Để không hối hận vì quyết định mua bảo hiểm, đây là những điều GenZ buộc phải biết!

Ngọc Linh, Theo Phụ nữ số 20:11 27/02/2024

Còn độc thân và trẻ khỏe thì nên mua bảo hiểm nhân thọ hay bảo hiểm sức khỏe?

Mua bảo hiểm được coi là một trong những quyết định chứng minh bạn đã có nền tảng tài chính khá ổn định (vì nếu không, lấy đâu ra tiền mà đóng phí bảo hiểm?), và đã biết quan tâm tới sức khỏe của bản thân. Đây đều là những tín hiệu đáng mừng, đáng hoan nghênh.

Hiện nay, bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe là 2 loại bảo hiểm phổ biến nhất với người trẻ. Câu hỏi cần đặt ra lúc này: Còn độc thân thì nên mua bảo hiểm nhân thọ hay bảo hiểm sức khỏe, và làm sao để nhận biết thời điểm phù hợp để ký hợp đồng bảo hiểm?

Nếu không trả lời và không làm rõ được 2 câu hỏi này, rất có thể bạn sẽ… cảm thấy hối hận vì quyết định mua bảo hiểm của mình đấy!

Bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe khác nhau như thế nào?

Xét về chức năng, có lẽ đây là khác biệt lớn nhất giữa bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe: Bảo hiểm nhân thọ chỉ có "quyền lợi chết", bảo hiểm sức khỏe có nhiều "quyền lợi sống".

Để không hối hận vì quyết định mua bảo hiểm, đây là những điều GenZ buộc phải biết! - Ảnh 1.

Sự khác biệt cơ bản giữa bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe

Hiểu đơn giản thế này: Bảo hiểm nhân thọ sẽ chi trả quyền lợi cho bạn nếu bạn không may qua đời, mắc bệnh nặng/bệnh hiểm nghèo, hoặc khi gặp tai nạn thương tật, mất khả năng lao động. Trong khi đó, bảo hiểm sức khỏe sẽ chi trả quyền lợi cho bạn khi bạn đi khám sức khỏe, ốm đau phải nhập viện điều trị.

Là một người đã mua bảo hiểm nhân thọ cách đây 3 năm, Thu Trang (28 tuổi) cho biết: "Ban đầu, mình mua bảo hiểm nhân thọ vì gia đình mình có người bị ung thư, bệnh này có thể di truyền nên mình mua từ sớm cho yên tâm. Nhưng mình luôn khuyên bạn bè rằng nếu gia đình không có ai mắc các bệnh di truyền/bệnh hiểm nghèo, mua bảo hiểm sức khỏe sẽ có lợi hơn là mua bảo hiểm nhân thọ.

Vì thực ra, khả năng một người mắc bệnh nhẹ (sốt xuất huyết, sốt siêu vi, cúm A,..) hoặc có các cuộc phẫu thuật nhỏ như cắt bỏ ruột thừa, u nang lành tính,... vẫn cao hơn khả năng mắc bệnh hiểm nghèo. Có bảo hiểm sức khỏe thì chỉ cần bạn ốm, bạn nằm viện,... bạn sẽ được chi trả. Thậm chí có loại bảo hiểm sức khỏe còn chi trả cho người bệnh điều trị ngoại trú, nghĩa là bạn không nằm viện, bạn đến khám và lấy thuốc, mang về nhà uống, bạn vẫn được trả quyền lợi".

Để không hối hận vì quyết định mua bảo hiểm, đây là những điều GenZ buộc phải biết! - Ảnh 2.

Thu Trang

Thu Trang cũng cho biết thêm rằng nếu bạn mua bảo hiểm nhân thọ mà được tư vấn là nằm viện nhẹ nhàng cũng được đền tiền thì đừng vội tin, vì nằm viện mà được chi trả thì đó là quyền lợi của bảo hiểm sức khỏe mua kèm bảo hiểm nhân thọ.

Phần tiền đóng cho bảo hiểm sức khỏe khi mua kèm bảo hiểm nhân thọ không được tích lũy cộng dồn.

