Các chuyên gia NASA nói vui rằng, bạn hãy quên những màn pháo hoa vào đêm giao thừa năm nay đi đi bởi đêm nay bầu trời đêm còn rực sáng bởi màn pháo hoa tự nhiên cơ đấy!
Cụ thể, theo Science Alert đưa tin, vào đêm nay - 31/12, một sao chổi sẽ bay ngang qua Trái đất, đồng thời thắp sáng bầu trời đêm bằng màn pháo hoa tự nhiên.
Theo đó, sao chổi mang tên 45P/Honda-Mrkos-Pajdušáková sẽ bay ngay cạnh trăng lưỡi liềm trong đêm 31/12.
Theo các chuyên gia thiên văn học, cứ sau 5 năm, ngôi sao chổi có phần đầu màu xanh dương và xanh lá cây rực rỡ này lại bay qua vành đai trong hệ Mặt Trời.
Nó bắt đầu trở nên sáng rõ ở phía Tây đường chân trời từ ngày 15/12. Và tới ngày 31/12 này, chúng sẽ tiến lại gần Mặt trời ở khoảng cách 140 triệu km. Điểm đặc biệt là bạn có thể quan sát chúng bằng kính viễn vọng.
Paul Chodas, giám đốc của Trung tâm của NASA về nghiên cứu vật thể gần Trái đất (NEO) cho biết: "Bạn sẽ có cơ hội tốt để ngắm nhìn sự kiện sao chổi lần này chỉ với chiếc ống nhòm loại chuyên dụng. Tuy nhiên, do chúng ta không thể chắc chắn về độ sáng của các ngôi sao nên việc bạn có thể ngắm nhìn hiện tượng này rõ nét hay không thì không thể đoán trước".
Giới thiên văn học thường dùng độ sáng biểu kiến (của thiên thể) để xác định độ sáng của vật thể trên bầu trời; độ sáng này càng thấp thì vật thể đó càng sáng. Các ngôi sao sáng nhất có độ sáng biểu kiến là 0 hoặc 1, trong khi ngôi sao mờ nhất ở mức 6.
Sao chổi là một tập hợp gồm đá, bụi, băng và các khí đóng băng như carbon monoxide (CO), methane và ammonia. Do tỷ trọng thấp, nhân của sao chổi không tạo thành hình khối như các vật thể lớn hơn trong vũ trụ, và do đó nó thường có hình dạng bất thường.
Nếu muốn chiêm ngưỡng hiện tượng này thì bạn hãy nhìn về phía Đông Nam, thời điểm ngay sau giao thừa nhé!
Nguồn: Sciencealert