Một bộ phim “đẹp”, nghe có vẻ rất nông cạn. Vì tính từ “đẹp” thiên về hình thức. Có người sẽ cau mày: “Tất nhiên, dàn diễn viên toàn trai xinh - gái đẹp, hot boy - hot girl thì đẹp là đúng rồi. Quan trọng phim có hay hay không?” hoặc ít “kỳ thị” hơn là: “Đẹp như MV ca nhạc chứ gì?”. Đó là 2 định kiến về Thần tượng ngay từ khi ra mắt dự án.
Lấy đề tài thị phi nhất: showbiz; dàn diễn viên chính đẹp như hoa – mà người ta thường nói “bình hoa di động”; đạo diễn lần đầu làm phim; tất cả đều quá mơ hồ để khán giả có thể tin mình không phí tiền xem (thêm) một thảm họa. Cả dân trong nghề và báo chí cũng nghi ngại khi tham dự buổi chiếu ra mắt đầu tiên tại TP. HCM.
Ngay chính “cha đẻ” của phim – đạo diễn Quang Huy cũng khá dè dặt khi giới thiệu “đứa con đầu lòng”. Anh không khẳng định phim của mình hay, nhưng chắc chắn đây là một phim chỉn chu tuyệt đối. Thậm chí chưa gì mà Quang Huy đã nhận hết lỗi lầm về mình trước, khi nói: “Nếu phim dở thì là lỗi của thằng đạo diễn, chứ các bạn diễn viên đã làm hết sức rồi”. Sự thật đúng như lời Quang Huy nói: Thần tượng là một phim chỉn chu, và các diễn viên trong phim đã làm hết sức. Chỉ sai vì: phim không dở.
Quay trở lại tính từ “đẹp” được gán cho Thần tượng. Nếu ví với vẻ đẹp của một cô gái thì Thần tượng là một thiếu nữ đẹp người, đẹp nết, đẹp cả tâm hồn – đẹp toàn diện nhưng không quá vượt trội để… đăng quang Hoa hậu. “Nàng” đẹp vừa đủ để người gặp, hiểu “nàng” sẽ mến nàng. Tương tự, là một bộ phim, Thần tượng không quá xuất sắc để người người tung hô hay mang ra thế giới, lãnh Oscar… Nó hay vừa đủ để lớp khán giả nó nhắm đến – giới trẻ có thể hài lòng, thỏa mãn với tiền vé bỏ ra. Ứng với vẻ đẹp ngoại hình, tính cách và tâm hồn của cô gái, Thần tượng đẹp từ hình ảnh, nội dung đến tư tưởng mà nó truyền tải.
Quang Huy vốn là “trùm” trong giới ca nhạc, từng làm rất nhiều MV nên về hình ảnh, tạm xem là thế mạnh. Những khung hình đẹp lung linh, ánh sáng, màu sắc hài hòa, góc quay phong phú, sáng tạo. Dù là ngoại cảnh hay nội cảnh đều đẹp. Như cảnh đêm bên bờ sông, xa xa ánh đèn của những tòa cao ốc hắt lại; cảnh trong văn phòng; cảnh từ phòng tập nhỏ ban đầu đến biệt thự về sau; cảnh thảm đỏ vào nhà hát trang trọng, lộng lẫy không kém phim nước ngoài. Không một khung hình nào làm ẩu. Tất cả đều được trau chuốt kỹ lưỡng.
Nội dung phim không mới, đơn giản và cũ rích như bao bộ phim về showbiz: Cuộc chiến không cân sức giữa 2 phe: phe “nhà giàu” – công ty chuyên nghiệp, có tiền, có quyền, chỉ không có “cảm” – hay còn gọi là: vô cảm; phe “nhà nghèo” – nhóm bạn trẻ theo đuổi nghệ thuật chân chính, không có gì ngoại trừ xúc cảm, đam mê. Sau một hồi ganh đua quyết liệt - chủ yếu là “nhà giàu” quyết đè cho “nhà nghèo” liệt - thì ai thắng, chắc không cần nói khán giả cũng đoán được.
Nội dung tuy không mới nhưng cách dẫn dắt câu chuyện, xây dựng nhân vật, các mối quan hệ, tình huống và giải quyết tình huống trong Thần tượng lại khá thú vị. Khác hẳn showbiz mà nhiều bộ phim từng mô tả trước đây: chiêu trò, thủ đoạn, dã tâm, bạc bẽo… showbiz trong Thần tượng dù cũng khắc nghiệt và cạnh tranh quyết liệt nhưng rất văn minh. Cho dù là phe “nhà giàu” hay phe “nhà nghèo” thì đều phải cật lực phát huy thế mạnh của mình trong cuộc đua để giành chiến thắng đẹp mắt.
Một bên đào tạo “gà” theo chiến lược kinh doanh, chuyên nghiệp, tốn kém. Một bên tin rằng giọng hát truyền cảm mới làm nên một thần tượng đích thực. Mâu thuẫn nội bộ của phe “nhà giàu”, giữa Minh và “bầu” Luân, thể hiện tinh thần “chơi đẹp” trong showbiz hiện đại, tẩy chay chiêu trò đen tối của thế hệ “bầu sô” cũ. Cuộc chiến mà người thua vẫn có thể mỉm cười, ngẩn cao đầu - đó là cuộc chiến đẹp.
