Đại diện Rap Việt nói gì trước quy định cấm thí sinh sử dụng "mày-tao" trong lời rap?

Minh Khôi, Theo Thể Thao Văn Hoá 19:55 28/03/2023

Vòng casting của Rap Việt mùa 3 không cho phép thí sinh sử dụng "mày-tao" trong lyric.

Mới đây, BTC Rap Việt mùa 3 đã cập nhật những quy định và lưu ý với các thí sinh tham dự vòng casting của chương trình diễn ra vào đầu tháng 4 sắp tới. Cụ thể, phía chương trình đưa ra 2 yêu cầu: “Lyric sử dụng từ ngữ văn minh (không dung tục, mày - tao, 18+...). Bắt buộc thuộc lyric khi đi cast, đừng làm mất điểm với giám khảo casting khi vừa cầm giấy nhìn lyric, vừa rap nhé anh em”.

Đại diện Rap Việt nói gì trước quy định cấm thí sinh sử dụng mày-tao trong lời rap? - Ảnh 1.
Đại diện Rap Việt nói gì trước quy định cấm thí sinh sử dụng mày-tao trong lời rap? - Ảnh 2.

Dàn giám khảo và HLV Rap Việt 2 mùa.

Netizen tranh cãi việc không cho dùng “mày - tao”, một rapper kì cựu cũng không đồng tình với Rap Việt

Nhìn nhận một cách khách quan, nhạc rap/ văn hóa hip-hop mang tính đặc thù về sự gai góc, chất đường phố, cái tôi của người chơi rap cũng được đặt lên cao. Chính vì lẽ đó, ngôn từ của các bản rap cũng có những đặc trưng riêng. Việc không dùng các từ dung tục, 18+ hoàn toàn dễ hiểu vì dù sao đây cũng là một chương trình phát sóng rộng rãi. Tuy nhiên, vấn đề BTC không cho phép dùng đại từ danh xưng “mày-tao” ở ngay vòng casting cũng phần nào gây chú ý và tranh cãi, nhiều người cho rằng việc cấm này lại quá khắt khe không cần thiết. Nhiều netizen còn “nửa đùa nửa thật” rằng nếu viết rap mà không dùng “mày-tao” thì họ sẽ phải chuyển sang “cậu-tớ”, “anh-em”,... và điều này cũng làm giảm sắc thái biểu đạt mà lời rap hướng đến.

Rapper Blackbi, một tên tuổi kỳ cựu trong giới Underground, cũng không đồng tình với quy định không sử dụng “mày-tao” trong lời rap. Trên trang cá nhân của mình, anh viết: “Ngôn từ trong nhạc rap vô cùng phóng khoáng và không bị gò bó trong một giới hạn nào nên những câu chửi thề xuất hiện trong nhạc rap là chuyện rất bình thường. Bởi những nét đặc trưng trong phong cách của từng rapper, nên đó cũng là cơ sở để họ so bì trình độ rap với nhau, cũng như họ dùng rap để giải quyết những mâu thuẫn với nhau”. Nam rapper cũng châm biếm việc này bằng việc sáng tác 2 câu rap: “Tớ sẽ chạm nhẹ vào cậu vì cậu đã buông lời không hay về tớ. Tớ sẽ cho cậu biết thế nào là Rap Việt sẽ rất vui và hề ....nhớ!”.

Đại diện Rap Việt nói gì trước quy định cấm thí sinh sử dụng mày-tao trong lời rap? - Ảnh 3.

Rapper Blackbi, một tên tuổi kỳ cựu trong giới Underground, cũng không đồng tình với quy định không sử dụng “mày-tao” trong lời rap.

Các thí sinh đã từng dự thi 2 mùa và đại diện BTC nói gì?

Tuy nhiên, không ít ý kiến cũng đồng tình và cho rằng mỗi chương trình đều có luật chơi riêng, không tuân thủ thì có thể không chọn thi, không ai ép buộc. Nhiều ý kiến cũng cho rằng chương trình yêu cầu không dùng “mày - tao” cũng là để đánh giá năng lực, khả năng viết lời của các rapper khi không được sử dụng cách xưng hô “đường phố” này.

Ở dưới thông báo của BTC Rap Việt, Á quân mùa 1 GDucky cho biết: “Không mày tao thì nó là vượt khó luôn”; nữ rapper trong team Karik mùa 1 - Nul hài hước cho biết: “Đôi khi tớ - cậu cũng có cái vui mà”.

Đại diện Rap Việt nói gì trước quy định cấm thí sinh sử dụng mày-tao trong lời rap? - Ảnh 4.

Á quân mùa 1 GDucky cho biết: “Không mày tao thì nó là vượt khó luôn”

Rapper Rtee, học trò Binz tại Rap Việt mùa 1, lại có quan điểm uyển chuyển hơn. Chia sẻ với chúng tôi, nam rapper cho rằng âm nhạc nói chung có thể tự do nhưng vẫn luôn cần có sự chắt lọc để có thể đẹp từ trong lẫn ngoài: “Quan điểm của tôi về văn hoá hip hop của phương đông và phương tây về cốt lõi vẫn là đường phố, nên sẽ có nhiều thứ không thể để nó mất đi đặc biệt là chữ 'đời'. Nhưng về tính chất thì sẽ được định hình từ yếu tố văn hoá, thuần phong mỹ tục của từng nước, ví dụ như phương thức của phương tây sẽ dùng 'me - you' là xưng hô chính vì cơ bản nghĩa của nó đều bình đẳng nên ai hiểu thế nào cũng được. Nhưng phương đông như chúng ta những từ xưng hô được phân chia thành từng lớp nghĩa từ 'lễ nghi' cho tới 'bình đẳng', mục đích muốn mọi người hiểu về giá trị yếu tố người với người có tâm quan trọng thế nào với xã hội. Thuần phong mỹ tục của các nước vẫn là bức tranh giá trị bậc nhất mà chúng ta cần phải bảo quản và duy trì theo từng thế hệ. Nên sống ở đâu thì phải theo ở đó, học hỏi vẫn là ưu tiên nhưng chắt lọc và kiểm soát mới là thứ chúng ta cần phải chú ý. Âm nhạc có thể tự do nhưng để sự tự do đẹp từ bên trong lẫn bên ngoài thì chúng ta cần phải trau dồi thêm để nước bạn sẽ thấy được sự độc đáo của ngôn ngữ trong mỗi nước đều luôn thú vị và đặc sắc”.

Đại diện Rap Việt nói gì trước quy định cấm thí sinh sử dụng mày-tao trong lời rap? - Ảnh 5.

Rtee cho rằng vẫn nên có giới hạn.

Rapper Tony D, học trò của “Lão Đại” Wowy trong Rap Việt mùa 1 cũng đồng tình với chương trình, anh chia sẻ quan điểm khá thẳng thắn trên trang cá nhân: “Tiếng Việt phong phú hơn chúng ta tưởng, không chỉ có từ mày - tao mới thể hiện sức mạnh của lyrics, và Mày - Tao cũng không phải là chủ ngữ tuyệt đối trong ngôn từ Việt Nam. Và nếu chỉ vì từ Mày-Tao làm khó ngòi bút của Văn Sĩ thì tui khuyên là nên dành thời gian cho việc khác để tránh bỏ phí thời giờ”.

Đại diện Rap Việt nói gì trước quy định cấm thí sinh sử dụng mày-tao trong lời rap? - Ảnh 6.

Rapper Tony D chia sẻ quan điểm khá thẳng thắn trên trang cá nhân

Á quân mùa 2 Blacka chia sẻ: "Mình không phản đối về quyết định của chương trình, mặt khác mình hoàn toàn hiểu lý do họ làm vậy, trò chơi nào cũng cần có luật của nó, trò chơi của Rap Việt chắc chắn phải khác Việt Rap chứ, quan trọng mỗi cá nhân phải biết trao đi giá trị của mình như thế nào là phụ thuộc vào chuẩn mực của mỗi người".

Đại diện Rap Việt nói gì trước quy định cấm thí sinh sử dụng mày-tao trong lời rap? - Ảnh 7.

Blacka cho rằng trò chơi nào cũng cần có luật của nó.

Đại diện truyền thông Vie Channel - Đơn vị đầu tư và sản xuất Rap Việt, cho biết: "Đó là quy định của chương trình đã có từ mùa 1, mùa 2".