Cuộc đời nghiệt ngã của cầu thủ da màu đầu tiên trên thế giới công khai đồng tính: Bế tắc đến mức treo cổ tự sát

Kienzeratul Spiderum, Theo Helino 20:08 05/05/2018

Từ một tài năng trẻ đầy triển vọng, cuộc đời và sự nghiệp cầu thủ bóng đá của Justin Fashanu xuống dốc không phanh kể từ khi ông thừa nhận bản thân mình là người đồng tính. Trải qua không biết bao nhiêu tủi nhục và khổ sở, để rồi cơn túng quẫn đã khiến chàng cầu thủ tội nghiệp phải tự sát vào ngày 2/5/1998.

Tuổi thơ cơ cực của một ngôi sao bóng đá

Bộ phim "Forbidden Games: The Justin Fashanu Story" được khắc họa dựa trên cuộc đời thực của cầu thủ bóng đá, Justin Fashanu. Sinh vào tháng 2 năm 1961 tại Hackney, là con của một luật sư người Nigeria và nữ y tá người Guyana, Justin cùng với người em trai John sớm bị đưa vào trại dành cho trẻ em cơ nhỡ từ khi còn rất nhỏ.

Cuộc đời nghiệt ngã của cầu thủ da màu đầu tiên trên thế giới công khai đồng tính: Bế tắc đến mức treo cổ tự sát - Ảnh 1.

Hình ảnh hai anh em Justin và John Fashanu khi còn nhỏ.

Năm lên 6 tuổi, cả 2 anh em được cặp vợ chồng già Alf và Betty Jackson nhận nuôi trước khi chuyển đến căn nhà tại Shropham, Attleborough, Norfolk. Chính bà Betty đã nói: "Hồi đó tôi không chắc mình có nên nhận nuôi một em bé da màu hay không", sau đó vì quá ấn tượng trước hình dáng của Justin mà bà cùng chồng mình quyết định đón đứa con nuôi về chung nhà.

Ở thời điểm đó, nước Anh vẫn cho rằng, đồng tính là điều không thể chấp nhận được. Còn Justin, trước khi bi kịch cuộc đời ập đến, cậu vẫn chỉ là một chú bé lớn lên với tuổi thơ êm đềm cùng với niềm đam mê đầu tiên trong đời – bóng đá.

Sự nghiệp sớm thăng hoa nhưng cũng lụi tàn nhanh chóng

Năm 1978, Justin ký hợp đồng cầu thủ chuyên nghiệp đầu tiên với đội bóng Norwich City trước khi có trận ra mắt chính thức một năm sau đó. Thế rồi, bàn thắng vô-lê vào năm 1980 như một lời nguyền, khiến sự nghiệp của Justin xuống dốc kể từ đó. Tổng cộng anh chàng ra sân 103 lần cho đội Norwich, ghi tổng cộng 40 bàn thắng và kèm theo đó là vô số lần ra sân cho đội tuyển U21 Anh. 

Nhưng có lẽ chính bàn thắng trước đội Liverpool – một trong số những pha làm bàn xuất sắc nhất trong lịch sử môn thể thao vua – mới khiến danh tiếng của Justin Fashanu lan rộng ra toàn công chúng. Thậm chí trong năm 1980, vì quá ấn tượng trước cú sút ấy, đài BBC đã trao giải bàn thắng của mùa giải cho Justin, thể hiện sự công nhận cho tài năng của cầu thủ trẻ mới chỉ bước qua tuổi 19 này.

Cuộc đời nghiệt ngã của cầu thủ da màu đầu tiên trên thế giới công khai đồng tính: Bế tắc đến mức treo cổ tự sát - Ảnh 2.

Hình ảnh Justin Fashanu khi còn thi đấu cho câu lạc bộ Norwich City.