Ngoài khác biệt cơ bản về mặt quyền lợi, thời hạn đóng bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe cũng khác nhau. Thông thường, 1 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thời hạn ngắn nhất là 10 năm. Trong khi đó, thời hạn hợp đồng của bảo hiểm sức khỏe khá ngắn, thường chỉ 1 năm. Khi hợp đồng bảo hiểm sức khỏe hết thời hạn,các quyền lợi bảo hiểm cũng chấm dứt. Người tham gia cần tiếp tục đóng phí để gia hạn, duy trì các quyền lợi bảo hiểm.

Như vậy, có thể thấy mua bảo hiểm đúng nhu cầu, mục đích mới giúp bạn tối ưu quyền lợi. Ốm nhẹ mà không có bảo hiểm sức khỏe, chỉ có bảo hiểm nhân thọ, quyền lợi bạn nhận được có thể cũng chẳng đáng bao nhiêu. Ngược lại, bảo hiểm sức khỏe cũng không thể hỗ trợ bạn tối đa trong việc trang trải chi phí điều trị nếu không may mắc bệnh nặng.

Đương nhiên, nếu có điều kiện, mua cả bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe vẫn là phương án lý tưởng nhất. Nếu không, hãy cân nhắc nền tảng sức khỏe của bản thân và người thân trong gia đình, để biết mình nên ưu tiên mua bảo hiểm sức khỏe trước, hay mua bảo hiểm nhân thọ trước.

Chuẩn bị tài chính thế nào trước khi mua bảo hiểm?

Sau khi xác định được loại bảo hiểm phù hợp với bản thân, việc tiếp theo chính là chuẩn bị tài chính. Hay nói cách khác chính là tìm ra thời điểm phù hợp để ký hợp đồng bảo hiểm dựa trên tình hình tài chính cá nhân.

Bạn cần và nên đảm bảo 3 yếu tố dưới đây trước khi đặt bút ký hợp đồng bảo hiểm.

1 - Có quỹ khẩn cấp

Quỹ khẩn cấp là khoản tiền bạn sẽ dùng để trang trải chi phí sống nếu chẳng may thất nghiệp hoặc gặp những biến cố liên quan đến việc duy trì nguồn thu nhập. Khoản tiền trong quỹ khẩn cấp nên tương đương với tiền sinh hoạt phí (tiền thuê nhà, ăn uống, đi lại) trong vòng 3-6 tháng.

Chưa có quỹ khẩn cấp mà đã mua bảo hiểm là quyết định khá mạo hiểm vì nếu bạn không may thất nghiệp vào đúng tháng tới hạn đóng phí bảo hiểm, tưởng tượng xem, lúc đó mình sẽ xoay sở ra sao? Đóng phí bảo hiểm thì không có tiền trang trải cuộc sống, mà dùng tiền đóng phí bảo hiểm để trang trải cuộc sống thì lại mất quyền lợi bảo hiểm.

Để không hối hận vì quyết định mua bảo hiểm, đây là những điều GenZ buộc phải biết! - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Vấn đề nan giải là vì thế và cách duy nhất để hạn chế tình trạng ấy là bắt buộc phải có quỹ khẩn cấp trước khi mua bảo hiểm.

2 - Có khoản tiết kiệm để đầu tư

Đừng nhầm lẫn quỹ khẩn cấp với tiền tiết kiệm. Khoản tiết kiệm này là để bạn đầu tư cho bản thân (đi học thêm, đi du lịch) hoặc đầu vào những thị trường tiềm năng khác. Khi còn trẻ, việc học hỏi và trải nghiệm là rất cần thiết, đôi khi, đó còn là chìa khóa để bạn tìm thêm việc và đa dạng hóa nguồn thu.

Chính vì thế, đừng xem nhẹ khoản tiết kiệm để đầu tư lúc còn trẻ. Bạn có thể ưu tiên tạo quỹ khẩn cấp trước, rồi tới khoản tiết kiệm để đầu tư, cuối cùng mới là tới việc mua bảo hiểm.