Cử nhân Sư phạm ngành tiếng Anh - ngành hot vì sao vẫn lận đận chuyện xin việc?

Thu Hường, Theo Trí Thức Trẻ 00:05 02/07/2016

"Việc số người giỏi tiếng Anh tăng lên đồng nghĩa với việc cơ hội việc làm của sinh viên sư phạm Anh ngày càng bị thu hẹp lại, nhất là trong giai đoạn khủng hoảng nhân lực giáo viên như hiện nay".

Tiếng Anh sư phạm, cuộc chọi gắt gao từ lúc thi vào đến khi tìm việc làm

Những năm gần đây, số lượng sinh viên sư phạm sau khi ra trường không tìm được việc làm đúng chuyên môn ngày càng tăng cao. Điều đáng nói là sự dư thừa nhân lực này diễn ra ở tất cả các địa phương, cấp và ngành học khác nhau. Ngay cả chuyên ngành sư phạm ngoại ngữ, một ngành học từng có điểm đầu vào và tỉ lệ chọi gắt gao, được xem là một trong những khoa "hot" nhất của các trường sư phạm, hiện cũng đã "kín chỗ".

Mới đây, trên trang cá nhân của mình, chị Nguyễn Ngọc Diệp, từng làm BTV tại Thời báo kinh tế Việt Nam có đăng bức ảnh tỉ lệ chọi cao ngất ngưởng khi thi tuyển vào THPT Chuyên sư phạm Anh. Theo đó, hơn 2.000 hồ sơ đăng ký nhưng nhà trường chỉ chọn 70 thí sinh. Bức ảnh cùng những dòng chia sẻ về chính câu chuyện từng học chuyên sư phạm của chị nhận được sự quan tâm của rất nhiều người.

Cử nhân Sư phạm ngành tiếng Anh - ngành hot vì sao vẫn lận đận chuyện xin việc? - Ảnh 1.

Bức ảnh trên trang cá nhân của chị Diệp

Trên trang cá nhân, chị Diệp viết: "Ngày xưa mình bỏ đại học Thăng Long theo kiểu rũ áo ra đi và cố thi cho được vào khoa Anh Sư phạm cho đẹp mặt gia đình. Cuối cùng 15 năm sau nhận ra mình đã vô cùng sai lầm vì nếu học sư phạm ra mà không muốn theo nghề thì chỉ riêng tiếng Anh không là hoàn toàn không đủ".

Theo chị Diệp: "Trong môi trường làm việc hiện tại, gần như ai chả dùng được tiếng Anh, việc mình có khá hơn chút cũng không tạo ra được cái gì khác biệt".

Theo đó, một sinh viên, nếu chỉ tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân sư phạm tiếng Anh mà không trang bị thêm các kỹ năng chuyên môn khác thì chẳng những cơ hội theo nghề giáo của họ bị hạn hẹp (do cuộc khủng hoảng thừa nhân lực) mà ngay cả các cánh cửa làm trái ngành cũng dần khép lại.

Tâm sự của người trong cuộc

Chia sẻ với chúng tôi, chị Diệp cho biết, bản thân chị từng tốt nghiệp ĐH sư phạm tiếng Anh loại giỏi và làm giảng viên của một số trường đại học công lập cũng như tư thục nhưng cuối cùng lại từ bỏ vì muốn thử sức trong môi trường khác thử thách hơn.

Cử nhân Sư phạm ngành tiếng Anh - ngành hot vì sao vẫn lận đận chuyện xin việc? - Ảnh 2.

Chị Ngọc Diệp.

Theo chị, các trường sư phạm đào tạo kiến thức cho sinh viên rất tốt. Thế nhưng, ngay từ khi bắt đầu đi làm ở môi trường doanh nghiệp, chị Diệp đã nhận ra rằng sinh viên sư phạm thiếu các kỹ năng để hòa nhập với môi trường ở đó.

"Tôi nói tôi sai lầm còn là bởi tôi đã quá chuộng ngành sư phạm Anh nên đã thi vào cho bằng được dù trước đó đã theo học khoa tiếng Nhật của Đại học Dân lập Thăng Long. Khi tôi sang Nhật du học, tôi thấy tấm bằng loại giỏi của sư phạm hay một trường quốc lập khác cũng chỉ ngang nhau".

Cho đến khi đi làm và nhìn lại quãng thời gian trước đây, chị Diệp không khỏi tiếc nuối. "Có đôi lúc, tôi nghĩ, nếu trước đây vẫn theo học đại học Thăng Long, có lẽ giờ tôi đã có thể giỏi cả hai thứ tiếng, cơ hội việc làm và lương bổng tốt hơn rất nhiều".

Cử nhân Sư phạm ngành tiếng Anh - ngành hot vì sao vẫn lận đận chuyện xin việc? - Ảnh 3.

Chị Diệp nhận bằng Ths. tại Nhật Bản.

Sau khi ra trường, 13 năm qua chị Diệp vẫn theo dõi sự phát triển của ngôn ngữ Anh tại Việt Nam nói chung và ngành sư phạm tiếng Anh nói riêng. Theo chị, cho đến nay, trình độ tiếng Anh của người Việt đã cải thiện hơn rất nhiều.

"Tôi còn nhớ, hồi năm 2003, ai đó thi được IELTS 6,5 hoặc 7.0 là rất được khen ngợi, sinh viên sư phạm tiếng Anh khi tốt nghiệp được yêu cầu phải đạt IELTS tối thiểu 6.5. Đáng tiếc, nhiều bạn học các trường sư phạm 4 năm vẫn không đạt được trình độ đó. Ai thi được IELTS 8.0 trở thành một kỳ tích được lên báo và thường người đó cũng phải ngoài 20 tuổi. Tuy nhiên đến những năm gần đây, các bạn trẻ ngày càng giỏi tiếng Anh".

Cử nhân Sư phạm ngành tiếng Anh - ngành hot vì sao vẫn lận đận chuyện xin việc? - Ảnh 4.

Chị Diệp chụp ảnh cùng bạn bè

Theo chị Diệp, việc số người giỏi tiếng Anh tăng lên đồng nghĩa với việc cơ hội việc làm của sinh viên sư phạm Anh ngày càng bị thu hẹp lại, nhất là trong giai đoạn khủng hoảng nhân lực giáo viên như hiện nay.

Thế nhưng, nếu sinh viên sư phạm tiếng Anh trang bị cho mình thêm một ngôn ngữ, kỹ năng khác, họ sẽ có rất nhiều cơ hội. "Tôi lấy ví dụ ngành báo chí tôi đang làm việc, nếu phóng viên biết cả tiếng Nhật, họ sẽ ngay lập tức có thể gọi điện sang xin hỗ trợ bên Nhật, phỏng vấn một số nhân chứng hoặc nạn nhân thực sự của động đất qua điện thoại... những thông tin này thường không được người Nhật chuyển tải sang tiếng Anh. Đó là một lợi thế lớn để họ làm tốt hơn rất nhiều công việc của mình".

CEO Phương Bùi: "Tôi thấy sinh viên sư phạm tiếng Anh mới chỉ giỏi ngữ pháp"

Trao đổi với chúng tôi, Phương Bùi, chủ tịch HĐQT Trung tâm Anh ngữ Aten chia sẻ, ngày nay, tiếng Anh đóng một vai trò cực kỳ quan trọng. "Vì thế, tôi chưa từng thấy ai giỏi tiếng Anh lại thất nghiệp cả. "Giỏi" ở đây là bạn giao tiếp tự tin, phát âm chuẩn nữa thì tuyệt vời".

CEO Phương Bùi phân tích, có nhiều lý do khiến nhiều cử nhân sư phạm tiếng Anh ra trường không tìm được việc làm. Tuy nhiên, cô cho rằng, lý do quan trọng là ngành sư phạm tiếng Anh hiện nay hầu như chỉ đào tạo ra những giáo viên giỏi ngữ pháp chứ chưa cho ra những cử nhân giao tiếp thành thạo và phát âm chuẩn.

Cử nhân Sư phạm ngành tiếng Anh - ngành hot vì sao vẫn lận đận chuyện xin việc? - Ảnh 5.

CEO Phương Bùi, chủ tịch hội đồng quản trị Trung tâm Anh ngữ Aten.

"Hiện nay các trung tâm ngoại ngữ mọc lên rất nhiều, nhu cầu về giáo viên có khả năng sư phạm, giao tiếp tiếng Anh tự tin và phát âm chuẩn luôn luôn rất cao, bất kì trung tâm nào cũng thiếu giáo viên như vậy nhưng sinh viên ra trường rất ít người đáp ứng được tiêu chí đó", CEO Phương Bùi tâm sự.

Với tư cách một nhà tuyển dụng, CEO Phương Bùi cho rằng, nếu nghe nói thành thạo tiếng Anh thì cơ hội nghề nghiệp cho các cử nhân sư phạm tiếng Anh sẽ rất nhiều. "Ví dụ ở ngay tại Trung tâm Anh ngữ của mình, những bạn trẻ như vậy có thể được giữ lại, đào tạo kỹ năng sư phạm để làm giáo viên ở đây".

Cử nhân Sư phạm ngành tiếng Anh - ngành hot vì sao vẫn lận đận chuyện xin việc? - Ảnh 6.

Phương Bùi chia sẻ: "Nếu không biết mình muốn hoặc phù hợp với công việc nào thì song song với việc học tiếng Anh các bạn trẻ nên học các kỹ năng sống thêm như tư duy, giao tiếp, giải quyết vấn đề… những kỹ năng biến mình trở thành một người tích cực và năng động. Làm được việc này thì không bao giờ lo thất nghiệp".

Theo CEO Phương Bùi, để không rơi vào cảnh thất nghiệp khi ra trường, sinh viên sư phạm tiếng Anh nên tích lũy cho mình một kiến thức chuyên môn vững chắc, tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện dạy tiếng Anh, rèn luyện kĩ năng mềm...

Trong khi đó, chị Diệp laị quan điểm sinh viên sư phạm tiếng Anh phải học thật giỏi để khi ra trường, dù không theo nghề giáo thì họ cũng dễ dàng tìm được việc làm khác phù hợp.

"Sinh viên sư phạm Anh cũng có thể học thêm các ngoại ngữ như tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn... đây sẽ là lợi thế cực quan trọng của các bạn nếu nộp hồ sơ vào các Tổ chức phi chính phủ Quốc tế, ban đầu với vị trí thực tập sinh và sau đó là các vị trí cao hơn với đãi ngộ tốt hơn".

Chị Nguyễn Ngọc Diệp tốt nghiệp loại giỏi ĐH Sư phạm Hà Nội khoa tiếng Anh và ngành Quan hệ Quốc tế tại Đại học Quốc tế Nhật bản (IUJ) năm 2015.

Chị từng công tác tại trang tin tài chính CafeF, Ban Thời sự Đài Truyền hình Việt Nam và Thời báo Kinh tế Việt Nam.

Phương Bùi hiện đang là CEO - chủ tịch hội đồng quản trị hệ thống trung tâm Anh ngữ Aten gồm 12 cơ sở tại Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày