Dầu mỡ thừa có nên đổ xuống cống không? Việc quen thuộc nhưng không phải ai cũng xử lý đúng

Thu Phương, Theo Theo Phụ Nữ Số 19:28 30/09/2023

Sau khi xào nấu xong, bạn thường xử lý thế nào với lượng lớn dầu ăn thừa?

Trong công việc nấu nướng mỗi ngày của hầu hết mọi gia đình, dầu ăn là một nguyên liệu thiết yếu, thường xuyên được sử dụng. Đặc biệt là với những gia đình yêu thích các món ăn được chế biến theo cách xào hay chiên rán.

Tuy nhiên, có một vấn đề khi dùng dầu ăn đó là chúng thường không được dùng hết trong 1 lần nấu. Khi này, bạn sẽ làm gì?

Trả lời cho câu hỏi này có 2 hướng trả lời đối lập nhau, có người nói rằng họ sẽ đổ dầu ăn ra một chiếc bát khác rồi cất đi để sử dụng tiếp cho lần nấu sau; số còn lại chia sẻ, họ sẽ đổ dầu ăn thừa đi. Trên thực tế, dầu ăn được khuyến khích không nên sử dụng đi sử dụng lại quá nhiều lần. Thay vào đó nếu dầu ăn còn trong, chưa có nhiều cặn thì người dùng nên giữ lại, sử dụng tiếp tối đa đến lần thứ 2. Còn với dầu ăn đã có nhiều tạp chất, thì người dùng nên bỏ đi.

Song cách bỏ dầu ăn đi cũng không hề đơn giản. Nếu bạn là người có thói quen đổ dầu ăn trực tiếp xuống cốc thoát nước bồn rửa thì hãy dừng ngay hành động này lại.

Dầu mỡ thừa có nên đổ xuống cống không? Việc quen thuộc nhưng không phải ai cũng xử lý đúng - Ảnh 1.

Nhiều người mắc sai lầm khi cho rằng đổ trực tiếp dầu mỡ ở dạng lỏng xuống cống chúng sẽ trôi đi nhanh chóng, không gây hại gì (Ảnh minh họa)

Vì sao không nên đổ dầu ăn thừa xuống cống?

Dù là công việc đơn giản hàng ngày, song xử lý dầu mỡ thừa không đúng cách có thể dẫn đến những rắc rối không đáng có cho các gia đình. Đổ dầu mỡ thừa trực tiếp xuống cống tưởng chừng nhanh chóng và hiệu quả nhưng đây lại là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tắc nghẽn đường ống thoát nước.

Theo nghiên cứu của chuyên trang tư vấn gia đình Home Serve của Anh, nguyên nhân của gần 50% các vụ tắc nghẽn, tràn đường ống thoát nước là do chất béo và dầu tích tụ trong đường ống. Bởi không giống nước hoặc các loại chất lỏng khác, dầu mỡ sau khi nguội và đạt đến nhiệt độ môi trường, chúng sẽ rắn lại, bám vào thành ống. Số dầu mỡ này tích tụ lâu ngày sẽ dày lên, trở thành vật cản dòng chảy khiến đường ống thoát nước tắc nghẽn.

Dầu mỡ thừa có nên đổ xuống cống không? Việc quen thuộc nhưng không phải ai cũng xử lý đúng - Ảnh 2.

Dầu mỡ tích tụ lâu ngày làm đường ống tắc nghẽn (Ảnh minh họa)

Bà Kris Bordessa - tác giả của nhiều quyển sách về lối sống xanh - trên trang National Geographic đã phân tích rằng, đổ dầu thừa xuống đường ống vệ sinh gia đình sẽ khiến dầu bám vào thành ống nước, lâu dần sẽ làm hỏng ống. Nếu các gia đình đổ trực tiếp xuống cống của khu dân cư, dầu có thể trở thành “chất keo" giữ các loại rác khác lại, gây tắc nghẹt cống. Còn đổ ra đất, vườn cây sẽ thu hút một số loài côn trùng gây hại cho cây trồng.

