Dân mạng rủ nhau đi ăn bánh cuốn của cụ ông 70 tuổi vất vả mưu sinh ở Hà Nội

Thu Hường, Theo Trí Thức Trẻ 07:02 15/08/2016

Nằm sâu trong ngõ nhỏ thưa người qua lại, bẵng đi một năm nghỉ bán hàng do vợ qua đời vì bệnh nặng... chừng ấy lý do đã khiến một hàng ăn vỉa hè, từ chỗ đông khách đã trở nên thưa thớt, khiến người đứng bán năm nay đã 70 tuổi không khỏi chạnh lòng...

20 năm gây dựng khách quen, 1 năm nghỉ hàng là mất sạch

Sâu trong một con ngõ nhỏ trên phố Tôn Đức Thắng (Hà Nội) có một quán bánh cuốn nóng vỉa hè, giá bán rất bình dân. Một suất bánh cuốn tráng tay nhân thịt, thêm chả quế, rau thơm và nước chấm đậm đà, giá chỉ 20.000 đồng. Nếu ăn bánh cuốn trứng, giá là 10.000 đồng/suất. Quán có phục vụ nước vối tươi nhưng không tính thêm tiền. Hễ khách có nhu cầu là chủ quán lại tất tả bưng đến, phục vụ rất chu đáo.

Điều đặc biệt là bánh cuốn vốn là một món ăn nhẹ buổi sáng nhưng ở đây, chủ hàng chỉ bán về chiều và đêm, bắt đầu từ 17h30, càng về khuya, càng đông khách hơn. Đến gần 12h đêm, khi thành phố đã chìm vào khoảng không khá yên tĩnh, quán ăn nhỏ này mới đóng cửa. Đối với một hàng ăn vỉa hè nằm sâu trong ngõ, đóng cửa vào lúc ấy được xem là khá muộn.

Dân mạng rủ nhau đi ăn bánh cuốn của cụ ông 70 tuổi vất vả mưu sinh ở Hà Nội - Ảnh 1.

Đĩa bánh cuốn đầy đủ hành khô, chả quế giá chỉ 20.000 đồng.

Dân mạng rủ nhau đi ăn bánh cuốn của cụ ông 70 tuổi vất vả mưu sinh ở Hà Nội - Ảnh 2.

Bánh cuốn và chả nhìn rất sạch sẽ, ngon mắt.

Dân mạng rủ nhau đi ăn bánh cuốn của cụ ông 70 tuổi vất vả mưu sinh ở Hà Nội - Ảnh 3.

Quán ăn chỉ có một mình ông Sinh phục vụ.

Quán ăn này do ông Tạ Văn Sinh, năm nay đã 70 tuổi, một mình đứng bán. Ông kiêm tất cả các công việc từ bưng bê, tráng bánh cho đến pha nước vối, dọn bàn... Ngày đông khách, nhiều người biết ý tự đứng lên phục vụ. Song những lúc thưa người, chủ yếu vẫn là một mình ông chủ vất vả chạy đi, chạy lại.

Tuổi đã cao nhưng dường như ông làm việc không biết mệt mỏi, suốt từ chiều cho đến đêm khuya vẫn chỉ thấy có một mình ông trông nom quán nhỏ. Nói về nghề bán bánh cuốn, ông Sinh kể rằng mình đã gắn bó với nó 20 năm nay.

"Quán này do vợ tôi mở, khi tôi về hưu thì ra phụ thêm và hai vợ chồng cùng làm. Mục đích chủ yếu là phục vụ người lao động có thu nhập thấp. Trước kia, tôi và vợ còn ủ bánh, bán vào lúc 1-2h sáng cho những người công nhân đi làm ca đêm", ông Sinh kể.

Dân mạng rủ nhau đi ăn bánh cuốn của cụ ông 70 tuổi vất vả mưu sinh ở Hà Nội - Ảnh 4.

Một suất ăn hoàn chỉnh.

Bẵng đi một năm trời nghỉ bán hàng do vợ ông bị bệnh nặng và qua đời, sau khi mở cửa trở lại, quán ăn đông khách ngày nào giờ đây đã vắng hoe. Bánh cuốn cũng không cần ủ đến 1-2h sáng đợi khách nữa vì anh em công nhân đã bỏ đi ăn quán khác, vẫn chưa biết ông mở cửa mà quay lại.

Hàng quán vỉa hè xưa nay vẫn vậy. Không tên tuổi nên dù có bán cả 20 năm, đông đến đâu thì chỉ cần nghỉ một vài tháng là mất hết khách quen. Những thực khách trước đây, họ đã dần chuyển sang "quen" ăn ở một hàng khác. Trên con ngõ nhỏ này, một mình ông Sinh vẫn lặng lẽ bán hàng nhưng người tìm đến đây, ngày một thưa dần.

