"Cò" bệnh viện lại lộng hành, chèo kéo mời bệnh nhân "khám nhanh" ở Sài Gòn

Tứ Quý, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 10/07/2016

Sau một thời gian bị cơ quan chức năng dẹp loạn thì nay "cò" bệnh viện lại bắt đầu tái xuất với đội quân đông hơn và có những hành vi chèo kéo, dụ dỗ bệnh nhân "khám nhanh" để lấy tiền.

15.000 đồng/sổ khám bệnh khi qua tay "cò"

Thời gian gần đây, tại các bệnh viện trên địa bàn TP. HCM đang xuất hiện một vấn nạn nhức nhối khó có thể dẹp bỏ đó là "cò"- những người môi giới giúp bệnh nhân "khám nhanh" hơn thay vì phải chờ đợi lấy số. Thực ra "cò" bệnh viện đã xuất hiện từ lâu, mặc dù lực lượng chức năng đã tổ chức chấn chỉnh nhưng sau một thời gian đâu lại vào đó.

Thực tế cho thấy tại các bệnh viện như Ung Bướu, bệnh viện Da Liễu, bệnh viện Hòa Hảo,... "đội quân cò mồi" đang hoạt động rầm rộ trước cổng để dụ dỗ bệnh nhân. Nếu người lần đầu đi khám bệnh thì rất dễ bị những người này dụ trắng trợn với số tiền bị hét lên với giá cắt cổ.

Cò bệnh viện lại lộng hành, chèo kéo mời bệnh nhân khám nhanh ở Sài Gòn - Ảnh 1.

Một tay "cò" đứng trước cổng bệnh viện Ung Bướu TP. HCM chào mời khách.

4h sáng, chúng tôi có mặt tại bệnh viện Ung Bướu TP. HCM, vừa chạy xe chầm chậm đến trước cổng thì lập tức có 2 - 3 người đàn ông và phụ nữ (khoảng 35 tuổi) mời chào: "Anh chị đi đâu, khám bệnh gì để em dẫn đi khám cho nhanh, rồi bồi dưỡng em năm bảy chục hoặc một trăm uống cafe (50.000 - 100.000 đồng). Bảo đảm "khám nhanh" không phải chờ đợi gì, mọi thủ tục em lo hết chỉ cần chờ chút xíu rồi vào khám".

Cảm thấy ái ngại nên chúng tôi từ chối và chạy xe đến chỗ gửi xe thì tiếp tục bị "cò" hỏi thăm, ra giá 50.000 đồng, hứa dẫn vào khám chỉ trong 15 phút là xong. Thời điểm chúng tôi đến, bệnh viện Ung Bướu TP. HCM đang có chương trình khám bệnh từ lúc 5h sáng nên rất đông người đã có mặt từ sớm. Lợi dụng lúc bệnh viện chật kín người, "đội quân cò" bệnh viện khoảng 6-7 người tản ra đi tìm "con mồi".

Cò bệnh viện lại lộng hành, chèo kéo mời bệnh nhân khám nhanh ở Sài Gòn - Ảnh 2.

"Cò" (người đàn ông đội mũ) đang đứng trước bệnh viện để chờ chào mồi khách.

Lúc này, một tay "cò" là phụ nữ vừa chèo kéo được một vị "khách" đến khám bệnh. Người này rất sốt sắng khi bảo bệnh nhân này đứng ở ngoài để mình vào mua sổ khám bệnh. Vừa đến quầy mua sổ khám bệnh, người phụ nữ vừa đưa tờ 5.000 đồng lấy sổ, vừa không quên để mắt tới người phụ nữ kia vì sợ người đó bỏ đi. Khi đến đưa sổ thì "cò" bảo bệnh nhân phải trả 15.000 đồng tiền mua sổ khám bệnh. Lúc này người phụ nữ thắc mắc rằng sổ có 5.000 đồng, sao lại lấy 15.000 đồng thì "cò" mới giảm giá cuốn sổ khám bệnh xuống 10.000 đồng.

Theo ghi nhận của chúng tôi, có rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị "cò" dụ với chiêu thức như trên. Bệnh nhân bị "dụ" đứng một chỗ chờ, còn mọi thủ tục để "cò" lo liệu, sau đó ra lấy tiền với giá cao.

"Cò" giả danh "xe ôm" chèo kéo, mời bệnh nhân vào khám tư bên ngoài bệnh viện

Thực tế cho thấy, tại hầu hết các bệnh viện công, "cò" hoạt động rất nhiều và tinh vi khi trà trộn vào giới xe ôm trước cổng hoặc giả làm người nhà bệnh nhân nếu có cơ quan chức năng kiểm tra. Bên cạnh đó, "cò" cũng hoành hành ngang ngược, vào tận sân bệnh viện lôi kéo, giành giật người bệnh. Chưa hết, "cò" còn tiếp tay với những phòng khám tư bên ngoài bệnh viện để chèo kéo bệnh nhân vào đó.

Khoảng hơn 1h chiều, trong vai bệnh nhân chúng tôi đến bệnh viện Da Liễu (TP. HCM), trước cổng bệnh viện có khoảng 2 "cò" đang chầu chực đón người đến khám. Thấy chúng tôi đang loay hoay trước cổng vì đến khám bệnh sớm, lúc này bệnh viện Da Liễu chưa bắt đầu khám, một tay "cò" tên Lâm hoạt động hơn 5 năm tại bệnh viện này với mác là xe ôm đến hỏi thăm và bắt mối khám tư bên ngoài để khám nhanh hơn.

Cò bệnh viện lại lộng hành, chèo kéo mời bệnh nhân khám nhanh ở Sài Gòn - Ảnh 3.

"Cò" Lâm gọi để móc nối với phòng khám tư bên ngoài BV Da Liễu TP. HCM.

Thấy chúng tôi nghi ngờ, "cò" Lâm mới trấn an: "Yên tâm, phòng khám trong đường hẻm cách đây 500m, khám bệnh chất lượng lắm. Mày vào đó khám, tao dẫn đi lấy vài chục uống nước thôi, phòng khám tao quen mà".

Phòng khám tư mà "cò" giới thiệu nằm trong con hẻm Phạm Đình Toái của một bác sĩ nữ tên Nguyệt. Chúng tôi vừa chạy xe đến phòng khám được "cò" tư vấn để xem như thế nào, khi gần tới nơi thì "cò" Lâm giơ tay báo hiệu với nhân viên giữ xe và bảo vệ của phòng khám này. Lấy lý do không đủ tiền khám tư nên chúng tôi quay ra, vừa tới đầu hẻm thì tiếp tục bị "cò" chặn lại hỏi: "Sao không khám?". Chúng tôi trả lời: "Giá hơi cao, không đủ tiền khám nên về".

Ngẫm nghĩ một lát, "cò" liền rút điện thoại gọi cho ai đó, sau đó hướng dẫn chúng tôi đến một phòng khám tư khác xa hơn (đường Nguyễn Thông, quận 3, TP. HCM). Chúng tôi đồng ý và "cò" Lâm yêu cầu "bồi dưỡng" vài chục nghìn gọi là phí dẫn đường. "Cò" này tiết lộ, ở bệnh viện Da Liễu "cò" hoạt động theo nhiều ngã đường khác nhau xung quanh bệnh viện để dễ đón đầu người đến khám. Người nào muốn khám nhanh thì phải liên hệ "cò" để khỏi mất thời gian.

Cò bệnh viện lại lộng hành, chèo kéo mời bệnh nhân khám nhanh ở Sài Gòn - Ảnh 4.

Sau đó "cò" bệnh viện dẫn chúng tôi đến phòng khám tư rồi yêu cầu bồi dưỡng gọi là phí dẫn đường.

Được biết, mặc dù trước cổng số 2 của bệnh viện (đường Nguyễn Thông) luôn có tiếng loa cảnh báo cứ 5 phút lại vang lên một lần. Tuy nhiên "cò" bệnh viện vẫn ngang nhiên chầu chực trước cổng chờ mời chào, thậm chí chặn đầu xe người đến khám bệnh. Một bác sĩ ở bệnh viện Da Liễu đã lắc đầu ngao ngán khi chúng tôi nhắc đến vấn đề "cò" ở bệnh viện này vì đã tồn tại nhiều năm nhưng khó dẹp bỏ được.

Có thể thấy, nạn "cò" bệnh viện đang gây mất công bằng xã hội, người bệnh tiền mất tật mang, làm ảnh hưởng đến ngành y tế.

Cần chấn chỉnh cả "cò" nội - nhân viên trong bệnh viện

Theo Sở Y tế TP. HCM, nguyên nhân dẫn đến tình trạng "cò" lộng hành trước cổng bệnh viện phần lớn là do thủ tục hành chính (khám chữa bệnh) tại các bệnh viện còn rườm rà, nhiều khâu mà bệnh nhân lại đông đúc. Do đó, người bệnh phải chờ đợi lâu, dễ bị "cò" dụ đến các phòng khám tư nhân.

Liên quan đến vấn nạn "cò", bác sĩ Diệp Bảo Tuấn - Phó Giám đốc bệnh viện Ung Bướu TP. HCM cho biết: vấn nạn cò trước cổng bệnh viện rất khó xử lý vì đó là "cò" ngoại, quan trọng hơn phải xử lý, chấn chỉnh "cò" nội - chính là nhân viên trong bệnh viện.

"Các đối tượng "cò" đứng bên ngoài thì mình không thể xử lý vì đó là quyền của họ. Tuy nhiên xuất hiện "cò" là có sự móc nối của nhân viên bệnh viện nên từ nhiều năm nay chúng tôi đã có những biện pháp chấn chỉnh như thông báo bác sĩ của các khoa phải tự chịu trách nhiệm quản lý phòng khám của mình và cam kết với Sở Y tế và bệnh viện không được bắt nối với "cò". Ngoài ra chúng tôi cũng hợp đồng với công an phường và quận thường xuyên kiểm tra kiểm soát tình hình an ninh trật tự trước cổng bệnh viện vào giờ cao điểm từ 4h - 7h30 để ngăn chặn "cò" hoạt động trá hình", bác sĩ Tuấn nói.