Thời kỳ này, những cụm từ mang tính kỳ thị người đồng tính, đặc biệt là trong các trận đấu, được sử dụng rất phổ biến. Tuy bị cấm sử dụng theo quy định, những từ ngữ thóa mạ mang tính phân biệt giới tính vẫn được các cầu thủ sẵn sàng thốt ra để chì chiết đối phương. Vừa phải thi đấu trong môi trường phức tạp vừa phải giữ kín bí mật cá nhân của mình, Justin vẫn vươn mình khẳng định tài năng, thông qua những màn trình diễn siêu hạng cho Norwich.

Tiếng lành đồn xa, tài năng của Justin lớn đến mức nó vượt qua cả tầm vóc của đội Norwich. Chuyện gì phải đến rồi cũng đã đến, Nottingham Forest, đương kim vô địch Châu Âu, đã quyết định tiếp cận và kí hợp đồng với Justin. Tháng 8 năm 1981, Justin ký hợp đồng chuyển sang thi đấu cho đội bóng mới với giá chuyển nhượng 1 triệu bảng Anh (tương đương với hơn 31 tỷ đồng hiện nay). Anh cũng là cầu thủ da màu đầu tiên được nhận một khoản tiền lót tay khi thay thế vị trí cũ của Trevor Francis, một cầu thủ vốn được nhiều cổ động viên Nottingham yêu mến. 

Trước sức ép và sự kỳ vọng đó, Justin đã có khoảng thời gian đầu khá chật vật. Trong 32 trận đấu thuộc cả mùa giải đầu tiên khoác áo đội bóng mới, cậu bé thần đồng ngày nào chỉ đưa bóng vào lưới được vỏn vẹn 3 lần. Mối quan hệ giữa anh với huấn luyện viên Clough của đội ngày càng trở nên tồi tệ. Thêm vào đó, những tin đồn xung quanh việc Justin hay lui tới những tụ điểm chỉ dành cho người đồng tính được lan truyền mạnh mẽ trong toàn đội, và điều này cũng không qua mắt được vị huấn luyện viên khó tính của Nottingham. Trong cuốn tự truyện ra mắt năm 1995, Clough đã tường thuật lại chi tiết một buổi "mắng nhiếc" mà ông dành cho Justin:

"Cậu thường đi tới đâu để mua bánh mì", tôi hỏi Justin
"Hiệu bánh, tôi nghĩ vậy", anh ta đáp lại
"Thế còn nếu muốn mua một chiếc đùi cừu thì sao?"
"Tất nhiên là cửa hàng thịt rồi"
"Vậy thế quái nào mà cậu cứ suốt ngày mò tới cái quán rượu đồng bóng đấy thế?"

photo-3

Justin Fashanu (bên phải) tranh chấp bóng bổng với cầu thủ đội bạn trong trận đấu giữa Norwich City và Manchester City

Và thế là Justin bị cấm tham gia vào các hoạt động tập luyện của toàn đội. Cầu thủ trẻ tiềm năng ngày nào giờ trở nên kém tự tin hơn và sự nghiệp tương lai có dấu hiệu đi xuống thấy rõ. Quãng thời gian sau đó chứng kiến chuỗi phiêu bạt đi khắp các câu lạc bộ khác nhau, từ nước Mỹ xa xôi cho đến cả những nền bóng đá nhỏ hơn như Thụy Điển. Ở mỗi câu lạc bộ, Justin đều có thời gian thi đấu và cống hiến hết mình, dù chỉ là trong thời gian rất ngắn ngủi. Và ở đâu anh cũng phải nhận lấy sự ghẻ lạnh từ mọi người.

Năm 1990, Justin đã đưa ra một quyết định hết sức dũng cảm vào thời đó: tuyên bố thừa nhận với báo giới rằng, mình là người đồng tính. Đổi lại, anh nhận được khoảng 70 nghìn bảng Anh tiền thu lao (tương đương hơn 2,2 tỷ đồng hiện giờ) từ tờ The Sun. Nhưng trước khi sự kiện đó xảy ra, có lẽ Justin cũng không ngờ rằng chính người em trai John của mình, người mà anh tin tưởng nhất, lại "tống tiền" chính người anh ruột của mình, đổi lại John sẽ giữ bí mật của Justin và không để lộ cho bất cứ ai. 

Số tiền mà John yêu cầu lên tới 100 nghìn bảng Anh (khoảng 3,1 tỷ đồng). Nhớ lại lúc đó, John nói rằng có lẽ điều thôi thúc anh quyết định nói ra sự thật chính là cảm giác xấu hổ về người anh của mình: "Tôi không muốn mình cũng bị đồng hóa theo, hay thậm chí còn không muốn ở gần anh ta nữa". Với John, Justin không khác gì một "kẻ thù truyền kiếp" vậy.

Sự nghiệp đá bóng của Justin kết thúc vào năm 1997, khi anh chính thức giải nghệ trong màu áo đội bóng Wellington’s Miramar Rangers ở tận đất nước New Zealand xa xôi. Nhưng cho dù đã đoạn tuyệt với bóng đá, cuộc đời của Justin lúc này lại rẽ sang một trang khác đen tối hơn rất nhiều.

Bi kịch ập đến và cái chết tức tưởi của một tài năng đã mai một

Khi chuyển đến sống tại thành phố Ellicott, thuộc tiểu bang Maryland, Mỹ, một cậu bé 17 tuổi có tên Paul McKane đã bất ngờ trình báo cảnh sát và cáo buộc Justin có hành vi lạm dụng tình dục với mình. Ngày 03/04/1998, cảnh sát liền tiến hành thẩm vấn Justin nhưng rất may là không tạm giam. Thay vào đó, lệnh bắt giữ được ban bố chỉ vài ngày sau đó, tại căn hộ chung cư của Justin. Justin bị cáo buộc phạm phải tội tấn công tình dục cấp độ 2, tội tấn công người khác cấp độ 1 và 2, tuy vậy trước khi cảnh sát ập đến thì anh đã nhanh chóng bỏ về London từ trước đó.

Tháng 5/1998, người ta phát hiện Justin Fashanu chết trong tư thế treo cổ tại một gara ở Shoreditch, London, bên cạnh 1 mẩu giấy dường như giống với lá thư tuyệt mệnh mà anh để lại. Nội dung lá thư ghi rõ mối quan hệ giữa Justin và bé trai trước kia là hoàn toàn tự nguyện và đồng thuận, nhưng anh chỉ đơn giản là "không muốn làm gia đình và người thân phải xấu hổ thêm nữa". 

Vào năm 2012, người em John tham dự một buổi phỏng vấn của BBC, đã nói rằng, anh ta không tin, Justin là người đồng tính và rằng Justin chỉ "muốn thu hút sự chú ý mà thôi". Ông cảm thấy tiếc nuối vì đã không thể làm gì để an ủi người anh của mình, dẫn đến cái chết có phần đau đớn đó.

Điều đáng tiếc là việc Justin không biết cảnh sát Maryland đã quyết định dừng điều tra đơn tố cáo của Paul McKane vì không đủ bằng chứng. Họ cũng không hề có ý định truy nã Justin Fashanu. Dường như, Justin Fashanu đã sai lầm khi chọn cách kết thúc cuộc đời mình một cách đau đớn và cô độc.

Cuộc đời nghiệt ngã của cầu thủ da màu đầu tiên trên thế giới công khai đồng tính: Bế tắc đến mức treo cổ tự sát - Ảnh 4.

Hình ảnh Justin vui vẻ tham dự bữa tiệc cùng bạn bè trước khi chọn cho mình con đường tìm đến cái chết.

Trong cuộc đời yểu mệnh của mình, Justin được nhận xét là một cầu thủ giỏi nhưng chưa hẳn là xuất sắc. Bộ phim tài liệu "Forbidden Games" dựa trên chính cuộc đời của Justin cũng khắc họa y hệt chi tiết đó. Chỉ có điều đáng tiếc rằng, bộ phim không đề cập về những khó khăn mà Justin phải trải qua để có thể đối mặt với dư luận rằng, anh là người đồng tính, đồng thời sự ủng hộ của cộng đồng LGBT thời đó dành cho Justin được thể hiện trong bộ phim vô cùng mờ nhạt.

Nguồn: Vice, Roads and Kingdoms