Cái lý tưởng nghệ thuật chân chính mà Quang Huy lấy làm “tâm” của Thần tượng có thể khiến không ít khán giả khó chịu vì xa rời thực tế hay giáo điều. Nhưng với một phim dành cho giới trẻ, về những khát khao, ước mơ chinh phục, thì không nên phàn nàn lý tưởng kia sao mà thuần khiết, đẹp đẽ lạ. Và với một người lăn lộn ở showbiz đã lâu như Quang Huy thì việc vẫn kiên trì theo đuổi lý tưởng nghệ thuật chân – thiện – mỹ, quả thật đáng quý!
Các mối quan hệ gia đình, tình bạn, tình yêu… được lồng ghép trong câu chuyện về lý tưởng. Khán giả hẳn sẽ thấy chính mình đâu đó: có thể trong việc chọn nghề - cha/mẹ Trí/Linh muốn họ làm nghề này, nhưng bản thân họ lại đam mê công việc khác; có thể trong một tia rung động, Linh cảm thấy “kẻ đáng ghét” thường ngày thật ra cũng… đáng yêu; có thể trong căn phòng nhỏ, nhóm Trí, Long, Nguyễn, Linh cùng làm việc, đùa giỡn, cãi vã, rồi giảng hòa, lại tiếp tục ra sức vì mục tiêu chung; có thể trong vấp ngã của Trí, có thể trong kiên cường không bỏ cuộc của 3 người còn lại… Tất cả đều là tuổi trẻ mà ai cũng từng một lần bước qua.
Dàn diễn viên phần lớn là tay ngang nhưng diễn xuất khá ổn nhờ hợp vai. Hay nói, mỗi nhân vật như được đạo diễn “đo ni đóng giày” cho từng diễn viên.
Trở lại màn ảnh sau nhiều năm, Hoàng Thùy Linh không khiến khán giả thất vọng. Vẫn lối diễn tự nhiên, trẻ trung, nhưng thêm nội tâm giúp Linh thể hiện khả năng diễn xuất truyền cảm, không ít khán giả đã khóc theo nhân vật của cô.
Harry Lu tuy vẫn còn lóng ngóng, nhưng may thay, Trí không phải loại vai đòi hỏi sắc sảo, mà chính là ngô nghê, vụng về, chân thật như thế. Bù lại, Harry cực kỳ “ăn hình”, khung hình nào có anh chàng thì đều như… phát sáng.
Đáng khen nhất là Ngô Kiến Huy. Giữ vai trò gây cười, nhân vật Lê Trần Nguyễn của Huy cực kỳ sinh động, dễ thương. Vĩnh Thụy, Hứa Vĩ Văn, Phạm Quỳnh Anh đều diễn tròn vai. Dàn diễn viên khách mời nổi tiếng xuất hiện hợp lý, không “nhồi nhét” kệch cỡm.
Âm nhạc là yếu tố quan trọng trong một bộ phim về showbiz, cụ thể là mảng ca sĩ thần tượng. Được “nhào nặn” tỉ mỉ bởi nhà sản xuất, nhạc sĩ và ca sĩ “ăn khách” nhất nhì V-pop, các ca khúc trong phim tương đối đa dạng sắc thái, giai điệu, ca từ phù hợp với hoàn cảnh, nhân vật. Ca khúc Cảm ơn của Wanbi Tuấn Anh vang lên ở phần kết, kèm dòng tưởng nhớ người đồng nghiệp, em trai đã mất. Tại ranh giới giữa phim và đời - tình bạn showbiz trong phim, tình bạn showbiz ngoài đời, khiến khán giả - những người gắn bó, quan tâm showbiz Việt cảm thấy ấm lòng để mỉm cười, hoặc rơi nước mắt...
Là một phim chỉn chu, Thần tượng hầu như không có điểm trừ về kỹ thuật. Tuy nhiên, có những câu thoại được trau chuốt quá mức khiến khán giả thấy sến. Hay lý tưởng nghệ thuật hoàn mỹ đôi lúc tạo cảm giác cường điệu, giáo điều. Nhịp phim ban đầu khá chậm, nhưng sớm khắc phục được. Đoạn chuyển cao trào (khi Trí lạc lối) lại hơi gấp.
Trích lời đạo diễn Quang Huy phát biểu khi Thần tượng ra mắt lần đầu tiên: “Ở nhà, tôi và vợ hiếm khi xem hết một bộ phim cùng nhau. Bởi vì phim tôi thích thì vợ tôi không thích, phim vợ tôi thích thì tôi không thích. Tôi không làm sao thích được thể loại phim mà vợ tôi thích. Thế nhưng tôi hiểu, vợ tôi có lý do để thích, và tôi tôn trọng lý do của vợ tôi. Nói vậy để thấy rằng, khó mà làm được phim mọi người đều thích. Nhưng, phải làm thật chỉn chu để khán giả của mình hài lòng. Phim tôi dành cho các bạn trẻ, những người quan tâm đến showbiz và có tình yêu, đam mê với âm nhạc”.
Không đến mức xuất sắc, nhưng Thần tượng là một phim đàng hoàng, có thể thỏa mãn khán giả trẻ thích thể loại phim giải trí nhẹ nhàng, những bạn trẻ đang ấp ủ ước mơ, hoài bão. Dù rằng, đời thường không giống như mơ, nhưng ước mơ cũng chẳng hề đánh thuế. Nên cứ mơ đi, đem nhiệt huyết thanh xuân ra mà đuổi theo những lý tưởng đẹp đẽ nhất, mặc cho ai nói ta ảo tưởng. Vì tuổi trẻ qua đi là không trở lại bao giờ…
Thần tượng, vừa đủ đẹp cho tuổi trẻ!