Những bất ngờ thú vị có thể bạn đã bỏ qua trong "Mad Max: Fury Road"

Minh Phúc, Theo Trí Thức Trẻ 11:18 26/05/2015

Trong "Mad Max: Fury Road" có nhiều chi tiết gợi nhắc đến các phần trước khiến fan của loạt phim này vô cùng thích thú.

Không chỉ xuất hiện ở các tựa phim của hãng Marvel, “easter eggs” là tên gọi chung của những tiểu tiết nhỏ được nhà làm phim Mỹ ưa chuộng đưa vào các thương hiệu phim nhiều phần, và chỉ có các “fan cứng”mới có thể “soi” được. Phần bốn của loạt phim - Mad Max: Fury Road cũng có rất nhiều easter eggs mà có thể bạn đã bỏ qua.

1. Chiếc hộp nhạc

Trong phần mới, có một phân cảnh nhỏ khi cô gái nhỏ nhắn Toast mân mê một chiếc hộp nhạc. Đây có thể xem là easter egg dễ nhận biết nhất đối với fan của Mad Max, bởi chiếc hộp này cũng từng được Max tìm thấy ở đầu phần hai - Road Warrior.

2. Joe “Bất tử”

Nam diễn viên từng vào vai phản diện chính Toecutter của phần một - Hugh Keays-Byrne lần này tiếp tục tham gia vào phần bốn cũng với vai trò tương tự. Tuy nhiên lần này ông vào vai Immortan Joe, theo sự xác thực tư chính George Miller thì hai nhân vật này không hề có liên hệ với nhau. Đặc điểm nhận dạng dễ thấy nhất ở Toecutter là phần tóc bạc phủ kín trán, còn tóc của Immortan Joe thì hoàn toàn bạc trắng.

3. Gygo Captain

Nhân vật phi công lái trực thăng Gygo Captain trong Mad Max: Road Warrior cũng có một “vai khách mời” trong Fury Road. Nói đúng hơn, đó chính là... xương sọ của anh ta, dễ dàng nhận diện bởi cặp kính bảo hộ quen thuộc. Chiếc sọ này được đóng cọc ở đầu xe của hai War boys Slit và Nux.

4. Road Warrior

Trong lời độc thoại đầu tiên của Max, anh đã tự nhận mình là một “Road Warrior” - Chiến binh đường phố. Khi Mad Max bị bắt cóc bởi các War boys, chúng đã xăm lên lưng anh hàng loạt “hướng dẫn sử dụng túi máu”, từ “Road Warrior” xuất hiện thêm lần nữa. Như chúng ta đã biết, Road Warrior là đề tựa cho phần hai của Mad Max, ra mắt vào năm 1981.

5. Phục trang đặc trưng của Mad Max

Trong Fury Road, nếu để ý kĩ chúng ta sẽ thấy Max (Tom Hardy) có mang một chiếc nẹp chân. Trong phần đầu tiên, Max (Mel Gibson) bị bắn ở chân và buộc phải mang chiếc nẹp sắt ấy xuyên suốt hai phần phim tiếp theo.

Chiếc áo khoác da mà Max mặc cũng chính là chiếc áo đã theo anh suốt ba phần đầu, có điều giờ đây đã phần nào rách nát hơn. Tuy Mad Max: Fury Road là bộ phim độc lập và không hề liên quan đến các phần trước, một số hình tượng đặc trưng của Mad Max vẫn được tôn trọng và giữ nguyên.

6. Plymouth Rock

Trong phim, băng đảng Chim Ó điều khiển một phương tiện bốn bánh kì lạ với những gai nhọn đáng sợ. Tạo hình này thực ra không phải xuất phát từ vũ trụ điện ảnh của Mad Max, mà George Miller đã lấy hình tượng từ những chiếc xe trong một bộ phim kinh điển khác của nước Úc mang tên The Cars That Eat People. Phim này do Peter Weir - một đạo diễn có niềm đam mê với những chiếc xe độ “quái dị” cầm trịch.

7. Thunderdome

Chiếc lồng sắt ở đấu trường Thunderdome trong phần ba Mad Max: Beyond Thunderdome đã được tái hiện trong Fury Road. Lần này, nó trở thành một nhà tù nơi Immortan Joe giam giữ những “cô vợ” của hắn. 

8. Những kẻ trộm tóc

Một chi tiết khác gợi nhắc đến Beyond Thunderdome, đó là trong cảnh đầu khi Max bị bọn Warboy đè đầu và cắt tóc. Ở bên dưới, một đứa trẻ đang vội vã thu nhặt phần tóc đó. Chi tiết này tái hiện lại một phân cảnh trong Mad Max: Beyond Thunderdome, khi một nhóm trẻ con cũng có hành động tương tự.

10. Hiệu ứng “mắt lồi”

Trong những cơn ám ảnh quá khứ của Mad Max có sự xuất hiện rất nhanh chóng hình ảnh những con người có đôi mắt bị lòi ra ngoài. Hình ảnh này cũng từng xuất hiện ở cuối phần một, khi mắt của Toecutter bị lòi ra khỏi khuôn mặt hắn do xe tải cán.

11. Scrooloose và War boys

 

Scrooloose là một trong những đứa nhóc thuộc “Bộ tộc thất lạc” (Lost Tribe) trong Mad Max: Thunderdome có ngoại hình y hệt các War boys trong Fury Road. Ngoài nước da bạch tạng và đôi mắt thâm đen trùng khớp, Scrooloose còn rất hiếu động và hiếu chiến y như các chiến binh điên của Immortan Joe. Phải chăng Scrooloose cũng là một Warboy bỏ trốn?

Tom Hardy phải mang “rọ mõm” suốt 1/3 thời lượng đầu phim, khá giống nhân vật Bane mà anh từng thủ vai trong The Dark Knight Rises (2012).