Những "thảm họa" siêu anh hùng trên màn ảnh rộng

Phúc Logic, Theo Trí Thức Trẻ 20:42 14/08/2015

Lịch sử điện ảnh không hề thiếu những “thảm họa” phim siêu anh hùng.

Phần reboot The Fantastic Four của 20th Century Fox vừa ra mắt tuần rồi đã hứng chịu không ít “gạch đá”, phần lớn xoay quanh việc kịch bản dài lê thê và nhàm chán cùng sự thất bại trong việc khai thác cá tính từng nhân vật. Từ trước đến nay, nhiều tựa phim lấy đề tài siêu anh hùng khác cũng chịu hoàn cảnh tương tự, mà khi nhắc lại thì bất kỳ fan trung thành nào cũng phải ngao ngán.
 
Howard the Duck (1986)
 
 
Xuất hiện trong đoạn post-credit của Guardians of the Galaxy, nhưng phim riêng của Vịt Howard thì đã có trước đó nhiều thập kỷ. Chàng siêu anh hùng mang hình dáng vịt này vốn là một nhân vật thú vị của hãng Marvel, nhưng quyết định Howard lên màn ảnh rộng của hãng Lucasfilm lại là một trong những sai lầm lớn nhất trong lịch sử phim chuyển thể từ truyện tranh. Với cốt truyện lập dị không thể chiều lòng cả fan truyện lẫn khán giả đại chúng, doanh thu toàn cầu của Howard the Duck chỉ vỏn vẹn 38 triệu USD, tức lời đúng…1 triệu so với kinh phí bỏ ra. Ngoài ra, phim còn  bị chỉ trích bởi “cảnh nóng” kỳ quặc giữa Howard và nữ chính.
 
Captain America (1990)
 
 
Cuộc đối đầu xuyên thế kỷ giữa Captain America và Red Skull vốn là một đề tài hấp dẫn từ truyện lên phim ảnh, nhưng cách các đạo diễn thể hiện chúng thì không phải bao giờ cũng hấp dẫn. Trong phiên bản này, Steve Rogers vì bẻ hướng quả tên lửa nhằm vào Washington DC của tên ác nhân nên đã bị đóng băng dưới biển Alaska từ thời thế chiến đến năm 1993. 

Dù các phân cảnh hành động cùng kỹ xảo trông cứ như phim thiếu nhi, phim lại đụng chạm đến vấn đề chính trị nhạy cảm khi để quốc tịch của Red Skull là người Italy, sào huyệt tội ác của hắn cũng được đặt tại đất nước này. Phim còn thất bại hơn cả Howard the Duck về mặt thương mại khi doanh thu chỉ gần đủ bù lỗ (kinh phí 10 triệu USD, tổng thu toàn cầu là 10,173 triệu USD).
 
Superman IV: The Quest for Peace (1987)
 
 
Phần phim về Superman cuối cùng có tài tử quá cố Christopher Reeve vào vai chính cũng là phần tệ nhất cả về tính giải trí lẫn thương mại. Để đáp trả sự hùng mạnh của Người đàn ông thép, Lex Luthor đã tạo ra một siêu ác nhân có sức mạnh ngang ngửa là Nuclear Man. Ngoài diễn xuất hời hợt của các diễn viên, phim gần như xem thường khán giả với hàng loạt những lỗi logic ngô nghê. Một cảnh ngớ ngẩn đáng nhớ là khi Nuclear Man bắt cóc cô phóng viên Lacy lên mặt trăng; nhân vật này vẫn… sống khỏe dù không có không khí.
 
Judge Dredd (1995)
 
 
Nếu như trong nguyên tác, mặt thật của Phán quan Dredd là một ẩn số, thì Sylvester Stallone quyết định lộ mặt luôn ngay từ đầu phim nhằm quảng bá thương hiệu cá nhân. Hành động của phim dừng ở mức ổn cùng một cốt truyện trung bình – khá khi so với mặt bằng chung phim hành động thời bấy giờ, nhưng Dredd của Stallone bị cho là “quá yếu đuối và nhân đạo” so với bản reboot 2012 cũng như nguyên tác. Phim trở thành bom xịt ở thị trường Bắc Mỹ với doanh thu vỏn vẹn 34,7 triệu USD.
 
Steel (1997)
 
 
Là một trong những thành viên ít được biết đến của hội Justice League thuộc nhà DC, phần phim đầu tiên và duy nhất lại khiến vị anh hùng này bị… lãng quên luôn. Ngoài trang phục xấu xí như… nhựa xốp cùng siêu sức mạnh không rõ ràng, lời thoại của Steel vốn không hay nay còn bị phá hỏng bởi diễn xuất “đơ như cây cơ “của Shaquille O’Neal trong vai chính. Phim gần như không có kịch tính khi Steel chỉ đối đầu với những tay giang hồ kém cỏi chứ không có được đối thủ xứng tầm. Phim chịu lỗ thảm hại khi thu về 1,7 triệu USD, chỉ gần 1/8 kinh phí sản xuất 16 triệu USD.
 
Batman & Robin (1997)
 

Trước khi bị “chiếm quyền” đạo diễn bởi Joel Schumacher, hai phần Batman (1989) và Batman Returns (1992 ) của Tim Burton được đánh giá cao về sự tăm tối và độc đáo trong kịch bản. Phần Batman Forever đã lộ rõ yếu điểm của đạo diễn Tim Burton khi cầm trịch dự án siêu anh hùng này, còn Batman & Robin là một thảm họa không thể phủ nhận. 

Cuộc chiến giữa bộ đôi người hùng chống lại Ngài Đông Lạnh đã quá màu mè, phim còn có sự xuất hiện thừa thãi của hai phản diện Poison Ivy và Bane. Dàn diễn viên toàn sao hạng A như George Clooney, Uma Thurman, Arnold Schwarzenegger…cũng không thể cứu nổi kịch bản đầy lỗ hổng và ngớ ngẩn như phim hoạt hình thiếu nhi.
 
Catwoman (2004)


Tuy dựa trên hình tượng một trong những bóng hồng nổi tiếng của Batman, nhưng phiên bản do Halle Berry thủ vai gần như khác biệt hoàn toàn so với nguyên tác. Thay vì là siêu trộm Selina Kyle, Catwoman trong phim này lại là một nữ văn phòng nhút nhát mang tên Patience Phillips. Sau khi có được năng lực từ bầy mèo, đối thủ mà cô phải đánh bại là nữ giám đốc nham hiểm của… một công ty mỹ phẩm. Phim trở thành “bom xịt” với doanh thu tệ hại, bản thân Hale Berry cũng “được” trao tặng Mâm Xôi Vàng cho vai nữ chính tệ nhất.
 
Elektra (2005)
 
 
Trước khi có phim riêng, nhân vật Elektra do Jennifer Garner thủ vai từng xuất hiện trong bộ phim Daredevil, lúc này do Ben Affleck thủ vai và bản quyền vẫn thuộc về 20th Century Fox. Phim khai thác nhiều hơn vào quá khứ tăm tối của siêu hiệp nữ Elektra, cũng như mâu thuẫn của cô với đảng phái The Hand hung tàn. Diễn xuất “như khúc gỗ” của Garner vẫn không tệ bằng phần kỹ xảo tệ hại của phim, khi nhiều đoạn người xem còn nhìn thấy… cả dây cước cột ngang eo diễn viên. Tuyến phản diện của phim nhạt nhẽo và lạ lẫm với cả fan truyện tranh. Elektra giống như một tựa phim “bòn rút tiền” fan của hãng Fox.
 
The Spirit (2008)


Được đạo diễn bởi đạo diễn kiêm họa sĩ bậc thầy Frank Miller, The Spirit trước khi ra mắt vốn rất được kỳ vọng do phim trước của Miller là Sin City (2005) được đánh giá cao bởi tuyến truyện đa tầng cùng phong cách neo-noir thanh lịch. Phim vẫn giữ nguyên phong cách này với tông màu trắng - đen chủ đạo cùng sự đổ màu ngẫu hứng trong một số phân cảnh, nhưng riêng kịch bản thì lại lệch lạc và “hoạt họa” quá mức so với nguyên tác. Cả hai phe thiện-ác đều xuất hiện trong những bộ trang phục lộng lẫy, nhưng tính cách thì ngớ ngẩn và một chiều. Phim lỗ nặng khi tổng thu toàn cầu chỉ có 39 triệu USD trong khi kinh phí bỏ ra đến 60 triệu.
 
Green Lantern (2011)
 
 
Với chi phí sản xuất xấp xỉ 200 triệu USD, Green Lantern gần như thảm bại về mặt thị trường khi tổng thu quốc nội chỉ trên 116 triệu USD. Phim cũng là vai diễn siêu anh hùng thứ hai của Ryan Reynolds sau Deadpool trong X-Men Origin: Wolverine. 

Cuộc chiến giữa các vệ binh ngân hà Green Lantern Corp chống lại Parallax được khai thác một chiều và nhạt nhòa như chính lối diễn của Ryan Reynolds. Phần kỹ xảo tương đối ổn, tuy nhiên phim lại vấp phải vô số lỗ hổng khi nhân vật chính có khả năng tạo ra mọi thứ từ trí tưởng tượng nhưng cách anh ta sử dụng lại nghèo nàn và thiếu sức sáng tạo. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể hy vọng siêu phẩm Deadpool do Ryan Reynolds thủ vai chính sẽ có chất lượng tốt hơn.

Ghost Rider: Spirit of Vengeance (2012)

 
Loạt phim kể về một trong những siêu anh hùng bạo lực nhất thế giới truyện tranh Marvel cũng là một thảm họa ngay từ khâu chọn diễn viên chính – Nicolas Cage. Tuy nhiên người xem vẫn có thể châm chước cho phần đầu với tạo hình ấn tượng của “quái xe” cũng như chính nhân vật Ma Tốc Độ. Tuy nhiên đến phần hai, Ghost Rider lại cưỡi trên một chiếc xe máy “ốm đói” nhả khói đen kịt, bản thân cốt truyện cũng bị biến tấu hoàn toàn và gần như không liên quan đến phần một. Spirit of Vengeance còn bị chỉ trích với kịch bản lê thê nhàm chán cùng CGI xấu xí.

Cách đây không lâu, một số hình ảnh của bộ phim Superman do Nicolas Cage thủ vai chính và Tim Burton đã được tung lên mạng. Các fan hâm mộ đã được một phen hết hồn, nếu bộ phim này có thật, có lẽ danh sách "tệ hại" này đã phải dài thêm.
 
Nick_Cage_Superman_620_x_400-7d8ff