Dân mạng rủ nhau đi ăn bánh cuốn của cụ ông 70 tuổi vất vả mưu sinh ở Hà Nội - Ảnh 5.

Con ngõ nơi ông Sinh bán hàng khá yên tĩnh.

"Bán hàng lâu năm cũng có nhiều kỉ niệm lắm chứ. Tôi nhớ trước kia có một chị bị bệnh dạ dày, suốt 1 năm trời ngày 2 bữa ăn bánh cuốn ở đây, khi ấy tôi còn bán cả đêm và sáng sớm". Có những vị khách đã quen mặt đến thế nhưng giờ cũng đã không thấy quay lại. 20 năm dài đằng đẵng vẫn không bằng 1 năm ngắn ngủi nghỉ hàng. Nghĩ đến đấy, đôi lúc ông Sinh cũng cảm thấy chạnh lòng.

Dân mạng hò nhau đến ủng hộ quán ăn cũ

Biết ông Sinh mở hàng bán bánh trở lại, một vài thực khách quen đã chia sẻ thông tin trên mạng và nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Trong số đó có đoạn chia sẻ của nickname T.K trên một hội nhóm ẩm thực, nhận được cả ngàn lượt thích và hàng trăm lượt bình luận.

"Chả là gần ngõ nhà em có hàng bánh cuốn, em ăn của ông từ hồi bé tí xíu rồi nhưng cách đây vài năm ông lại nghỉ không bán nữa do vợ ông ốm bệnh... Ông cũng có con có cháu nhưng con gái ông lấy chồng thì cũng không khá giả nên ông giờ lại bán lại bánh cuốn để vừa đỡ buồn tủi mà lại có thêm đồng ra đồng vào ạ... Nhưng buồn mỗi cái là ngõ vắng ít người ăn lắm mặc dù bánh cuốn khá ngon bổ rẻ", những dòng chia sẻ chân thành của T.K nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người.

Dân mạng rủ nhau đi ăn bánh cuốn của cụ ông 70 tuổi vất vả mưu sinh ở Hà Nội - Ảnh 6.

Những bức ảnh và chia sẻ của nickname T.K nhận được sự quan tâm của khá nhiều người.

Nhiều thực khách đã nhận ra quán họ quen ăn ngày xưa. Đa số đều nhận định quán bánh cuốn này không phải dạng quá đặc biệt nhưng họ vẫn luôn nhớ đến nó như một kỉ niệm đẹp của tuổi thơ. Với nhiều người, suất bánh cuốn giá rẻ bán vào đêm muộn ở đây chính là "cứu tinh" cho cái dạ dày trống rỗng của họ, nhất là vào thời điểm 20 năm về trước, khi hàng quán về đêm trong các ngõ nhỏ đều khá thưa thớt.

"Quán này ngay trong ngõ nhà mình, bánh cuốn bình thường, chưa phải quá ngon nhưng được cái sạch sẽ. Mình nhớ hồi bé tí đã được mẹ dẫn đi ăn ở đây rồi. Mọi người nếu tiện qua ủng hộ nhé, chủ yếu là thương ông cụ tuổi cao vẫn phải vất vả" , nickname H.A nói.

Dân mạng rủ nhau đi ăn bánh cuốn của cụ ông 70 tuổi vất vả mưu sinh ở Hà Nội - Ảnh 7.

Tuổi cao nhưng tay làm bánh của ông Sinh vẫn khá điêu luyện.

Dân mạng rủ nhau đi ăn bánh cuốn của cụ ông 70 tuổi vất vả mưu sinh ở Hà Nội - Ảnh 8.

Ông Sinh chuẩn bị bê đồ cho khách.

Đồng tình với quan điểm này, một người dùng mạng khác cũng chia sẻ: "Mình biết quán ăn này, đúng là đã bán lâu năm thật. Một dạo thấy hàng nghỉ bán, hóa ra là vì nhà có tang. Hôm nào đó mình nhất định ra ủng hộ, thấy người cao tuổi vẫn vất vả bán hàng là thương rồi".

Nói về chuyện được cộng đồng mạng ủng hộ, ông Sinh tâm sự: "Mấy hôm nay vào tầm 9h tối, quán cũng bắt đầu đông khách hơn. Tôi hỏi chuyện mới biết họ hầu hết là xem trên mạng và tìm đến đây ăn ủng hộ".

Ông Sinh tâm sự, gia đình ông tuy hoàn cảnh kinh tế không mấy dư dả nhưng ông đi bán hàng chủ yếu để khuây khỏa và bớt cô đơn. "Tôi cũng rất mong anh em công nhân ngày xưa sẽ quay lại đây, tôi rất thích phục vụ những người lao động thu nhập thấp như thế. Nếu họ có nhu cầu, tôi lại ủ bánh, bán đến 1-2h sáng", ông Sinh nói thêm.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày