấn nhất định trong danh sách phim truyền hình Việt đáng chú ý của năm. Bên cạnh đó chính là một số sitcom do phía Nam sản xuất tuy không tạo nên hiện tượng nhưng vẫn có rating cao đều đều như Gia đình là số 1, hay các dự án được đầu tư nhắm vào giới trẻ như Glee Việt, Mối tình đầu của tôi.

Có hay có dở, nhưng hầu hết đều là những dự án được đầu tư có chiến lược chứ không phải làm cho có, cùng nhau mở ra một tương lai xán lạn hơn cho phim truyền hình Việt.

Thực chất, vẫn còn đó sự lúng túng của nhà đài khi không thể tiếp nối Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng bằng những bộ phim hấp dẫn liên tục vì vấn đề thời gian cũng như quá trình sản xuất. Nhưng những Thương nhớ ở ai hay Cả một đời ân oán chính là sự nỗ lực nhìn thấy được. Đầu tư bối cảnh, diễn viên, kĩ xảo cùng những khảo cứu về thời đại, trang phục cùng chi phí khủng chính là những điểm sáng đã làm nên chất lượng của Thương nhớ ở ai. Hay như Cả một đời ân oán sắp khởi chiếu tiếp tục là một bộ phim dựa theo “công thức tạo hình" của Sống chung với mẹ chồng: kịch bản nước ngoài và đậm chất “drama" gia đình, nhưng được đầu tư hơn về nhiều mặt.

Nói tóm lại, chúng ta không thể chỉ quan tâm đến thị trường phim điện ảnh, đầu tư vào nó ồ ạt để kiếm lời nhanh mà bỏ bê lĩnh vực điện ảnh trên truyền hình, cho rằng nó rất khó sinh lời hoặc đó chỉ là trách nhiệm của nhà nước! Năm 2017 chính là lời phản biện xuất sắc cho những suy nghĩ tồn tại bao lâu nay trong đầu rất nhiều người: phim truyền hình Việt thì ai mà coi!?

Phim Việt 2017: Một năm thành công bất ngờ của truyền hình! - Ảnh 5.

Người ta sẵn sàng đón xem từng tập, kể cả là hai bộ phim chiếu liên tiếp nhau đơn giản vì nó xứng đáng. Kể cả những quốc gia đã đi xa hơn chúng ta về công nghệ, hình thức giải trí thì phim truyền hình của họ vẫn là một món ngon bay mùi thơm sang tận nước khác. Biết bao nhiêu là tên tuổi, ngôi sao lớn được sinh ra từ chiếc nôi màn ảnh nhỏ như một quãng đời chung trước khi trưởng thành trên màn ảnh rộng.

Sẽ chẳng có tình trạng “từng người bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ" nếu như những nhà làm phim hiểu ra vấn đề quan trọng nhất của một bộ phim chính là đầu tư chất xám xứng đáng. Phim truyền hình Việt năm nay chính là nguồn cảm hứng cho một năm sôi động của điện ảnh nước nhà, với rất nhiều những sự quyết tâm, rất nhiều những ý nghĩ không ngại thay đổi để tạo ra những bộ phim hấp dẫn.

“WeChoice Awards" - giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VCCorp tổ chức, với mong muốn tôn vinh những con người, kể những câu chuyện truyền cảm hứng nhất, những sự kiện, sản phẩm và công trình có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng - đã quay trở lại với thông điệp mới: Bình Tĩnh Sống.

Hơn cả sự lạc quan và tinh thần bền bỉ vượt qua khó khăn của cuộc đời, "Bình tĩnh sống" còn có thể hiểu là một lời khích lệ cũng như nhắc nhở về cách sống và cách đối diện với cuộc đời của mỗi người.

Hãy cùng chúng tôi tôn vinh những câu chuyện và những nhân vật mà bạn thấy xứng đáng có mặt trong WeChoiceAwards 2017 qua cổng đề cử chúng tôi dành riêng cho bạn.

Hãy truy cập wechoice.vn để gửi Đề cử của bạn về cho WeChoice Awards 2017.

Phim Việt 2017: Một năm thành công bất ngờ của truyền hình! - Ảnh 7.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày