Hãy nghĩ đến một bộ phim nổi tiếng nào đó: Star Wars, Superman, Jaws, Rambo, E.T., The Exorcist, thậm chí là cả Some Like It Hot. Thêm chữ "Thổ Nhĩ Kỳ" vào trước và tìm kiếm trên YouTube. Khả năng cao là bạn sẽ tìm thấy một phiên bản đạo nhái kinh phí thấp của các tác phẩm kinh điển này được thực hiện vào thập niên 70 và 80 tại đất Thổ.
"Star Wars" Thổ Nhĩ Kỳ có poster khá rùng rợn
Màn ảnh Thổ Nhĩ Kỳ vốn nổi tiếng với thứ gọi là "mockbuster", phiên bản lỗi của "blockbuster" (bom tấn) của Hollywood. Hai đại diện đình đám nhất là Dunyayi Kurtaran Adam (The Man Who Saves the World a.k.a. Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao Thổ Nhĩ Kỳ) và Korkusuz (Fearless a.k.a. Rambo Thổ Nhĩ Kỳ). Hai bộ phim này không những ăn theo nội dung, nhân vật, tình tiết mà còn nhồi nhét cả các cảnh phim, nhạc phim lẫn kỹ xảo của phim gốc.
Phiên bản E.T Thổ Nhĩ Kỳ này khiến trẻ em bị sang chấn tâm lý hơn là giải trí.
Từ thời bình minh của màn ảnh 100 năm trước, nền điện ảnh các quốc gia đã trải qua lịch sử phát triển với nhiều thay đổi. Thế nhưng điều gì đã khiến cho các nhà làm phim của Thổ tích cực ăn theo phim Hollywood trong suốt hai mươi năm và thậm chí kéo dài đến tận thập niên 90 với một sự "mặt dày mày dạn" không hề nhẹ?
Để trả lời được câu hỏi đó, hãy lội ngược dòng trở về thập niên 70 khi mà thế giới vẫn coi thường luật chống vi phạm bản quyền quốc tế để xem nước Thổ Nhĩ Kỳ đã làm gì với phim bom tấn nước bạn.
Xã hội rối ren: tiền đề cho các phim rẻ tiền
Xét về mặt chính trị, Thổ Nhĩ Kỳ chưa bao giờ là một nước ăn to nói lớn trên bản đồ thế giới. Từ khi lập quốc năm 1923, đất nước này đã trải qua nhiều lần đảo chính vào những năm 1960, 1971, 1980 và 1997. Như một hệ quả, các nghệ sĩ Thổ phải liên tục thích nghi với những đợt thuỷ triều của thay đổi chính trị, phải đối mặt với đủ thứ từ kiểm duyệt đến bạo lực khi đất nước tiến đến quá trình dân chủ.
Người ngoài hành tinh phiên bản Thổ có vòng 3 mà chị em nhà Kim phải ghen tị
Mọi thứ không phải lúc nào cũng đi theo hướng đó. Giống như Mỹ hay Anh, điện ảnh Thổ Nhĩ Kỳ cũng có một thời hoàng kim kéo dài trong 20 năm từ những năm 50 đến 70 thế kỷ trước. "Thời đại Yesilçam" này chứng kiến hơn 40 công ty sản xuất phim lớn nhỏ tụ họp tại thủ đô Istanbul. Trong thời kỳ này, Thổ trở thành nhà sản xuất phim lớn nhất tại Trung Đông. Bấy giờ họ sản xuất được khoảng 300 phim một năm phục vụ đủ mọi đối tượng từ thanh niên ham mê phim đâm chém cho tới phụ nữ thích tình yêu tình báo.
Tác phẩm Susaz Yas (Dry Summer) ra mắt năm 1963 nhận được khá nhiều lời ngợi khen cũng đã chấm dứt kỷ nguyên vàng của ngành điện ảnh Thổ Nhĩ Kỳ
Tuy nhiên với lực lượng biên kịch hạn chế, giống như trong series Westworld thì các nhà làm phim phải tận dụng mọi ý tưởng mà họ tìm thấy để sản xuất đại trà. Một số kịch bản còn được ba hay bốn công ty mua về để nhân rộng số lượng phim phục vụ nhu cầu khán giả. Điện ảnh Thổ cũng chẳng mặn mà gì với giải thưởng hay thông điệp xã hội - thứ họ cần là các diễn viên nổi tiếng mà khán giả muốn xem - một chuyện tình ba xu.
Tuy nhiên bất ổn chính trị và sự lao đao của nền kinh tế dẫn tới giá cả tăng vọt đã đẩy nền điện ảnh Thổ Nhĩ Kỳ vào giai đoạn thoái trào. Những năm cuối thập niên 70 đánh dấu sự bùng nổ của tình dục trên màn ảnh. Năm 1979, 131 trong số 193 phim của Thổ sản xuất là phim khiêu dâm hoặc khêu gợi (erotic).
Xu hướng này cũng chẳng tồn tại được lâu. Năm 1980 sau cuộc đảo chính, mọi thứ rơi vào vòng kiểm duyệt gắt gao. Các đạo diễn tên tuổi bị bắt giam, trong đó phải kể tới Yılmaz Güney. Nhiều nhà làm phim lo sợ cho số phận của mình phải bỏ xứ, như Güney đã chết trên đất khách quê người.
Khi khán giả vui vẻ với những thước phim ăn cắp
Từ thập niên 40 Hollywood đã không ngừng truyền cảm hứng cho điện ảnh Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên với số lượng biên kịch còn lại ở cuối thời kỳ Yesilçam, đây trở thành "mỏ vàng" để khai thác. Trước thời điểm đảo chính, nơi duy nhất bạn có thể xem các bom tấn Hollywood tại Thổ là các thành phố lớn. Dân quê không ai có ý niệm gì về phim bom tấn như thế nào. Vì thế một kịch bản ăn cắp từ The Wizard of Oz, Wuthering Heights, Superman hay Some Like It Hot với diễn viên Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rất dễ dàng loè bịp được khán giả đại chúng. Các studio tại Hollywood thì chẳng biết gì về việc các phiên bản Trung Đông của Tarzan, Flash Gordon, Zorro hay The Lone Ranger đang tràn ngập đất nước bạn.
Phù thủy xứ Oz nhưng có quốc tịch Thổ
Một đạo diễn từng nói: "Tôi đi xem Fistful of Dollars và rồi ngày hôm sau tôi làm lại nó!". Rõ ràng vào thời điểm đó, các nhà làm phim của Thổ Nhĩ Kỳ không coi việc họ đang làm là phạm tội. Tình yêu với màn ảnh và nhu cầu của công chúng đã tiếp tay cho họ ăn cắp ý tưởng và biến tấu chúng cho phù hợp thị hiếu nhân dân.
Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao Thổ Nhĩ Kỳ
Khi Star Wars càn quét màn ảnh vào năm 1977, không dễ để hình dung điện ảnh Thổ ngay lập tức bắt tay vào cải biên loạt phim này. Năm 1982 đạo diễn Çetin Inanç cho ra lò The Man Who Saves the World hay còn được gọi là Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao Thổ Nhĩ Kỳ.
Luyện tập vất vả trên không gian thế này đây
Han Solo có làm được thế này không?
Ông này sau đó giãi bày khi bản phim Star Wars được đưa đến Thổ, ông đã lén cắt các cảnh phim mình muốn, sao chép chúng và trả về studio mà chẳng ai hay biết. Kỹ thuật làm phim này có lẽ không nên học hỏi, nhưng kết quả thì khá ấn tượng. The Man Who Saves the World (Người Anh Hùng Cứu Thế Giới) có được sự kết hợp khá điên rồ giữa phong cách hai thập niên 70 và 80. Bạn sẽ thấy ninja, quái vật không gian, nhà du hành vũ trụ, và cả zombie. Đúng rồi đấy. Zombie. Trong vũ trụ. Zombie - vũ - trụ.
Bộ phim này có lẽ sẽ làm fan Star Wars ghét còn hơn cả Solo: A Star Wars Story
Tất nhiên mọi thứ dù được sắp xếp vẫn không khỏi trông chắp vá khủng khiếp. Trong phim bỗng nhiên từ đâu ra một video NASA phóng tên lửa. Vì một vài lý do nào đó, nhạc phim được"mượn đỡ" từ Raiders of the Lost Ark. Tuy vậy chứng kiến ngôi sao Thổ Nhĩ Kỳ Cüneyt Arkin biểu diễn những pha tập luyện theo phong cách võ sĩ đấm bốc Rocky trong thế giới của người ngoài hành tinh cũng khá là giải trí.
Spider-Man Thổ Nhĩ Kỳ là người xấu!
Cüneyt Arkin chính là gương mặt nổi tiếng nhất của dòng phim đạo nhái nước Thổ. Ngoại hình ưa nhìn và phong thái mạnh mẽ đã giúp cho anh diễn thật đạt những cảnh chôm chỉa được từ phim Mỹ. Trong suốt sự nghiệp, Arkin đã tham gia vào 250 dự án điện ảnh hạng B, nhiều tới mức mà cuộn phim của chúng có thể cuốn hai vòng quanh trái đất.
Trước khi có Infinity War cả nửa thế kỷ thì chúng ta có cái thứ này...
Ấy vậy mà The Man Who Saves The World không phải là tác phẩm Thổ Nhĩ Kỳ duy nhất khiến Hollywood tức điên lên. Nhiều năm trước khi vũ trụ điện ảnh Marvel được khai sinh, ở Trung Đông người ta đã thấy sự kết hợp giữa các siêu anh hùng Captain America, Spider-man và đô vật Mexico El Santo trong một tác phẩm mang tên The 3 Giant Men (3 Người Đàn Ông Vĩ Đại). Tất nhiên trong phim này Người Nhện sẽ là phản diện: anh ta giết hại dã man một người phụ nữ bằng cách dùng quạt thuyền để bẻ cổ cô này!
Nhạc phim cũng được ăn cắp để tái sử dụng hàng loạt. Nếu đó là một cảnh hành động, phần âm nhạc của Enter The Dragon sẽ được phát. Bi kịch ấy à? Điệu waltz trong Godfather sẽ là lựa chọn không tồi.
Sự thoái trào của một thời đại
Rambo phiên bản Trung Đông trông cũng không đến nỗi nào
Bắt đầu từ giữa thập niên 90, dòng phim nhái rẻ tiền của Thổ bắt đầu có dấu hiệu đi xuống. Người ta bắt đầu quay trở lại các rạp chiếu phim, còn cánh làm phim của nước này dần nhận được sự công nhận từ giải thưởng quốc tế. Nhu cầu về các phim rẻ tiền đã không còn, thay vào đó khán giả muốn bỏ "tiền tươi thóc thật" để chứng kiến các bộ phim với nội dung tử tế. Mức sống của người dân được cải thiện, kéo theo đòi hỏi về chất lượng phim ảnh theo đó cũng tăng lên. Không còn nhu cầu, các phim hạng B ăn theo dần trôi vào quên lãng. Dầu vậy với việc tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan thắt chặt các biện pháp kiểm duyệt gắt gao những năm gần đây, ai mà dám chắc đất nước này lại chẳng "hồi sinh" kỷ nguyên phim đạo nhái một lần nữa?
Nguồn: Cinemaescapist