Tờ khai sinh giới tính "Gái" khiến nữ sinh không thể thi Đại học tiếp tục có một lỗi sai chính tả rất... cơ bản!

CSCT, Theo Helino 19:46 26/03/2019

Sau khi thông tin vụ việc được chia sẻ rộng rãi trên MXH, bên cạnh phần giới tính, dân mạng lại tiếp tục phát hiện ra một lỗi sai khác trong tờ giấy khai sinh của Phạm Thị Như Q.

Sáng ngày 26/3, thông tin về việc một nữ sinh tại tỉnh Kiên Giang không được làm hồ sơ tuyển sinh Đại học vì cán bộ xã ghi giới tính là "gái" trong giấy khai sinh đã thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận. Theo đó, cán bộ tư pháp và hộ tịch của xã Vĩnh Bình Nam, tỉnh Kiên Giang đã ghi phần giới tính trong bản khai sinh của Phạm Thị Như Q. (học sinh lớp 12 trường THPT Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) là "gái" thay vì là "nữ" theo đúng quy định thông thường của các loại văn bản giấy tờ.

Tiếp nhận vụ việc, ông Trần Văn Le, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Bình Nam, huyện Vĩnh Thuận đã đề nghị phụ huynh của em Q. nên đến bộ phận một cửa để giải quyết và xử lý do trường hợp đương sự dưới 14 tuổi thì sẽ được cán bộ địa phương chịu trách nhiệm điều chỉnh lại, còn trên 14 tuổi là thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên môn cấp huyện.

Dân mạng tiếp tục phát hiện lỗi sai trên tờ khai sinh giới tính Gái, yêu cầu sửa luôn 1 thể đỡ mất công - Ảnh 1.

Dân mạng phát hiện thêm một lỗi sai khác trong tờ giấy khai sinh của nữ sinh Phạm Thị Như Q. (Ảnh gốc: NLĐ)

Tuy nhiên sau khi thông tin vụ việc được chia sẻ rộng rãi trên MXH, bên cạnh phần giới tính, dân mạng lại tiếp tục phát hiện ra một lỗi sai khác trong tờ giấy khai sinh của Phạm Thị Như Q. Cụ thể, tại phần ghi ngày tháng năm sinh bằng chữ, chữ "ngàn" trong năm 2001 đã bị viết sai chính tả thành "nghàn". Rất nhiều người đã để lại bình luận thể hiện sự búc xúc vì cán bộ xã làm việc tắc trách, sai những lỗi chính tả cơ bản mà người làm giấy tờ chuyên nghiệp không nên mắc phải. Đồng thời, mọi người cũng gửi lời nhắc nhở gia đình đương sự nên chú ý sửa luôn cả phần lỗi này khi đi điều chỉnh phần ghi giới tính "gái" để tránh mất công và phiền phức cho sau này.

"Theo mình cán bộ tư pháp làm sai, khi sửa sai cho em xong, cán bộ tư pháp phải xin lỗi em và gia đình em", Facebook Hao Le nêu ý kiến.

"Chắc là nhầm lẫn giữa chữ "nghìn" và "ngàn" do 2 chữ này có nghĩa như nhau, tuy nhiên đây vẫn là lỗi sai chính tả cơ bản mà một cán bộ chuyên làm giấy tờ không nên mắc phải mới đúng...", Facebook Mai Anh bày tỏ quan điểm.

"Nguy hiểm thật, ngày xưa giấy khai sinh viết tay nên rất dễ xảy ra sai sót, mình từng phải đi sửa khai sinh lúc thi tốt nghiệp vì không trùng khớp thông tin nên rất hiểu, mệt lắm!", bạn Mến Lpp để lại bình luận.