Vậy nên xử lý thế nào đối với dầu mỡ thừa?

Để xử lý dầu mỡ thừa, các gia đình có thể chờ dầu nguội, sau đó dùng giấy thấm sạch dầu và bỏ vào thùng rác. Phương pháp này ngoài tác dụng xử lý dầu hiệu quả mà còn làm sạch nồi, chảo, giúp việc vệ sinh các vật dụng này cũng dễ dàng hơn.

Ngoài ra, gom dầu thừa vào chai, lọ rỗng rồi bỏ đi khi chai đầy cũng là một cách hiệu quả để xử lý dầu mỡ thừa sau khi chiên rán. Hoặc người dùng cũng có thể sử dụng các chế phẩm làm đông dầu mỡ để có thể dễ dàng xúc dầu mỡ vào thùng rác khi chúng đã đóng thành khối mà không sợ bị rò rỉ ra ngoài gây mất vệ sinh.

Dầu mỡ thừa có nên đổ xuống cống không? Việc quen thuộc nhưng không phải ai cũng xử lý đúng - Ảnh 3.
Dầu mỡ thừa có nên đổ xuống cống không? Việc quen thuộc nhưng không phải ai cũng xử lý đúng - Ảnh 4.

Gia đình có thể dùng giấy ăn thấm dầu rồi vứt đi, hoặc đổ vào một chiếc lọ, bình khi dầu đã nguội (Ảnh minh họa)

Nếu không may đổ dầu mỡ xuống cống, các gia đình nên khắc phục ngay để tránh chúng có thời gian tích tụ, gây tắc nghẽn đường ống bằng vài cốc nước nóng. Giấm và baking soda cũng là hỗn hợp điệu quả để xử lý khi đường ống khi dầu mỡ vào. Do phản ứng hóa học của hỗn hợp này có tác dụng phân hủy mọi chất dầu mỡ đông đặc mà không làm hỏng đường ống. Nhưng quan trọng nhất là đừng quên thay đổi thói quen đổ trực tiếp dầu mỡ thừa xuống đường ống của gia đình.

Dầu mỡ thừa có nên đổ xuống cống không? Việc quen thuộc nhưng không phải ai cũng xử lý đúng - Ảnh 5.

Hỗn hợp baking soda, giấm và nước nóng sẽ làm phân hủy dầu mỡ đông đặc trong đường ống (Ảnh minh họa)

Những thứ tuyệt đối không được đổ xuống đường ống thoát nước

Ngoài dầu mỡ thừa, dưới đây là một số thứ sẽ gây tắc nghẽn đường ống thoát nước nếu người dùng vô tình đổ xuống cống.

Gạo cũng là một trong những tác nhân có thể gây tắc cống nếu vô tình bị đổ xuống đường ống trong khi nấu nướng. Do hạt gạo khi bị ướt có thể hút nước, trương lên và vón cục lại, những khối gạo này sẽ khiến đường ống thoát nước của bạn tắc nghẽn. Tương tự như gạo, bã cà phê hay các loại thực phẩm khô giàu tinh bột như mì gạo, mì ống, miến, nui,... trương lên khi gặp nước làm đường ống của gia đình không thể thoát nước trơn tru.

Dầu mỡ thừa có nên đổ xuống cống không? Việc quen thuộc nhưng không phải ai cũng xử lý đúng - Ảnh 6.

Các loại thực phẩm giàu tinh bột sẽ nở ra làm tắc đường ống (Ảnh Bright Side)

Bên cạnh đó, các gia đình cũng không nên đổ thuốc không còn sử dụng xuống đường ống. Vì trong một số trường hợp, các hóa chất trong dược phẩm có thể gây ô nhiễm môi trường nước và sinh vật biển.

Các loại bột cũng nằm trong danh sách những thứ không được đổ xuống đường ống thoát nước. Khi bị ướt, bột sẽ hình thành một chất sệt giống như keo, làm cứng bên trong đường ống khiến chúng bị tắc.