Có nên quá kỳ vọng vào luật bỏ tù người sử dụng chất cấm?

Thu Hường, Theo Trí Thức Trẻ 00:53 16/04/2016

Theo TS. Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hành chính - Hình sự, Bộ Tư Pháp, không phải ai sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và chế biến thực phẩm đều bị bỏ tù và quá trình điều tra để đi đến việc thi hành bản án thường mất khá nhiều thời gian.

"Không phải ai sử dụng chất cấm cũng đều bị bỏ tù"

Đó là phát biểu của TS. Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hành chính - Hình sự, Bộ Tư Pháp trong buổi tọa đàm "Lễ phát động chiến dịch chống thực phẩm bẩn" vừa diễn ra tại Hà Nội vào ngày 15/4.

Những ngày gần đây, cuộc chiến chống thực phẩm bẩn đang nhận được sự quan tâm, tham gia của rất nhiều người. Hàng loạt phương tiện truyền thông đại chúng đang ngày ngày sục sôi nhắc đến vấn đề này và kêu gọi sự chung tay của cả cộng đồng để tẩy chay thực phẩm kém an toàn, bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng.

Trong cuộc chiến này, các cơ quan nhà nước cũng đang tích cực nhập cuộc với nhiều biện pháp can thiệp. Một trong những giải pháp mạnh tay đang rất được dư luận quan tâm chính là vào ngày 1/7 tới, điều 319 Bộ luật hình sự sẽ chính thức có hiệu lực. Theo điều luật này thì những người sử dụng chất cấm có khả năng sẽ bị phạt tù đến 20 năm.

Tuy nhiên, hiệu quả thực sự mà điều luật này mang lại đến đâu vẫn là câu hỏi lớn mà nhiều người đang băn khoăn. Trả lời về vấn đề này, bà Thoa cho rằng, luật chỉ xử phạt những ai biết mà cố tình sử dụng chất cấm. "Nông dân mình thực ra rất khổ. Do sự thiếu hiểu biết nên đôi khi chỉ nghĩ là nhúng thực phẩm vào hàn the để tăng độ giòn hoặc nhuộm hóa chất để cho đẹp hơn mà không hề biết đó là chất cấm, có khả năng gây hại đến sức khỏe. Vì thế, nếu phạt tù những người không biết thì thật tội nghiệp cho họ".

Có nên quá kỳ vọng vào luật bỏ tù người sử dụng chất cấm? - Ảnh 1.

Buổi tọa đàm thu hút sự tham gia của khá nhiều người.

Theo bà Thoa, trước đây, luật hình sự thường chú trọng vào việc gây hậu quả. "Tuy nhiên trong các vấn đề môi trường, an toàn thực phẩm... thì việc chờ đợi hậu quả là rất lâu vì không phải cứ dùng phải thực phẩm có chứa chất cấm là bị ốm đau hay mất mạng ngay. Vì thế, luật chuyển hướng sang xử phạt hành vi. Nghĩa là có sử dụng chất cấm là đã đủ để cấu thành tội".

Tuy nhiên, ngoài xác minh người sử dụng chất cấm, để đi đến kết luận chính xác về việc có cố tình phạm tội hay chỉ là sơ ý, các cơ quan chức năng cần tiến hành kiểm tra, rồi khởi tố, tranh tụng... Một người chỉ có thể bị kết luận là có tội và bị phạt tù khi có kết luận công khai của tòa án. "Vì thế, liên quan đến luật hình sự thì phải có quá trình điều tra, khởi tố khá phức tạp. Việc này cũng khá mất thời gian và đây là giải pháp cuối cùng cần sử dụng đến".

Đâu mới là biện pháp mạnh tay "đánh tan" thực phẩm bẩn?

Luật hình sự tuy là giải pháp cứng rắn nhưng theo bà Thoa, hiện các chế tài xử phạt khác cũng rất mạnh và thậm chí, dễ dàng đem lại hiệu quả hơn.

Vị TS. này phân tích, trong luật xử phạt hành chính có quy định, người sản xuất, buôn bán các loại thực phẩm không an toàn có thể bị phạt tiền 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức/đơn vị. "Mức phạt này áp dụng khi giá trị sản phẩm chỉ bằng 1/3-1/4 số tiền quy định xử phạt. Nếu cao hơn, tiền phạt sẽ nhân theo mức 3,5 lần. Vì thế, nếu một trang trại chăn nuôi lợn vi phạm, số tiền phạt sẽ rất lớn".

Ngoài biện pháp xử phạt hành chính mạnh tay, tại khoản 1 Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính có nội dung: "Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan thẩm quyền có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt". Điều 39 Luật Thanh tra quy định: "Kết luận thanh tra phải được công khai, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác".

Có nên quá kỳ vọng vào luật bỏ tù người sử dụng chất cấm? - Ảnh 2.

Bà Thoa trả lời báo chí về các thắc mắc liên quan đến vấn đề pháp lý trong việc đấu tranh chống thực phẩm bẩn.

Bà Thoa phân tích, hiện nay vấn đề công khai danh tính, tên cơ sở, đơn vị, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn đang là một "cú đòn" mạnh tay để bài trừ thực phẩm bẩn. "Sau khi có kết luận thanh tra, xử phạt, trong vòng nhiều nhất 3 ngày, các cơ quan chức năng có trách nhiệm công khai toàn bộ thông tin, hành vi vi phạm và nội dung xử phạt lên trang thông tin điện tử của mình và gửi tin đến các cơ quan báo chí".

Như vậy, người tiêu dùng có thể tự mình theo dõi và bài trừ các cơ sở vi phạm đã được nêu tên đích danh. "Biện pháp xử phạt hành chính sẽ luôn đi kèm với việc công khai danh tính, địa chỉ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn. Cách làm này sẽ rút ngắn thời gian hơn so với việc đưa ra tố tụng hình sự nhưng cũng đem lại những hiệu quả rất cao, có nhiều khi đủ để khiến người vi phạm lâm vào bước đường phá sản".

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày